Quá trình phát triển kinh tế truyền thống chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên tự nhiên, đến sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng là thải loại. Điều này khiến tài nguyên liên tục bị khai thác và khối lượng chất thải ra môi trường gia tăng. Các vấn đề này đã và đang gây ra những áp lực rất lớn đối với nền kinh tế, đặt ra yêu cầu cần phải thay đổi mô hình phát triển. Trên thực tế, việc chuyển đổi từ kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn (KTTH) gần đây đã trở thành xu hướng tại nhiều nước trên toàn cầu, đặc biệt Đức là một trong số các nước trên thế giới tiên phong trong việc chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang KTTH. Nghiên cứu này tập trung vào những kinh nghiệm thực tế về phát triển KTTH tại nước Đức, để từ đó đưa ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

KTTH (Circular economy) là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Các hệ thống tuần hoàn áp dụng các quy trình tái sử dụng (reuse) thông qua chia sẻ (sharing), sửa chữa (repair), tân trang (refurbishment), tái sản xuất (remanufacturing) và tái chế (recycling) nhằm tạo ra các vòng lặp kín (close-loops) cho tài nguyên sử dụng trong hệ thống kinh tế nhằm giảm đến mức tối thiểu số lượng tài nguyên sử dụng đầu vào và số lượng phế thải tạo ra, cũng như mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải. Mục đích của KTTH là nhằm kéo dài thời gian sử dụng các sản phẩm, trang bị và cơ sở hạ tầng nhằm tăng năng suất của các tài nguyên này. Tất cả các “phế thải” của một quy trình sản xuất tiêu dùng đều nên được xem như nguyên vật liệu của các quy trình sản xuất tiêu dùng khác, bất kể đó là sản phẩm phụ hay tài nguyên được thu hồi từ một quy trình công nghiệp khác hay tài nguyên được tái sinh cho môi trường tự nhiên (ví dụ như thông qua quá trình ủ phân chất thải hữu cơ). Cách tiếp cận này là tương phản với mô hình mô hình kinh tế tuyến tính (Linear economy) đang được phổ biến rộng rãi. Trong mô hình kinh tế tuyến tính, các tài nguyên chỉ di chuyển theo một chiều, từ khai thác tài nguyên, sản xuất, đến vứt bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc lãng phí tài nguyên và tạo ra một lượng phế thải khổng lồ.

Kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn tại Đức và hàm ý chính sách cho Việt Nam
Việc chuyển đổi từ kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn (KTTH) gần đây đã trở thành xu hướng tại nhiều nước trên toàn cầu. (Ảnh minh họa)

Trong quá trình giảm khai thác tài nguyên và giảm thiểu chất thải ra môi trường với Đức là một trong những nước tiên phong trong việc xây dựng KTTH và đạt được một số thành tựu nhất định. Các chính sách KTTH ở Đức xây dựng thông qua việc xem xét đầy đủ theo cả 4 giai đoạn, gồm: sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải và cuối cùng biến chất thải trở lại thành tài nguyên trên cơ sở tiết kiệm, từ đó giảm thiểu dần các tác động tiêu cực đến môi trường, nâng cao chất lượng sống, phát triển kinh tế và xã hội về lâu dài. Điều này tạo động lực rất lớn cho các nước khác trên thế giới học hỏi kinh nghiệm, trong đó có Việt Nam.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Khái niệm KTTH

Khái niệm KTTH được sử dụng chính thức đầu tiên bởi Pearce và Turner (1990), để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống.

Theo Ellen MacArthur Foundation (2012), định nghĩa về KTTH được nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế thừa nhận rộng rãi hiện nay là “một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó”.

Liên minh châu Âu định nghĩa “KTTH là nền kinh tế mà giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu, tài nguyên được duy trì lâu nhất có thể và đồng thời giảm thiểu việc phát thải”. Theo nguyên lý đó, nền kinh tế càng bỏ đi ít sản phẩm, thì sẽ càng ít tài nguyên thiên nhiên bị khai thác để sản xuất sản phẩm mới, từ đó, môi trường sẽ chịu càng ít tác động tiêu cực từ con người.

