Mục tiêu của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 tăng khoảng 6% so với năm 2022. Một trong những giải pháp được Bộ Công Thương đặt ra để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa là tăng cường tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới để đa dạng hóa thị trường; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường theo hướng ưu tiên triển khai các đề án, hoạt động xúc tiến xuất khẩu vào với các thị trường sớm khôi phục giai đoạn hậu Covid-19. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu trong hoạt động xúc tiến thương mại cần quán triệt phương châm giữ vững thị trường truyền thống nhưng phải phát triển được những thị trường mới, nhất là thị trường tiềm năng ở khu vực châu Á như: Tây Á, Nam Á, châu Phi, Mỹ la tinh. Tiếp tục nâng cao hiệu quả Chương trình Thương hiệu quốc gia thông qua các hoạt động nâng cao năng lực xúc tiến thương mại gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển xuất khẩu bền vững giúp DN Việt Nam từng bước thâm nhập sâu vào những khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
-
- Các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp, bao gồm:
Giảm thuế nhập khẩu: FTA có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu và vật tư, từ đó tăng lợi nhuận.
Mở rộng thị trường xuất khẩu: FTA giúp doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới với mức thuế thấp hơn, từ đó tăng doanh thu.
Tạo thuận lợi cho thương mại: FTA có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian thông quan hàng hóa, từ đó tăng hiệu quả kinh doanh.
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: FTA có thể giúp doanh nghiệp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình, từ đó ngăn chặn hàng giả và hàng nhái.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, trong số 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam đang thực thi, có 3 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) là những hiệp định rất quan trọng.
Đây là các FTA mang lại nhiều kết quả đàm phán có lợi cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam, tạo dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường.
Trong giai đoạn 2019 – 2021, các FTA có hiệu lực đã giúp kim ngạch xuất nhập khẩu gia tăng mạnh, nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận nhiều thay đổi tích cực trong điều kiện nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng tiêu cực do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và các xung đột kinh tế – chính trị giữa một số quốc gia trên thế giới.
Chẳng hạn, đối với Hiệp định CPTPP, xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP tiếp tục đà tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 tăng 18,1% so với năm 2020. Trong khi đó, Hiệp định EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU năm 2021 vẫn tăng 14,5% so với năm 2020.
Kết quả ấn tượng này cho thấy các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đáng kể trong việc làm quen và tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do.
Về khía cạnh doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho hay, việc các FTA có hiệu lực là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường và sản phẩm.
Đáng chú ý, từ năm nay, ngành dệt may sẽ tiếp tục được hưởng lợi do các sản phẩm dệt may sẽ được giảm thuế xuất khẩu vào thị trường EU nhờ Hiệp định EVFTA. Trong đó, các loại hàng may mặc bao gồm B3, B5, B7 sẽ được giảm 2%-4% thuế xuất khẩu.
“Lợi ích của các hiệp định thương mại tự do với việc kinh doanh của doanh nghiệp đã thể hiện rất rõ nét. Tuy nhiên, để nhận được những ưu đãi thuế quan, phía Việt Nam cũng phải đáp ứng những điều kiện về tỷ lệ nội địa hóa, xuất xứ trong sản phẩm. Vì thế, doanh nghiệp cần phải làm rất nhiều việc thì mới có thể tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại này”, ông Giang nói.
Các FTA là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị và nỗ lực để có thể tận dụng tối đa các lợi ích từ FTA.
Dù mang lại nhiều lợi ích, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhận thức tốt hơn về các FTA, tuy nhiên các đại biểu cũng thừa nhận các doanh nghiệp Việt vẫn chưa tận dụng hết lợi ích của các FTA mang lại, vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn do thiếu thông tin cụ thể về các cam kết và cách thức áp dụng; Năng lực cạnh tranh còn hạn chế; Thiếu định vị thương hiệu tại thị trường các FTA…
Phân tích kỹ hơn về năng lực đáp ứng của doanh nghiệp, bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, để được hưởng các ưu đãi thuế quan trong EVFTA, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần đáp ứng các quy định về xuất xứ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn tỏ ra lúng túng khi xử lý hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), thậm chí còn thiếu kiến thức và năng lực thay đổi sản xuất nhằm đáp ứng các yêu cầu đưa ra từ phía khách hàng EU…
Phó Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam Phạm Ngọc Thạch chỉ rõ, còn cách biệt khá lớn giữa nhu cầu của doanh nghiệp với khả năng đáp ứng hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước, các địa phương. Mặt khác, những biện pháp hỗ trợ như đào tạo, chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại hay hỗ trợ chính sách… vẫn áp dụng chung cho tất cả các ngành mà chưa đi sâu cụ thể vào ngành nghề, mặt hàng và lĩnh vực chiến lược cần tận dụng các FTA.
Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Xây dựng bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA hằng năm của các địa phương (FTA Index), đồng thời giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai. Bộ chỉ số FTA Index sẽ giúp các tỉnh, thành phố thay đổi tư duy và cách làm trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng các FTA. |
Để tận dụng tốt các FTA, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA thông qua đào tạo và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về các FTA, tổ chức các khóa đào tạo và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về các FTA, bao gồm các quy định, ưu đãi, và cơ hội mà các FTA mang lại. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua các chương trình đào tạo, hỗ trợ tài chính, và cung cấp cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, có thể tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua việc cải thiện thủ tục hành chính, giảm chi phí kinh doanh, và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.
Còn TS Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc VCCI), nhấn mạnh rằng các lợi thế từ FTA, đặc biệt là các ưu đãi thuế quan tiếp tục được mở rộng theo lộ trình trong thời gian tới, có thể là một công cụ hỗ trợ đặc biệt quan trọng cho các DN Việt Nam, tạo ra lợi thế cạnh tranh để có thể tiếp tục giữ và mở rộng thị phần ở các thị trường này. Tuy nhiên nên thiết lập chương trình đánh giá định kỳ hàng năm về hiệu quả thực thi các FTA một cách toàn diện, qua đó nhận diện và xử lý kịp thời các vấn đề cản trở việc tận dụng hiệu quả các FTA. Trong đó, tập trung đánh giá công tác thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính liên quan tới các hoạt động thực thi FTA (đặc biệt là các thủ tục xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành; cấp giấy chứng nhận xuất xứ FTA; và cấp phép và quản lý đầu tư).
Về phía doanh nghiệp phải luôn cập nhật các thông tin mới, đào tạo đội ngũ cách tiếp cận và tận dụng FTA một cách triệt để. Sẵn sàng cải tiến sản phẩm, quy trình để đáp ứng quy định của các thị trường quốc tế và đủ tiêu chuẩn để hưởng lợi từ các Hiệp định Thương mại. Ngoài ra, cần bám sát thông tin, hướng dẫn từ Bộ Công thương, Cục Xúc tiến thương mại và các cơ quan, ban ngành để chủ động đáp ứng các thay đổi trong thương mại quốc tế…