web analytics

Kinh tế tư nhân và vai trò trong phát triển nền kinh tế
Bài 3: Thực trạng phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam 05/07/2023

(KDTT) – Là một bộ phận của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân ở nước ta ngày càng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Thực hiện định hướng của Đảng, để kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế, cần phải tiếp tục đổi mới tư duy nhận thức và tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Số lượng lớn mạnh theo từng năm của kinh tế tư nhân

Luật Doanh nghiệp được ban hành năm 1999 đã đưa ra những cải cách mạnh mẽ chưa có tiền lệ về thủ tục đăng ký kinh doanh, loại bỏ vô số rào cản kinh doanh và thúc đẩy sự đổi mới trong tư duy của các cơ quan Nhà nước, các bộ, ngành, chính quyền địa phương về doanh nghiệp tư nhân. Ngay sau khi Luật được ban hành, số lượng doanh nghiệp đăng ký hàng năm tăng lên đáng kể. Năm 2011 cả nước có 77,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thì đến cuối năm 2017 con số này đã tăng lên 126,9 nghìn doanh nghiệp và năm 2020 đạt 134,9 nghìn doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp khu vực tư nhân chiếm khoảng 96%.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng kéo theo số lượng các doanh nghiệp đang hoạt động của khu vực tư nhân cũng tăng nhanh qua các năm. Bình quân trong giai đoạn 2011-2020, số doanh nghiệp ngoài Nhà nước đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh tại thời điểm 31/12 tăng 9,4%/năm; trong đó giai đoạn 2011-2015 tăng 9,7%/năm; giai đoạn 2016-2020 tăng 9,1%/năm.

Ảnh minh họa.

Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp ngoài Nhà nước giai đoạn 2001-2010 chiếm khoảng 93,8% trong tổng số doanh nghiệp của nền kinh tế; giai đoạn 2011-2020 tỷ trọng này đã tăng lên đáng kể, chiếm khoảng 96,6%; phần còn lại thuộc về khu vực doanh nghiệp Nhà nước (chiếm 0,6%) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 2,8%).

Khu vực hộ kinh doanh là một trụ cột quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Các hộ kinh doanh có lịch sử phát triển lâu đời hơn so với các doanh nghiệp đăng ký chính thức và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Số lượng cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp đã tăng từ hơn 2,6 triệu hộ năm 2002 lên gần 3,1 triệu hộ năm 2005; đạt 4,8 triệu hộ năm 2015 và năm 2020 đạt 5,2 triệu hộ; tốc độ tăng bình quân đạt 3,3%/năm trong cả giai đoạn 2002-2020.

Đóng góp tích cực đến nền kinh tế đất nước

Sự phát triển ngày càng nhiều của loại hình kinh tế tư nhân từ khi thực hiện luật doanh nghiệp, loại hình kinh tế tư nhân đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, vốn đầu tư, quy mô hoạt động, các ngành nghề, góp phần vào phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước. Năm 2010, GDP của khu vực kinh tế tư nhân theo giá hiện hành đạt 598,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,85% tổng GDP của cả nước, đến năm 2015 đạt 1.256,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,2% tổng GDP của cả nước. Năm 2020, quy mô GDP của khu vực này đạt 2.178,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,08% GDP của cả nước.

Kinh tế tư nhân dần dần đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đóng góp hơn 50% GDP của cả nền kinh tế, trong đó có đóng góp lớn của khu vực kinh tế tư nhân, phát triển nhanh, vươn lên trên kinh tế cá thể và trở thành kinh tế có đóng góp lớn nhất cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Năm 2010, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong kinh tế ngoài nhà nước tăng dần qua các năm đạt 43,93% năm 2010 lên 47,80% năm 2015, đến năm 2017 đạt trên 50% ở mức 51,65% và năm 2020 đạt 53,55%.

Giai đoạn 2016-2020 là một trong những giai đoạn thành công của kinh tế Việt Nam kể từ khi bước vào công cuộc đổi mới nền kinh tế. Cùng với thành công chung của cả nền kinh tế, kinh tế tư nhân cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng GDP của cả nền kinh tế năm 2017 đạt 6,94%; năm 2018 tăng 7,47% và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008; năm 2019 tăng 7,36%. Bình quân giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng GDP đạt 7,11%/năm, Mức tăng bình quân 7,11%/năm của giai đoạn 2016-2019 cao hơn 0,94 điểm phần trăm so với mức tăng bình quân 6,17%/năm của giai đoạn 2011-2015. Riêng năm 2020, tăng trưởng kinh tế ước tính đạt 2,91%, tuy là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội của các quốc gia trên thế giới thì đây là thành công lớn của Việt Nam.