Tóm lại, có thể hiểu đơn giản KTTH là một mô hình kinh tế khép kín dựa trên cơ sở của việc tiết kiệm, tái chế, tái sử dụng, chia sẻ, cho thuê hay sửa chữa nhằm kéo dài tuổi thọ của hàng hóa, tận dụng tối đa giá trị của các nguồn nguyên nhiên vật liệu được khai thác/thu thập, từ đó loại bỏ các tác động tiêu cực đến môi trường, nâng cao chất lượng hệ sinh thái, kinh tế và xã hội về lâu dài.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện nghiên cứu, nhóm tác giả sử dụng các phương pháp thu thập thông tin và tài liệu; phương pháp phân tích tổng kết kinh nghiệm: nghiên cứu và xem xét các chủ trương và chính sách liên quan đến phát triển KTTH tại Đức để rút ra hàm ý chính sách cho Việt Nam.

3. Kinh nghiệm trong quá trình phát triển KTTH tại Đức

3.1. Các chính sách hạn chế, thu hồi và tái chế rác thải

3.1.1. Các chính sách hạn chế rác thải

Nước Đức khởi đầu khá sớm trên con đường hướng tới KTTH. Quốc gia này bắt đầu thực hiện triển khai KTTH vào năm 1996. Nền tảng của việc phát triển KTTH ở quốc gia là chính sách tái chế gắn liền với Luật Đóng gói được thông qua vào năm 1991. Luật này được ban hành nhằm tránh hoặc giảm tác động môi trường của chất thải bao bì thông qua hoạt động thu hồi bao bì để tái chế sau quá trình vận chuyển và tiêu dùng sản phẩm. Nội dung của Luật Đóng gói có quy định “…tất cả các bao bì được đưa ra thị trường trong phạm vi của Luật Kinh tế thông tư, bất kể nó được sản xuất trong công nghiệp, thương mại, hành chính, ngành dịch vụ, trong hộ gia đình…”; “…Các nhà sản xuất và nhà phân phối có nghĩa vụ lấy lại bao bì vận chuyển sau khi sử dụng…” ; “Nhà phân phối cung cấp hàng hóa trong bao bì bên ngoài có nghĩa vụ loại bỏ bao bì bên ngoài khi bàn giao hàng hóa cho người tiêu dùng cuối hoặc cho người tiêu dùng cuối cơ hội gỡ bỏ và trả lại bao bì bên ngoài miễn phí tại điểm bán hoặc tại cơ sở thuộc điểm bán…” (Indicator Assement, 2015).

Bên cạnh Luật Đóng gói, Đức ban hành thêm về Luật Quản lý chất thải theo chu trình khép kín (1996) với ý tưởng tuần hoàn nhiên liệu. Chính phủ Đức ý thức được rằng, nền kinh tế công nghiệp nặng của Đức luôn cần nhiên liệu đầu vào, do đó việc tuần hoàn nhiên liệu sẽ giúp giảm phụ thuộc vào tài nguyên, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững lâu dài. Vì vậy, Luật cung cấp các khuôn khổ khép kín và đảm bảo việc xử lý chất thải tương thích với môi trường cũng như khả năng đồng hóa chất thải (Nguyễn Hoàng Nam, 2019).

Đức là thành viên của Liên minh Châu Âu (EU), do đó các định hướng phát triển kinh tế xanh của quốc gia này cũng tuân theo một định hướng phát triển chung của các nước EU. Trong những thập kỷ qua, EU đã thông qua một số điều luật để thúc đẩy KTTH, ví dụ như: Chỉ thị về khuôn khổ chất thải, Chỉ thị chôn lấp, Chỉ thị về bao bì và rác thải bao bì. Mục đích chính của những chính sách và biện pháp được ban hành trên là nhằm tái sử dụng, sửa chữa, tân trang và tái chế vật liệu và sản phẩm được sản xuất trong 28 nước thành viên. Điều này phản ánh sự thay đổi trong suy nghĩ về những gì từng bị gọi là “chất thải” và bây giờ được xem là tài nguyên. Mục tiêu cốt lõi của phương pháp tiếp cận này chính là nhằm giảm đáng kể sự phát triển kinh tế từ tiêu thụ tài nguyên.

