web analytics

Kỳ vọng sự phục hồi trong bức tranh kinh doanh 2024 06/01/2024

(KDTT) – Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 được kỳ vọng sẽ cải thiện so với năm 2023, xu hướng lãi suất chủ đạo dự kiến đi ngang ở mức thấp, môi trường kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp được hưởng lợi

Tiêu dùng trong nước phục hồi nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là việc tiếp tục giảm 2% thuế VAT đến hết tháng 6/2024. Ảnh: Đức Thanh

Dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 trên 6%, chính sách tiền tệ còn dư địa nới lỏng

Theo thông tin từ Bloomberg, kinh tế các quốc gia có sự phân hóa rõ rệt trong năm 2024, nhưng điểm chung tích cực là xu hướng lạm phát hạ nhiệt mạnh và chu kỳ cắt giảm lãi suất diễn ra ở hầu hết các khu vực.

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC) cho biết, hầu hết các định chế tài chính hàng đầu thế giới kỳ vọng kinh tế Mỹ vẫn giữ mức tăng trưởng dương trong năm 2024 và lạm phát quay về quanh mức 3%. Trong khi đó, ở Việt Nam, với nền tăng trưởng thấp năm 2023 cộng với kỳ vọng hồi phục trong năm 2024, đa số các tổ chức kinh tế lớn cho rằng, Việt Nam sẽ trở lại đà tăng trưởng mạnh mẽ và vẫn kiểm soát tốt lạm phát trong năm 2024.

Kết quả khảo sát ý kiến của các giám đốc quỹ đầu tư về triển vọng năm 2024 do TCSC thực hiện ghi nhận sự phân hóa nhất định. Cụ thể, 42% kỳ vọng kinh tế các nước có sự phân hóa, 42% cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ổn định, 16% còn lại tin rằng sẽ có sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ. Trong khi đó, những nhà đầu tư cá nhân được khảo sát có phần bi quan hơn, khi có 4% cho rằng, kinh tế sẽ diễn biến tiêu cực.

Các tổ chức trong và ngoài nước kỳ vọng, tăng trưởng GDP của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể năm 2024, dao động từ 5,5 đến 6,7%. Trong đó, đưa ra mức dự báo cao nhất là Standard Bank với 6,7% và thấp nhất là Ngân hàng Thế giới (WB) với 5,5%. Con số kế hoạch của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ 6,0 đến 6,5%. Còn theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP khoảng 5,8% – nằm trong top 20 quốc gia có mức tăng trưởng GDP cao nhất toàn cầu năm 2024.

Động lực tăng trưởng đến từ sự kỳ vọng về cải thiện giải ngân đầu tư công, tiêu dùng trong nước, phục hồi xuất nhập khẩu và chính sách tiền tệ thiên về mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo bà Phan Thị Liên, Kinh tế trưởng Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), TPS dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,2 – 6,5%.

Động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP đến từ xuất khẩu. Theo đó, Mỹ, EU và một số quốc gia khác có thể sẽ bắt đầu chu kỳ tiền tệ nới lỏng vào cuối năm 2024. Điều này sẽ thúc đẩy tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ – nơi đóng góp gần 30% kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam.

Tiêu dùng trong nước cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP, đến từ cơ sở vốn đầu tư nước ngoài đăng ký và giải ngân năm 2023 tăng mạnh vào ngành chế biến, chế tạo – là ngành tạo ra số lượng việc làm rất lớn. Điều này làm tăng thu nhập của người lao động trong những năm tới, góp phần thúc đẩy tiêu dùng.

Bên cạnh đó, ngành du lịch đã có sự phục hồi đáng kể. Du lịch trong nước gần như phục hồi hoàn toàn, lượt khách du lịch quốc tế phục hồi khoảng 70% so với trước dịch. Chính sách lãi suất có thể tiếp tục duy trì trạng thái nới lỏng trong năm 2024 cũng khuyến khích người tiêu dùng tăng chi tiêu nhiều hơn cho cả mặt hàng thiết yếu và không thiết yếu.

Với động lực đầu tư công, trong bối cảnh toàn cầu chưa quá thuận lợi, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,0 – 6,5% trong năm 2024, ngoài chính sách tiền tệ nới lỏng, thì Chính phủ cần điều hành chính sách tài khóa hỗ trợ cho tăng trưởng, bao gồm thúc đẩy đầu tư công.