Đối với khu vực kinh tế tư nhân, ngoại trừ năm 2020 bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, tốc độ tăng của khu vực này luôn ở mức trên 10%, năm 2016 đạt 10,8%; năm 2017 đạt 10,58%, năm 2018 đạt 10,89% và đến năm 2019 đạt 11,9% là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua, bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 11,04%/năm, cao hơn 3,56 điểm phần trăm của giai đoạn 2011- 2015 và cao hơn 3,93 điểm phần trăm của cả nước giai đoạn 2016-2019 và đóng góp 2,83 điểm phần trăm vào mức tăng chung của cả nền kinh tế. Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tốc độ tăng của khu vực này chỉ đạt 2,76%.

Tốc độ tăng GDP của cả nước và khu vực kinh tế tư nhân. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Khu vực kinh tế tư nhân có tỷ trọng đóng góp cho ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2010-2020 liên tục tăng, năm 2010 mới chỉ đạt 70 tỷ đồng chiếm 11,9% tổng thu ngân sách nhà nước, đến năm 2015 đạt 129,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,7% và tăng 85% so với năm 2010. Tốc độ đóng góp vào thu ngân sách nhà nước của khu vực kinh tế tư nhân luôn cao hơn tốc độ tăng thu ngân sách chung của cả nền kinh tế. Năm 2016 đạt 157,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,88%; năm 2017 đạt 181 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,99%; năm 2018 đạt 209,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,64% tổng thu ngân sách nhà nước và gấp 3 lần năm 2010, tăng 61,8% năm 2015, đến năm 2020 đạt 247,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,36% và gấp 3,5 lần năm 2010, gấp gần 2 lần năm 2015. Bình quân tốc độ tăng thu ngân sách Nhà nước của cả nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 đạt 11,6%/năm, trong đó khu vực kinh tế tư nhân đạt 13,1%/năm; thu ngân sách của cả nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đạt 8,2%/năm, thấp hơn mức 13,8%/năm của khu vực kinh tế tư nhân. Tính chung giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng thu ngân sách của cả nền kinh tế đạt 9,9%/năm, trong đó khu vực kinh tế tư nhân đạt 13,4%/năm.

Vẫn còn những mặt hạn chế cần khắc phục

Tuy đã phát triển rất nhanh và phát triển ở nhiều ngành nghề nhưng do xuất phát điểm thấp, từ các những khó khăn do lịch sử để lại, do điều kiện hoàn cảnh chung của cả nền kinh tế, loại hình kinh tế tư nhân cũng còn có nhiều hạn chế.

Việc phát triển doanh nghiệp trong loại hình kinh tế tư nhân những năm qua, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn còn mang nặng tính hình thức, phát triển bề rộng, chưa quan tâm đến chất lượng và bề sâu. Vì vậy, hàng loạt doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ được hình thành mỗi năm thực chất là từ các hộ gia đình dẫn đến kết quả số lượng đơn vị thành lập thì nhiều, nhưng thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh thiếu ổn định, tính bền vững, hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao. Chất lượng nguồn nhân lực còn yếu kém nhiều mặt. Lao động phần lớn chưa được đào tạo bài bản hoặc chỉ được đào tạo chứng chỉ ngắn hạn nên nên khó tiếp thu được những tiến bộ khoa học.

Vì vậy, để tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân, cần có những cơ chế, chính sách tài chính phù hợp. Tạo ra những hiệu quả trong hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, đối tượng cần ưu tiên phát triển, đặc biệt là khuyến khích đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thúc đẩy khởi nghiệp trong khu vực tư nhân.

Khung pháp lý và cơ chế, chính sách liên quan đến lao động, tiền lương, bảo đảm lợi ích cho người lao động và người sử dụng lao động, giáo dục và đào tạo cần cụ thể, minh bạch và phù hợp với một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Đẩy mạnh các chính sách về khoa học và công nghệ, khuyến khích tư nhân đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu, đổi mới ứng dụng, chuyển giao công nghệ hiện đại.

Cần loại bỏ các thủ tục hành chính rườm ra, hiện tượng hạch sách, gây nhũng nhiễu đối với các chủ thể của kinh tế tư nhân từ các cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ, công vụ. Để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế tư nhân cần có những bước đi phù hợp, đồng thời đề nghị, các bộ ngành cần quyết liệt mạnh mẽ hơn, không nên ban hành thêm quy định nào làm gia tăng thêm chi phí hoặc rào cản cho sản xuất kinh doanh, nếu cần thiết ban hành quy định mới cần tính đến cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp.

“Các báo cáo phân tích và dự báo thống kê năm 2022” do TS Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê chỉ đạo biên soạn. Trong đó, Báo cáo Kinh tế tư nhân: Thực trạng và tiềm năng phát triển đã đưa ra nhiều số liệu thống kê về kinh tế tư nhân, nêu bật vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam của kinh tế tư nhân.