3.1.2. Mô hình phân loại tác chế rác thải tại Đức

Theo Luật Đóng gói, tất cả bao bì được đưa ra thị trường đều cần được thu hồi để tái chế, và vỏ chai cũng không phải ngoại lệ. Để thuận tiện cho quá trình thu hồi vỏ chai đã sử dụng, thì các cửa hàng tạp hóa hay siêu thị sẵn sàng hoàn tiền khi người dân mang vỏ chai đến đổi. Ở các cửa hàng tạp hóa, người dân có thể đưa chai trực tiếp cho nhân viên bán hàng để nhận tiền hoàn lại; còn ở các siêu thị, người dân sẽ chủ động đến các máy Pfand để quét mã trên từng vỏ chai, sau đó nhận được một biên lai số tiền được hoàn trả, số tiền này có thể được trừ khi thanh toán hóa đơn mua hàng ở siêu thị, hoặc có thể đổi ra tiền mặt. Thông thường, người dân sẽ được nhận lại 8 Cent khi mang trả chai thủy tinh hoặc các loại lon, 25 Cent khi mang trả chai nhựa.

Kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn tại Đức và hàm ý chính sách cho Việt Nam
Dây chuyền tái chế chất thải nhựa bằng công nghệ hiện đại ở Đức. (Nguồn: recyclinginside.com)

Để thuận tiện cho việc phân loại, tái sử dụng và xử lý rác thải, chính phủ Đức đã cho áp dụng quy tắc phân loại rác này rộng rãi trên toàn nước Đức. Theo quy định sẽ có năm màu sắc ứng với 5 loại rác khác nhau, cụ thể như sau:

– Thùng rác màu nâu chứa các loại rác hữu cơ có thể phân hủy, như thức ăn thừa, rau hoa quả, vỏ trứng, vỏ các loại hạt, bã cà phê và chè, lá cây rụng, cỏ.

– Thùng rác màu xám hoặc màu đen chứa rác thải, không có chất độc hại, nhưng khó phân hủy, như: Tàn thuốc lá, tro, đầu mẩu thuốc lá, mẩu cao su thừa, băng gạc vệ sinh, bỉm trẻ em, sản phẩm làm từ da và đồ giả da.

– Thùng rác màu vàng đựng các loại chất dẻo như túi ni lông, đồ hộp/lon rỗng, hộp đựng nước.

– Thùng rác màu xanh dương chứa báo cũ, tạp chí cũ, tờ rơi, sách cũ, bao bì bằng giấy, hoặc bìa cứng. Đặc biệt, thùng to tròn màu trắng cho chất liệu sáng, và màu xanh lá cây cho thủy tinh màu. Các thùng rác theo mã màu như vậy được đặt khắp mọi nơi, từ vỉa hè tới nhà ga tàu điện ngầm, các quảng trường của thị trấn, hoặc công viên công cộng, trường học, hay sân vận động… Trên thùng có hướng dẫn viết bằng tiếng Anh và tiếng Đức để giúp người nước ngoài dễ nhận biết và bỏ rác vào thùng đúng quy định. Khi phân loại không đúng, rác sẽ không được thu gom, nếu các công ty môi trường phát hiện ra người nào vứt rác bừa bãi, có thể bị phạt tiền. Điểm mấu chốt của hệ thống “Green Dot” là các nhà sản xuất và bán lẻ phải trả tiền để có được Green Dot (điểm xanh) in trên bao bì sản phẩm. Nếu lượng bao bì càng lớn, doanh nghiệp càng phải trả nhiều chi phí. Để tiết kiệm chi phí, doanh nghiệp buộc phải sử dụng ít giấy hơn, thủy tinh mỏng hơn và hạn chế kim loại, nhờ vậy, lượng rác thải ra môi trường sẽ giảm đi rất nhiều (Nguyễn Viết Cường, 2018).

3.2. Thực hiện nghiên cứu và đổi mới

Nhận ra cốt lõi của việc phát triển KTTH hiệu quả, là dựa trên các kết quả của việc nghiên cứu lý thuyết, rồi đưa ra các chính sách áp dụng vào thực tiễn, chính phủ Đức sẵn sàng “mạnh tay” đầu tư vào hoạt động nghiên cứu trong nước, cũng như “năng nổ” tham gia vào các chương trình nghiên cứu mang tầm quốc tế.

