Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) Carolyn Turk cho rằng, Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, không như nhiều quốc gia khác. Thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm là một chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn. Đồng thời, chính sách tài khóa và tiền tệ phải đồng bộ để đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô hiệu quả.

Trong Báo cáo mới nhất về triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá, đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Nhu cầu thế giới giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất chế biến chế tạo. Tuy nhiên, lĩnh vực xây dựng có thể tăng tốt nếu các dự án cơ sở hạ tầng lớn được thực hiện vào năm 2023 theo kế hoạch.

Còn tại Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới vừa công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 đạt 5,8%, đứng thứ hai khu vực cùng với Campuchia, và chỉ xếp sau Philippines (dự báo tăng trưởng 6%). Ngân hàng UOB giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 ở mức 6,6%, khá sát với mức dự báo tăng 6,5% từ Chính phủ.

Tờ Financial Times có bài viết cho rằng, Việt Nam phải hành động quyết liệt để đạt mục tiêu tăng trưởng. Bài viết cho biết, bên cạnh nhiều biện pháp, trong tháng qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cắt giảm lãi suất lần thứ 4 để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trang Fibre2Fashion trích dẫn nhận định của Ngân hàng HSBC dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong quý IV/2023. Bài báo cho biết, tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam đã hạ nhiệt, nền kinh tế thể hiện khả năng phục hồi.

Ông Paulo Medas – Trưởng đoàn giám sát kinh tế vĩ mô, tài chính và tiền tệ Việt Nam, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá: “Chúng tôi đánh giá cao sự kiên định và linh hoạt trong điều hành kinh tế vĩ mô thông qua các chính sách tiền tệ và tài khoá. Việc cắt giảm lãi suất tới 4 lần giúp hỗ trợ cho nhu cầu tín dụng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, kết hợp với chính sách tài khoá, giảm thuế VAT, tăng lương cơ bản, phúc lợi xã hội, tăng đầu tư công. Việc tăng chi ngân sách theo kế hoạch và cắt giảm các loại thuế sẽ giúp thúc đẩy cầu trong nước. Như vậy, các động lực tăng trưởng gồm xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng sẽ được hỗ trợ rất nhiều ngay từ quý III tới đây”.

Các doanh nghiệp nước ngoài cũng tiếp tục quan tâm đến thị trường Việt Nam. Trang The Star cho biết, nhiều doanh nhiệp Hàn Quốc đang tìm cơ hội mới tại Việt Nam – nơi được coi là trung tâm đổi mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu và có thị trường tiêu dùng đang phát triển.

Tờ Business Times nhận định: Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ thu hút nhân tài để đưa đất nước trở thành trung tâm sản xuất công nghệ trong khu vực. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã tăng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam.

Ông Kok Ping Soon – Giám đốc điều hành Liên đoàn doanh nghiệp Singapore cho biết: “Chúng tôi muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình chuyển đổi kỹ thuật số và để đảm bảo rằng những phát triển này được thực hiện một cách an toàn, linh hoạt và an toàn mạng”.

Ông Rakeo Nakajima – Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam thông tin: “Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến hợp tác với các công ty khởi nghiệp Việt Nam. Chúng ta cần tạo ra nhiều câu chuyện thành công hơn, cũng như các vấn đề về phát triển xanh. Các công ty Nhật Bản có thể góp phần giảm thiểu khí thải CO2 và hướng tới nền kinh tế xanh của Việt Nam”.

Để Việt Nam tăng trưởng bền vững, trang Diễn đàn Đông Á trích dẫn đánh giá của chuyên gia Joseph Negrine – Đại học Quốc gia Australia cho rằng Việt Nam cần ưu tiên tăng trưởng xanh, đảm bảo các tài sản tự nhiên của nền kinh tế có thể hỗ trợ phúc lợi cho các thế hệ tương lai.

Việt Nam nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023. Ảnh minh họa.

Chính phủ quyết tâm thực hiện mục tiêu đề ra, không tính đến chuyện điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Theo các chuyên gia, nếu nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, thì tăng trưởng kinh tế vẫn có thể đạt 6,5%.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát khoảng 5%, TS Nguyễn Bích Lâm – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: Chính phủ, các địa phương và cộng đồng DN cần khẩn trương nắm bắt cơ hội, gỡ bỏ các rào cản, vướng mắc về cơ chế, giá cả để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành kế hoạch cả năm giải ngân được 95% tổng vốn 711.700 tỷ đồng, tương đương với 30 tỷ USD.

Việc ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí, gia hạn thời hạn nộp thuế (giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất) trong năm 2023; giảm mặt bằng lãi suất cho vay sẽ có tác dụng kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao nhiều nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng hạ lãi suất phù hợp để hỗ trợ người dân và DN. Đẩy mạnh chính sách hỗ trợ lãi suất, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu – chi ngân sách, tiết kiệm chi tối đa, báo cáo cấp thẩm quyền vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu.

Bộ Xây dựng và NHNN phối hợp thực hiện tốt Nghị quyết số 33 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu thành lập tổ công tác giải quyết các khó khăn, vướng mắc của từng dự án, chăm lo, kịp thời hỗ trợ người dân.

Trước sự sụt giảm của dòng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội và vốn đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT cho biết sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, đổi mới, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút vốn FDI.

Để tạo động lực phát triển mới, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng nghị quyết, chương trình về sản xuất chip điện tử; Bộ Công Thương chủ trì xây dựng nghị quyết, chương trình thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh; Bộ TN&MT chủ trì xây dựng nghị quyết, chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thủ tướng chỉ rõ, chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng năm 2023 và chỉ tiêu kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, các bộ, ngành cần quyết tâm, nỗ lực lớn hơn, theo dõi, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, có kịch bản, giải pháp phản ứng kịp thời, phù hợp, khó khăn thì khắc phục, thách thức thì vượt qua để đạt mục tiêu đã đề ra.

Theo KDPT