Theo bà Liên, chính sách tiền tệ Việt Nam vẫn còn dư địa nới lỏng trong năm 2024. Trong trường hợp bối cảnh quốc tế cũng như trong nước thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ giảm một lần lãi suất điều hành khoảng 50 điểm cơ bản so với mức trước đó, do dư địa để giảm lãi suất không còn nhiều. Tuy nhiên, nếu bối cảnh quốc tế không thuận lợi, gây áp lực lên tỷ giá và lạm phát, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể thay đổi đối với quan điểm chính sách tiền tệ.

Hiện nay, dù lãi suất huy động đã giảm, nhưng lãi suất cho vay chưa giảm nhiều do lãi suất cho vay luôn có độ trễ nhất định so với lãi suất tiền gửi. Vì vậy, TPS cho rằng, lãi suất cho vay tiếp tục giảm trong năm 2024, khi lãi suất huy động ở mức thấp và mức độ rủi ro của các doanh nghiệp đi vay giảm.

Nhìn chung, bối cảnh thị trường trong năm 2024 hứa hẹn có nhiều khởi sắc hơn, khi quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đều đã đến chặng cuối. Do đó, câu chuyện ở năm 2024 sẽ nghiêng về việc chờ đợi thời điểm chính sách đảo chiều từ diều hâu sang bồ câu của các nước phát triển. Việc chính sách tiền tệ đảo chiều tại các ngân hàng trung ương này kỳ vọng giúp giảm áp lực cho tỷ giá, qua đó Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để duy trì chính sách nới lỏng.

Dưới góc nhìn lạc quan hơn, TPS kỳ vọng, các khó khăn về vĩ mô sẽ thuyên giảm dần, tạo cơ sở cho các ngân hàng trung ương thế giới nới lỏng chính sách tiền tệ. Qua đó kích thích hoạt động tiêu dùng tăng trưởng trở lại, tạo tiền đề cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Lợi nhuận kỳ vọng duy trì phục hồi và tăng tốc trong năm 2024

Dự báo bối cảnh vĩ mô tươi sáng hơn trong năm 2024 là điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cho các nhóm ngành tốt hơn, lợi nhuận sau thuế được giới phân tích kỳ vọng tăng trưởng 20,3% toàn thị trường trên nền suy giảm hơn 8% năm 2023. Con số này được cho là khá cao, chủ yếu dựa vào nhóm ngành ngân hàng dẫn dắt (dự báo tăng trưởng 21%), trong khi nhóm phi tài chính dự báo tăng trưởng trên 18%.

Ông Nghiêm Bảo Nam, Trưởng bộ phận Phân tích FinPeace cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã qua giai đoạn đáy, “phục hồi nhẹ” sẽ là từ khóa của năm 2024. Dự kiến xu hướng lãi suất chủ đạo sẽ đi ngang ở mức thấp. Khi môi trường kinh doanh thuận lợi, các doanh nghiệp đều được hưởng lợi. Điều đó được phản ánh vào thị trường chứng khoán, tính từ năm 2001 trở lại đây. Tăng trưởng kép hàng năm của VN-Index đạt 11,6%/năm, nhanh gấp hai lần so với Chỉ số DowJones đại diện cho thị trường chứng khoán Mỹ.

Tăng trưởng GDP Việt Nam đã giảm xuống mức 5,05% trong năm 2023 và hồi phục trở lại mức 6% trong năm 2024 theo mục tiêu của Chính phủ. Dù phục hồi, nhưng con số này vẫn ở mức thấp so với tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 10 năm trước Covid-19, cho thấy năm 2024 có thể chưa phải thời điểm bứt phá mạnh mẽ của nền kinh tế. Dựa trên cơ sở dự báo của WB và IMF, tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt mức 6,5% vào năm 2025, FinPeace cho rằng, giai đoạn tiền tăng trưởng sẽ kéo dài đến hết năm 2024.

Bức tranh kinh doanh toàn thị trường năm 2024 được dự báo tiếp tục phục hồi từ nền thấp năm 2023, đặc biệt ở nhóm doanh nghiệp niêm yết trừ ngân hàng và bất động sản, khi mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh trong năm 2023 và tiếp tục duy trì thấp trong năm 2024, sẽ hỗ trợ nền kinh tế và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Tiêu dùng trong nước phục hồi nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt liên quan đến giảm thuế VAT (tiếp tục giảm 2% thuế VAT đến hết tháng 6/2024). Xuất khẩu tiếp tục phục hồi trong năm 2024 khi nhu cầu của Mỹ và EU quay trở lại. Đầu tư công và vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đạt mức cao. Tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi từ năm 2024 khi nền lãi suất duy trì ở mức thấp kích thích sức cầu trong dân. Từ đó, hoạt động sản xuất – kinh doanh cũng phục hồi theo, doanh nghiệp sẽ có nhu cầu mở rộng hoạt động.