Năm 2010, Đức lần đầu tiên đưa ra một chương trình nghiên cứu được thiết kế để mở đường cho sự thay đổi hướng tới một ngành công nghiệp và xã hội dựa trên sinh học. Chương trình Nghiên cứu bền vững của Đức gồm các dự án đang thực hiện trong lĩnh vực nghiên cứu sinh thái xã hội, những bước đầu tiên đã được thực hiện. Điều đó thể hiện một nền tảng mà trên đó tầm quan trọng của nghiên cứu KTTH có thể được củng cố hơn nữa. Vào cuối năm 2016, đã có 2,4 tỷ Euro được đầu tư vào các dự án nghiên cứu kinh tế sinh học. Nội dung của dự án nghiên cứu này hướng đến: Xây dựng nguồn cung thực phẩm sẽ trở nên lành mạnh hơn nhờ một hệ thống nông nghiệp bền vững; Dầu mỏ sẽ được thay thế bằng các vật liệu thông minh và các nguồn năng lượng mới trong mọi tình huống mà mặt trời và gió không có sẵn như là sự thay thế. Ở cấp khu vực, liên quan đến đổi mới trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, hiệu quả tài nguyên và phát triển bền vững, Đức đóng một vai trò lớn, tham gia vào Chương trình khung nghiên cứu và đổi mới của EU (2020). Đây là chương trình nghiên cứu lớn nhất thế giới với gần 80 tỷ Euro tài trợ có sẵn trên 7 năm (2014-2020), sẽ được đầu tư vào các thách thức xã hội, lãnh đạo công nghiệp và khoa học xuất sắc. Một yếu tố quan trọng của Chương trình là thúc đẩy nền KTTH hơn.

3.3. Các chính sách liên quan trực tiếp đến quá trình hạn chế carbon

Một là, chính sách quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính (greenhouse gas – GHG) từ vận tải đường bộ ở Đức. Đức đề ra các biện pháp vận tải nhằm giảm 30 triệu tấn khí thải GHG mỗi năm vào năm 2020 so với năm 2005 (Oliver Lah, 2016). Do mức giảm trong các lĩnh vực khác có thể nhỏ hơn như ước tính ban đầu, lượng khí thải CO2 từ giao thông cần phải giảm 40 triệu tấn mỗi năm vào năm 2020 để đảm bảo đạt được mục tiêu bảo vệ khí hậu của Đức. Hiện tại, Chính phủ Liên bang cùng với các bên liên quan trong các lĩnh vực khoa học, công nghiệp, chính trị và xã hội dân sự đang phát triển một chiến lược liên quan đến vận tải và nhiên liệu. Chiến lược này nhằm xác định các lĩnh vực hành động và tích hợp các biện pháp vận chuyển carbon thấp để đạt được các mục tiêu cắt giảm khí thải. Đức đã thực hiện các biện pháp có liên quan trong những năm gần đây kết hợp thuế nhiên liệu và phương tiện giao thông để cải thiện hiệu quả sử dụng nhiên liệu cho các phương tiện vận tải và giảm thiểu chất thải từ các loại phương tiện này.

Hai là, thuế và chuẩn thải cho phương tiện giao thông. Thuế nhiên liệu là một phần của Cải cách Thuế sinh thái của Đức, giá xăng và dầu diesel tăng 3,07 Cent mỗi lít và năm (tổng cộng tăng 15,34 Cent mỗi lít vào năm 2003) từ năm 1999 đến 2003. Điều này nhằm mục đích nội bộ hóa một phần chi phí bên ngoài và tăng hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực giao thông. Vào năm 2012, thuế năng lượng đối với nhiên liệu vận tải là 65,45 Cent mỗi lít xăng, 47,04 Cent mỗi lít dầu diesel và 18 Cent mỗi kg khí thiên nhiên CNG hoặc LNG (Kerstine Appunn, Freja Eriksen, 2021) Đức áp dụng thuế đối với các loại phương tiện giao thông, kể từ tháng 1/2009, thuế xe cơ giới (thuế lưu thông hàng năm) đã bao gồm một tính toán dựa trên CO2 . Hệ thống mới chỉ áp dụng cho ô tô mới đăng ký. Thuế này tính đến lượng khí thải CO2 điển hình của xe cộ và có mức thuế thấp hơn đối với các phương tiện có lượng khí thải đặc biệt thấp. Loại thuế này đã thay thế cho lợi thế thuế khoáng sản dầu mỏ ưa chuộng động cơ diesel. Ngoài việc đánh thuế dựa trên kích thước động cơ, thuế CO2 quy định 2 Euro mỗi gram CO2, cao hơn mức 110 gram trong năm 2012-2013 và trên 95 gram vào năm 2014.

