Nỗ lực vượt khó
Ngay khi thị trường rơi vào cảnh khó khăn, Nhà Nước, Chính phủ đã có một loạt các động thái mới như ban hành Nghị định 08, Nghị quyết 33 và biện pháp hạ nhiệt lãi suất từ NHNN. Tuy nhiên, vẫn cần thêm thời gian để những chính sách này đi vào thực tiễn, ngấm dần vào thị trường và phát huy được hết những tác dụng của nó.
Bên cạnh những kỳ vọng tích cực đến từ nỗ lực của Chính phủ, chủ đầu tư, doanh nghiệp môi giới bất động sản và cá nhân người làm môi giới, thị trường BĐS những tháng cuối năm có khá nhiều yếu tố để kỳ vọng, trong đó đáng chú ý nhất là xu hướng giảm dần của lãi suất tín dụng là sự trở lại của dòng tiền giá rẻ…
Các chuyên gia Viện Nghiên cứu kinh tế – tài chính – bất động sản Dat Xanh Services (DXS – FERI) cho rằng, thị trường có khá nhiều yếu tố tích cực để kỳ vọng. Trước tiên, đó là sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan. Cụ thể như, việc Chính phủ đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự luật liên quan trong tháng 10/2023 (Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, Luật Đất đai…), cũng như tiếp tục chủ trương hạ 1% – 2% lãi suất cho vay, giải ngân các dự án đủ điều kiện pháp lý…
Về phía các doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp cũng đang tiếp tục nỗ lực tự thân để vượt khó. Tiêu biểu như nỗ lực của các chủ đầu tư trong việc cơ cấu nợ trái phiếu, chuyển đổi trái phiếu thành BĐS, theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP; lên kế hoạch tiếp tục triển khai các dự án trong quý III/2023, đi kèm các chính sách bán hàng đột phá nhằm hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh lãi suất cho vay vẫn ở mức cao (chiết khấu sâu, tăng thời gian hỗ trợ lãi suất vay, cam kết lãi suất cố định từ 5% – 8% trong 3 – 5 năm…).
Lãnh đạo nhiều doanh cho biết đã trực tiếp tiếp xúc khách hàng, tham gia giới thiệu dự án nhằm tạo niềm tin đối với thị trường. Trong khi đó, các doanh môi giới cũng đang nỗ lực tồn tại để vượt khó thông qua việc tái cấu trúc toàn diện doanh, tối ưu loại hình sản phẩm, dịch vụ và quy trình kinh doanh; chủ động tham gia các hoạt động tham quan dự án, sự kiện, khởi động… tạo không khí sôi động cho thị trường; tối ưu nguồn lực nhân sự, chi phí hoạt động để tiếp tục vượt qua khó khăn.
Kỳ vọng thị trường sớm thoát khỏi gam màu xám
Nhận định về chính sách được Chính phủ ban hành, GS.TS Nguyễn Thị Cành – Viện Nghiên cứu và phát triển công nghệ ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nếu doanh nghiệp tận dụng hiệu quả những hỗ trợ từ các chính sách miễn giảm các loại thuế, phí, giảm lãi suất…, cùng sự điều hành năng động, quyết liệt của chính quyền các cấp, kinh tế cả nước sẽ gặt hái được rất nhiều thành công trong thời gian còn lại của năm 2023, sớm xóa bỏ được những gam màu tối trong bức tranh kinh tế.
Các chuyên gia đều chung nhận định, thời gian qua thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn do 2 nút thắt lớn nhất đó là vốn và pháp lý. Nhưng đến thời điểm này, những vướng mắc đang dần được tháo gỡ.
Chuyên gia kinh tế – TS Đinh Thế Hiển cho rằng, bước sang năm 2023 thị trường BĐS nhận được nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế.
Việt Nam tiếp tục tăng trưởng bất chấp kinh tế thế giới vẫn đang bất ổn; đầu tư công được đẩy mạnh, đặc biệt vào hạ tầng giao thông, tạo động lực cho các dự án BĐS; đầu tư trực tiếp nước ngoài – FDI tăng cao, mang đến cơ hội cho BĐS khu công nghiệp, các dự án nhà ở dân cư; những chính sách mới có hiệu lực giúp chuẩn hóa và minh bạch thị trường BĐS; cùng với đó là tiến trình đô thị hóa vẫn phát triển kéo theo nhu cầu về nhà ở tăng cao…
Ông Hiển phân tích: “Hiện nay thị trường BĐS phát triển tốt hơn trước đây, ngay cả khi đang ở giai đoạn khó khăn, do tác động tích cực từ các yếu tố vĩ mô. Mặc dù dòng tiền đang gặp khó, nhưng tôi cho rằng sẽ ngay lập tức sôi động trở lại khi lạm phát tiếp tục được kiểm soát, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt giữ ở mức ổn định và việc giải ngân nhanh hơn. Trong giai đoạn cuối năm 2023, thị trường chưa thể tạo ra dòng tiền khai thác, kinh doanh với giá trị lớn nhưng vào thời điểm cuối năm thị trường sẽ phục hồi cục bộ ở một số phân khúc, khu vực khi nhà đầu tư trung hạn bắt đầu giải ngân”.
Nhìn chung, các nhận định đều cho rằng quý IV/2023 và cũng là thời điểm lĩnh vực bất động sản sẽ bắt đầu chu trình mới với sự phục hồi dần dần ở một số phân khúc và thị trường chủ lực là các đô thị lớn.
Tuy nhiên, trong gia đoạn hiện nay, doanh nghiệp bất động sản vẫn phải tiếp tục “bắt mạch” thị trường, đưa ra những quyết sách chống khủng hoảng, nhằm duy trì hoạt động và chờ thời cơ đến, như: tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy nhưng vẫn giữ được khả năng kinh doanh; duy trì hệ thống điều hành trong điều kiện cắt giảm chi phí; giữ mối quan hệ với các chủ đầu tư, nguồn hàng; phát triển nguồn hàng, phân khúc hàng hóa mới để xử lý và cân đối dòng tiền…