(KDTT) – Công ty cổ phần Tài nguyên Masan – Masan Resources (MSR – UpCoM), một trong những nhà sản xuất khoáng sản và hóa chất công nghiệp tích hợp lớn nhất tại Việt Nam, công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018.
Sau khi mua lại 49% phần vốn góp của Công ty H.C.Starck GmBH tại Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo – H.C.Starck (NHTCM) với tổng số tiền 29,1 triệu đô la Mỹ, NHTCM được đổi tên thành Công ty TNHH Vonfram Masan (“MTC”).
Kết quả kinh doanh Quý 3/2018 của Công ty tiếp tục khởi sắc, tuy nhiên giá vonfram (Giá APT Châu Âu Thấp) giảm nhẹ trong cùng kỳ. Mặc dù điều này đã được dự đoán trước, do việc tạm ngưng giao dịch vào mùa hè tại Châu Âu, và bất ổn do chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng thị trường tinh quặng vonfram thế giới tiếp tục khan hiếm nguồn cung. Chính vì vậy, giá vonfram được kỳ vọng sẽ chuyển biến tích cực trong Q4/2018. Quan trọng hơn là nhu cầu từ các lĩnh vực chủ lực cần sử dụng các sản phẩm vonfram vẫn ở mức cao. Nhiều thành viên tham dự Đại hội Thường niên Hiệp hội Công nghiệp Vonfram thế giới (ITIA) diễn ra gần đây tại Trung Quốc cũng nhận định về nhu cầu vonfram sẽ ngày càng tăng trưởng bền vững và mạnh mẽ hơn.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, nhà máy chế biến Núi Pháo (NPMC) đã đạt được tỷ lệ thu hồi cao nhất kể từ khi vận hành cho dù sản lượng thấp do hàm lượng vonfram khai thác thấp hơn.
Doanh thu thuần của MSR đạt 4.688 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2018, tăng 19,4% so với mức 928 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2017. Lượng đồng tồn kho vẫn duy trì ở mức cao do nhu cầu trong nước thấp, nhưng giá các sản phẩm chính của MSR trong 9 tháng đầu năm 2018 vẫn tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Sáng kiến của Ban Điều hành trong việc đưa ra chiến lược để giá thực bán cao lại tiếp tục thành công khi giá thực bán theo hàm lượng vonfram tương đương trong 9 tháng đầu năm 2018 cao hơn 5,8% so với cùng kỳ năm trước.
EBITDA của MSR trong 9 tháng đầu năm 2018 tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù hàm lượng vonfram khai thác thấp hơn dẫn đến sản lượng theo hàm lượng vonfram tương đương giảm 14,1%, nhưng biên EBITDA của Công ty vẫn đạt 50,4%, tăng 32 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm 2017. Ban Điều hành tiếp tục kiểm soát chi phí chặt chẽ và đẩy nhanh tiến độ chạy thử các dự án nâng cao hiệu suất, đặc biệt là chu trình tuyển vonfram và florit, qua đó giúp Công ty tiếp tục duy trì vị trí là một trong những nhà sản xuất có chi phí sản xuất thấp nhất thế giới. MSR đã ghi nhận dòng tiền tự do (“FCF”) lên tới 30 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2018 và dự báo tiếp tục tăng trưởng 30% trong năm 2018 so với năm 2017.
Công ty ghi nhận khoản lợi nhuận thuần phân bổ cho Cổ đông của Công ty trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt 340 tỷ đồng, tăng 247,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đây cũng là lần đầu tiên Công ty đạt biên lợi nhuận 7,3%. Như đã đề cập trong Báo cáo lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2018 về việc thực hiện các sáng kiến tái cơ cấu các khoản nợ, Công ty đã phát hành thành công 000 tỷ đồng trái phiếu với các điều khoản tốt để tái cơ cấu một phần các khoản nợ hiện hữu bằng việc gia hạn thời điểm đáo hạn của các khoản nợ nhằm tối ưu hóa dòng tiền thu được trong ngắn hạn.
Trước những kết quả khả quan trên, Masan Resources tự tin tưởng khả năng đạt doanh thu trong khoảng 7.300 – 8.000 tỷ đồng và lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông khoảng 600 – 1.000 tỷ đồng đúng như đã công bố trước đây.
Anh Minh
Nguồn KDPT