Việc thực hiện đánh thuế xe cơ giới dựa trên CO2 được ước tính sẽ giảm khoảng 3 triệu tấn CO2 mỗi năm vào năm 2020. Đối với các phương tiện vào ngày 31/12/2008, thuế xe cơ giới không liên quan trực tiếp đến lượng khí thải CO2 mà là về kích thước động cơ và tiêu chuẩn khí thải châu Âu. Thuế suất đã tăng đối với các loại phát thải Euro 2, Euro 3 và Euro 4 liên quan đến thuế phụ thuộc khí thải của các phương tiện khác và đối với các phương tiện cũ trong loại Euro 1 trở xuống, mức thuế cao hơn được giữ lại (Wolfgang Kerler, 2018).

Ba là, đặt ra tiêu chuẩn sử dụng năng lượng hiệu quả “Dán nhãn phát thải” dựa trên mức tiêu thụ nhiên liệu và lượng khí thải CO2 cho ô tô mới được chính phủ Đức ban hành vào tháng 01/2008. Mức tiêu chuẩn năng lượng hiệu quả được xác định dựa trên lượng khí thải CO2 và trọng lượng xe. Việc phân loại hiệu quả, từ A + (tốt nhất) đến G (tệ nhất), phụ thuộc vào mức độ lệch của một mẫu xe cụ thể so với giá trị tham chiếu cho loại xe tương ứng. Việc phân loại hiệu quả cho phép ít hơn 111,5 gCO2 /km đối với ô tô có 1.000 kg trọng lượng không tải với mức năng lượng hiệu quả loại A và tăng lên 171,5 gCO2 /km đối với ô tô có trọng lượng không tải là 2.000 kg.

Thứ tư là, phát triển nguồn năng lượng thay thế. Phát triển nguồn năng lượng thay thế là một phần của Gói kích thích kinh tế thứ hai, Chính phủ Đức đã đầu tư rất nhiều vào việc phát triển và thương mại hóa phương tiện di chuyển bằng điện. Một phần của chương trình này là việc thiết lập các khu vực thí điểm cho các loại phương tiện điện này, bao gồm việc thiết lập các địa điểm thử nghiệm và cơ sở hạ tầng cơ bản cùng với các chương trình nghiên cứu để đánh giá hiệu quả của các dự án.

Mặc dù nhiên liệu sinh học từ lâu đã được coi là một phần quan trọng trong chính sách giảm thiểu lượng carbon của Đức, nhưng quan điểm này đã phần nào thay đổi trong những năm gần đây. Chính phủ liên bang đã trợ cấp dầu diesel sinh học bằng cách áp thuế thấp hơn so với các loại nhiên liệu khác. Mức thuế giảm khiến Đức trở thành nhà sản xuất dầu diesel sinh học lớn nhất ở EU với hơn 3 tỷ lít được sản xuất trong năm 2007, chủ yếu từ hạt cải dầu. Tuy nhiên, nhiên liệu sinh học ngày càng được xem xét thận trọng hơn đối với lợi ích phát thải trong vòng đời của chúng và cũng được công chúng nhìn nhận ít tích cực hơn năm 2009, Chính phủ đã ban hành một quy định để đảm bảo tính bền vững của nhiên liệu sinh học khi xem xét phát thải vòng đời. Quy định nêu rõ rằng nhiên liệu sinh học chỉ có thể được tuyên bố là bền vững nếu chúng dẫn đến việc giảm phát thải ít nhất 35% so với chuỗi sản xuất và cung ứng so với nhiên liệu hóa thạch.