Theo đánh giá của ông Nam, với riêng ngành bất động sản và ngân hàng, năm 2024, mặc dù tăng trưởng tín dụng và biên lãi ròng (NIM) được dự báo phục hồi từ nền thấp năm 2023, nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu xuống thấp buộc các ngân hàng phải đẩy mạnh trích lập dự phòng nợ xấu từ quý IV/2023 và năm 2024, khiến lợi nhuận ngành khó bứt phá.

Còn với bất động sản, giai đoạn khó khăn nhất đã qua, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được thông qua vào đầu năm 2024 sẽ giúp khơi thông các vướng mắc về pháp lý tại các dự án. Lãi suất duy trì nền thấp giúp giảm áp lực chi phí lãi vay cũng như kích thích nhu cầu mua nhà ở thực.

Theo đó, thị trường sẽ thấy sự phục hồi ở những doanh nghiệp cơ bản tốt, nhưng cần cẩn trọng doanh nghiệp có nợ vay cao. Xu hướng của toàn ngành sẽ phục hồi trong năm 2024, nhưng cũng sẽ có sự phân hóa lớn giữa các doanh nghiệp khi quý IV là cao điểm đáo hạn trái phiếu của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2024 cao kỷ lục trong 3 năm.

Áp lực trả nợ trái phiếu tăng cao, trong khi tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu ở ngưỡng cao đỉnh điểm từ năm 2020 sẽ khiến nhiều doanh nghiệp khó đảm bảo khả năng duy trì hoạt động. Các doanh nghiệp niêm yết ngoài bất động sản và ngân hàng là nhóm ngành nhạy nhất với hoạt động điều hành lãi suất, khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng tăng, đẩy chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp tăng và ngược lại.

Đối với nhóm doanh nghiệp niêm yết ngoài bất động sản và ngân hàng, các nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong lợi nhuận bao gồm doanh nghiệp sản phẩm thực phẩm, tiện ích điện, cơ sở hạ tầng giao thông, tiện ích khí đốt, hoá chất… Nhóm doanh nghiệp này phần lớn phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

Chuyên gia Finpeace cho rằng, năm 2024, kỳ vọng bức tranh lợi nhuận nhóm doanh nghiệp này sẽ phục hồi khi chỉ số sản xuất công nghiệp phục hồi chậm từ giữa năm 2023 đồng pha với đáy của hoạt động xuất khẩu. Đầu tư công được đẩy mạnh giải ngân (đến cuối tháng 12/2023 ước đạt 579.890 tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 cả về số tuyệt đối và tương đối). Kinh tế toàn cầu hồi phục kéo theo nhu cầu nhập khẩu tại các nước phát triển như Mỹ và EU. Với nền kết quả kinh doanh thấp trong năm 2023, lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức thấp kỳ vọng, sức cầu trong nền kinh tế phục hồi, thì đây sẽ là nhóm doanh nghiệp đem lại sự tăng trưởng tích cực cho nền kinh tế trong năm 2024.

Với những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, FinPeace dự báo, GDP năm 2024 có thể tăng trưởng 5,8% và lợi nhuận toàn thị trường có thể tăng 10-15%.

Những rủi ro cần chú ý

Theo bà Ngô Thị Lệ Thanh, Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán Tiên Phong, căng thẳng địa chính trị có thể ảnh hưởng đến giao thương toàn cầu, từ đó kéo giá hàng hóa gia tăng và đánh thức nỗi lo lạm phát trở lại. Đáng chú ý hơn, dư địa để các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tăng lãi suất đã không còn, nên nếu bóng ma lạm phát trở lại, các ngân hàng trung ương sẽ có động thái để kéo giảm chỉ số này trở lại.

Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng sẽ duy trì mức lãi suất cao trong thời gian dài hơn kỳ vọng của nhà đầu tư là tháng 3/2024. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang đối mặt với các bất ổn về thị trường bất động sản và vấn đề giảm phát.

Phan Hằng