Năm là, phát triển ngành ô tô điện. Ngành công nghiệp ô tô Đức cam kết thúc đẩy sự phát triển của các phương tiện di chuyển bằng điện vì bảo vệ khí hậu, sự khan hiếm ngày càng tăng của nhiên liệu hóa thạch và nhu cầu di chuyển ngày càng tăng do dân số tăng đòi hỏi các giải pháp mới và hệ thống thay thế. Xe điện có thể đóng góp đáng kể để bảo vệ môi trường và tránh khí thải. Do đó, xe điện là một thành phần quan trọng trong chiến lược đa dạng của các nhà sản xuất và nhà cung cấp Đức. Thông qua bước nhảy vọt gần đây trong công nghệ pin di động điện trở thành một lựa chọn cho di động trong tương lai. Việc điện khí hóa các phương tiện trong tương lai đang trở nên quan trọng hơn và thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ hệ thống di động điện. Hệ thống này kết nối các phương tiện điện – từ xe hybrid cắm điện (PHEV) và phương tiện mở rộng phạm vi (REEV) đến phương tiện chạy bằng pin (BEV) và phương tiện pin nhiên liệu (FCEV) – với hệ thống điện và hệ thống giao thông, do đó cải tiến việc di chuyển trong tương lai và thêm vào đó là hệ thống điện (Wolfgang Kerler, 2018).

4. Một số hàm ý cho Việt Nam để thúc đẩy quá trình phát triển KTTH

Thứ nhất, cần giải quyết được bài toán nhận thức của doanh nghiệp và người dân, khuyến khích triển khai mô hình KTTH. Đối với người dân để đảm bảo được tính cam kết cao trong cộng đồng là một việc làm đòi hỏi nhiều thời gian. Đất nước sẽ gặp khó khăn nếu như ban hành các đạo luật quá chặt chẽ liên quan đến việc áp đặt người dân bảo vệ môi trường và phản hồi chính sách của các doanh nghiệp. Thay vào đó, những chương trình khuyến khích, các chính sách ưu đãi địa phương sẽ là các bước đi cần thiết để đảm bảo tính cam kết của người dân trong thời kỳ đầu.

Kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn tại Đức và hàm ý chính sách cho Việt Nam
Cách tiếp cận thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn của từng quốc gia là khác nhau, nhưng đều dựa trên một nền tảng cốt lõi là tái tạo và khôi phục. (Ảnh minh họa)

Về phía doanh nghiệp, Việt Nam có thể áp dụng ban hành các chính sách khắt khe như Đức đã thực hiện do tính nhận thức pháp lý cao mà doanh nghiệp cần tuân thủ. Về phía các hộ gia đình, có thể thấy rằng nhận thức là rào cản lớn nhất của đất nước ta khi thực hiện những thay đổi có tác động lên cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chúng ta cũng đã từng triển khai chương trình “Phân loại rác thải rắnsinh hoạt tại nguồn” áp dụng cho các hộ gia đình nhưng không đạt được thành công. Thói quen để chung rác trong các hộ gia đình không thể thay đổi khi chương trình không có các động lực hợp lý làm thay đổi thói quen như các mức thưởng, chính sách ưu đãi, xử phạt. Nhìn vào sự thành công của Đức, các chương trình, như: hoàn tiền, tặng điểm thưởng cho người tiêu dùng trả lại vỏ chai là một hướng đi phù hợp với Việt Nam.

Các biện pháp nhỏ cần thực hiện để đẩy mạnh chương trình “Phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn” cần xem xét là:

+ Thực hiện đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ: Có thể thấy rằng, nhiều hộ gia đình vẫn có thói quen để rác tại vỉa hè, cột điện… do họ cảm thấy vị trí của các thùng rác công cộng quá xa và suy nghĩ rằng nhân viên lao công sẽ mặc định thu gom rác tại các điểm “tập trung rác”. Để tạo thuận lợi cho các hộ gia đình và nhân viên lao công, chúng ta cần đầu tư thùng rác với vị trí tối ưu cho ngân sách cũng như tâm lý đi lại của người dân.

+ Tạo thuận lợi cho người dân phân loại rác: Trong chương trình “Phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn” của Việt Nam và sáng kiến “Green Dot” của Đức cũng sử dụng các màu sắc cho các thùng rác để người dân phân biệt. Tuy nhiên, sáng kiến “Green Dot” đưa ra 5 loại màu tương ứng với 5 loại rác. Nếu áp dụng 5 loại màu sắc này sẽ khiến cho Việt Nam gặp phải rào cản tài chính khi phải đầu tư tại mỗi điểm thu gom quá nhiều thùng rác và đồng thời gây khó khăn cho người dân khi họ cần phải cân nhắc nhiều hơn mỗi lần vứt rác. Với hai màu sắc mà Việt Nam đưa ra (Xanh lá cây tương ứng với rác hữu cơ và vàng tương ứng với rác vô cơ), người dân sẽ dễ dàng phân loại được rác ngay tại nhà. Tuy nhiên, thời gian đầu cần đặt thêm một thùng rác thứ ba cho những túi rác chưa được phân loại để tránh trường hợp người dân chưa phân loại rác.

+ Tạo thêm quyền lợi cho các hộ gia đình phân loại rác tốt: Các điểm bán hàng, siêu thị cần tạo lập điểm thu gom các loại vỏ chai, giấy bìa, chai thủy tinh và pin đã qua sử dụng để phục vụ mục đích tái chế, tái sử dụng và nạp lại đối với pin. Để khuyến khích việc này, các hộ gia đình sẽ nhận được điểm thưởng vào các thẻ thành viên như cách mà Đức đã thực hiện. + Đặt ra các hạn chế đối với người dân không thực hiện phân loại rác: Kết hợp với quản lý dân cư để dán mã vào túi rác/sử dụng thẻ từ tương tự như việc nộp tiền điện đối với hộ gia đình sẽ giúp quản lý mức độ phân loại rác của các hộ, đặc biệt là tại các khu chung cư. Về phía các doanh nghiệp, Nhà nước cần xây dựng nhanh chóng hành lang pháp lý cho việc phát triển KTTH, chẳng hạn như tái sử dụng các sản phẩm nhựa, giấy… có thể tham khảo Luật Đóng gói và Luật Quản lý chất thải theo chu trình khép kín mà Đức đã ban hành để áp dụng cho Việt Nam. Các văn bản hướng dẫn cụ thể các quy trình cũng cần được thiết kế để gửi đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ để tránh tăng rào cản pháp lý và khuyến khích kênh tư nhân phát triển mạnh mẽ trong nền kinh tế.

Thứ hai, nguồn nhân lực cần được quan tâm đào tạo và phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực nghiên cứu, kỹ thuật, công nghệ để học hỏi được kinh nghiệm quốc tế. Những chương trình phát triển nguồn nhân lực, trao đổi sinh viên cần được đẩy mạnh để theo kịp các xu hướng công nghệ quốc tế, đổi mới sáng tạo. Các chính sách của Chính phủ tới nhân sự chất lượng cao của Việt Nam cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, phù hợp và khuyến khích được nhân sự làm việc trong nước, tránh hiện tượng “chảy máu chất xám”. Các bộ ban ngành liên quan có thể liên kết với các trường đại học để tạo ra các cuộc thi về các mô hình KTTH. Các cuộc thi như “Thử thách sáng tạo xã hội Việt Nam” cần được mở rộng và phát triển để tìm kiếm được các nhân tố thiết kế mô hình tài năng, cũng như các ý tưởng cho các doanh nghiệp.

Thứ ba, chính sách thuế và chuẩn thải cho phương tiện giao thông là biện pháp khả thi ở Việt Nam. Việc áp dụng thuế và chuẩn thải này sẽ giúp cho một lượng lớn sinh viên và một bộ phận người mới đi làm (do có thu nhập thấp) chuyển phương tiện giao thông từ xe cá nhân sang các phương tiện công cộng như xe buýt. Chính sách này cũng giúp người dân hạn chế đi lại trong các trường hợp không cần thiết đồng thời giảm sự quá tải của hệ thống giao thông đường bộ.

Thứ tư, các doanh nghiệp nên học tập lẫn nhau trong quá trình xây dựng mô hình KTTH của riêng mình. Heineken là một ví dụ cho sự thành công trong áp dụng KTTH với những sáng kiến bao gồm: Tiến tới không rác thải cần chôn lấp, gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế. Cụ thể, gần như 100% chai bia thủy tinh được thu hồi lại để tái sử dụng trước khi được tái chế tại nhà máy thủy tinh vào cuối vòng đời sản phẩm. Các nguyên vật liệu khác, như: Nhôm, nhựa và giấy đều được tái sử dụng hoặc tái chế; xử lý 100% nước thải đạt tiêu chuẩn an toàn loại A trước khi trả về môi trường một cách an toàn. Hiện 4 trên 6 nhà máy bia của Heineken Việt Nam sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải carbon; Giảm 2.500 tấn phát thải CO2 chỉ riêng trong khâu kho vận trong năm 2018 (M.Tú, 2019).

5. Kết luận

Nhìn vào kinh nghiệm xây dựng mô hình KTTH của Đức cho thấy đây là tấm gương tiêu biểu, thấy rằng đó là một hướng đi đúng đắn cho sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam, do vậy cần phải thay đổi cách tiếp cận chuyển đổi từ các mô hình kinh tế truyền thống sang KTTH. Tuy nhiên, khi thực hiện chuyển đổi sang nền KTTH, cần lưu ý, KTTH không phải là một mô hình đồng nhất cho cả nền kinh tế, mà gồm nhiều mô hình KTTH khác nhau trong nền kinh tế. Cách tiếp cận thực hiện của từng quốc gia là khác nhau, nhưng đều dựa trên một nền tảng cốt lõi là tái tạo và khôi phục.

Các chính sách KTTH nên được xây dựng thông qua việc xem xét đầy đủ theo cả 4 giai đoạn, gồm: Sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải và cuối cùng biến chất thải trở lại thành tài nguyên trên cơ sở tiết kiệm, tận dụng tối đa giá trị của các nguồn nguyên liệu đầu vào, tài nguyên thiên nhiên khai thác được. Từ đó, giảm thiểu dần các tác động tiêu cực đến môi trường, nâng cao chất lượng sống, phát triển kinh tế và xã hội về lâu dài./.

Tài liệu tham khảo

1. EEA (2017), Circular by design: Products in the circular economy, European Environment Agency, Copenhagen.

2. Ellen MacArthur Foundation (2012), Towards the circular economy: Economic and business rationale for an accelerated transition, retrieved from https://www.ellenmacarthurfoundation.org/assets/downloads/publications/ Ellen-MacArthur-Foundation-Towardsthe-Circular-Economy-vol.1.pdf.

3. European Environment Agency (2016), Circular Economy in Europe – Developing the knowledge base, EEA Report No. 2/2016.

4. Kerstine Appunn, Freja Eriksen, J. W. (2021), Germany’s greenhouse gas emissions and energy transition targets, Clean Energy Wire.

5. Indicator Assement (2015), Waste generation, In European Environment Agency.

6. M. Tú. (2019), Lan tỏa mô hình KTTH đến nhiều 426 doanh nghiệp, truy cập từ https://tuoitre.vn/lan-toa-mo-hinh-kinh-te-tuan-hoan-den-nhieudoanh-nghiep-20190920182956676.htm.

7. Nguyễn Hoàng Nam, N. T. H. (2019), Thực hiện KTTH: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý chính sách cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, 35.

8. Nguyễn Viết Cường (2018), Bài học và tái chế rác của Đức, Tạp chí Môi trường, 6.

9. Oliver Lah (2016), Circular Economy Policies and Strategies of Germany, In Anbumozhi, V. and J. Kim (Eds.), Towards a Circular Economy: Corporate Management and Policy Pathways, ERIA Research Project Report 2014-44, Jakarta: ERIA, 59-74.

10. The World Bank (2013), From Brown Growth to Green: the Economic Benefits of Climate Action.

11. UNEP (2011), Towards a Green Economy: Pathways to Sustainable Development and Poverty Eradication, doi:10.1063/1.3159605.

12. US Green Economy (2021), US Green Economy Report Series, retrieved from https://usgreeneconomy.com/national-overview/.

13. Wolfgang Kerler (2018), Germany’s car industry can’t build its own battery cells, retrieved from https://www.theverge.com/2018/8/15/ 17685634/ germany-car-industry-battery-cells.

TS. NGUYỄN DANH NAM
Trường Đại học Công nghệ Đông Á

https://kinhdoanhvaphattrien.vn/kinh-nghiem-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-tai-duc-va-ham-y-chinh-sach-cho-viet-nam-33392.html