web analytics

Lửa nghề cháy mãi 21/06/2020

 (KDTT) – Trong những ngày tháng Sáu đầy nắng này, những người làm báo tự hào, náo nức hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2020). Đây cũng là dịp để chúng ta nhớ và tri ân tới lớp thế hệ những người làm báo hôm qua và nay.

Trong số những nhà báo tiền bối xuất sắc trong nền Báo chí Cách mạng Việt Nam có thể kể đến nhiều gương mặt tiêu biểu như nhà báo Phan Quang, Trần Công Mân, Hữu Thọ… Mỗi “cây đa, cây đề” đó đã để lại những dấu ấn mạnh mẽ cho nền Báo chí Cách mạng Việt Nam – đó là những tấm gương về trí lực, sức sáng và bản lĩnh nghề nghiệp trong nghề báo. Để lớp lớp những người làm báo hôm nay soi mình vào đó, phấn đấu, giữ mãi ngọn lửa nghề luôn rực cháy, lan tỏa tính nhân văn, sức chiến đấu, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước trong thời gian qua.

Phần thưởng lớn nhất là sự tin yêu của nhân dân

Nghề báo luôn ẩn chứa khó khăn và nguy hiểm, cả những cám dỗ mà yêu cầu mỗi nhà báo đủ bản lĩnh để chối từ. Cố nhà báo Hữu Thọ đã từng nói về tố chất của người làm báo cần có đó là“Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.

Nhà báo Hữu Thọ là một người nổi danh trong những cuộc tranh luận và có những bài viết chính luận sắc sảo để truyền tải những chủ trương chính sách của Đảng, của Nhà nước. Những bài báo này lan tỏa đến nhiều tầng lớp độc giả, gây tiếng vang lớn trong  nước và quốc tế. Nhà báo Hữu Thọ là người luôn đau đáu về nghề báo và những người làm báo. Theo ông người làm báo mắt phải sáng để nhìn rõ đúng sai, lòng phải trong để không dao động trước cám dỗ, mỗi nhà báo phải có ngòi bút sắc bén luôn luôn nâng cao tinh thần đấu tranh, học hỏi mỗi ngày để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.

Nhà báo Hữu Thọ từng khẳng định phần thưởng cao quý nhất dành người làm nghề báo chính là lòng tin của nhân dân, của xã hội.

Bên cạnh việc trau dồi đạo đức nghề nghiệp, người làm báo còn phải có tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ. Một tấm gương nhà báo tiền bối khác của Báo chí Cách mạng Việt Nam về tinh thần tự học hỏi là nhà báo lão thành Phan Quang. Ông đã dành cả đời với hơn 70 năm lao động  với hàng ngàn bài viết chính luận có sức chiến đấu cao, mang hơi thở của cuộc sống. Ông còn là một tấm gương nhà báo luôn sẵn sàng dấn thân: đi và viết. Những trang viết của ông luôn hướng đến nhân dân, vì thế nhà báo lão thành này luôn đề cao tinh thần tự học qua việc đọc sách và hòa nhập vào đời sống nhân dân, ăn cùng dân, ngủ cùng dân.

Nhà báo Phan Quang.

Người làm báo cũng cần có lập trường vững chắc kiên trung với tư tưởng Cách mạng, có cây “bút lửa” hừng hực cháy sáng như nhà báo Trần Công Mân. Ông mang trên mình màu xanh áo lính nhưng không chỉ viết về những người chiến sĩ quân đội mà còn viết cho nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Điểm nổi bật nhất ở con người  nhà báo Trần Công Mân là bản lĩnh dám phát hiện, dám viết và chịu trách nhiệm về những vấn đề đặt ra trong tác phẩm. Dù có thể những bài viết đó không làm vừa lòng cấp trên, nhưng phải đảm bảo đúng nguyên tắc bảo vệ lợi ích chung.

Tiếp nối lửa nghề

Tấm gương của các nhà báo lão thành như: Phan Quang, Trần Công Mân, Hữu Thọ,… là tấm gương sáng cho những người làm báo hôm nay. Họ nhìn vào đó soi và chiêm nghiệm để tiếp tục nỗ lực và học hỏi cống hiến cho đời những tác phẩm báo chí thiết thực, nhân văn, đồng hành với sự phát triển của đất nước Việt Nam hôm nay. Nhà báo trẻ ngày nay có sự tiện lợi về mặt công nghệ khi tác nghiệp nhưng không vì thế mà quên đi sự rèn luyện về bản lĩnh, nhãn quan của mình, làm tắt đi ngọn  lửa của đam mê, trách nhiệm và lòng tự trọng với nghề. Đối với người làm báo, kiến thức là điều kiện tiên quyết trong nghề nghiệp để luôn chủ động trong mọi tình huống và chấp nhận những cái mới tốt đẹp, cập nhật những vấn đề thời cuộc để  bài viết sống động và hữu ích. Đó là đặc thù cũng là một áp lực không nhỏ trong nghề nghiệp. Và còn phải sẵn sàng dấn thân, lặn ngụp trong hơi thở cuộc sống, quần chúng nhân dân, sáng tạo các tác phẩm báo chí thiết thực, giữ bản sắc văn hoá, phục vụ quần chúng, cán bộ, chiến sỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dậy: “Muốn viết báo thì cần phải gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực”.

Thời gian qua, đã chứng kiến nhiều nhà báo dũng cảm, tâm huyết, cho ra đời những tác phẩm báo chí chất lượng, có sức ảnh hưởng lớn trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Mới đây đại dịch Covid-19 đã khiến đời sống xã hội chịu nhiều tác động nhưng trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, ở nơi tuyến đầu, các phóng viên, nhà báo vẫn luôn có mặt để kịp thời cập nhật tin tức tới bạn đọc. Đó chỉ là một trong số ít những sự hi sinh thầm lặng của các nhà báo.

Phóng viên tác nghiệp trong đợt dịch Covid-19.

Sau những “lao tâm khổ tứ” để có được những vòng nguyệt quế ở nghiệp làm báo, cố nhà báo Trường Phước vẫn từng mong muốn “kiếp sau nếu được làm người/ Vẫn làm nhà báo giừa đời múa may”. Đó cũng là mong muốn của rất nhiều người làm báo hôm qua và hôm nay. Bởi thế, ở trong mọi mặt cuộc sống hôm nay rất nhiều các nhà báo, phóng viên vẫn hàng ngày tác nghiệp ở khắp mọi nơi trên Tổ quốc thân yêu này. Dù là nắng, gió hay mưa bão, dù là vùng cao hay nơi đảo xa, các báo đều có mặt. Bởi họ đã và đang là minh chứng rõ nét về sự kết nối của các thế hệ nhà báo tiền bối hôm qua và hôm nay. Với tâm huyết, khát vọng góp cho cuộc đời ngày càng sáng đẹp và tốt lành hơn.

Người hoạt động Báo chí Cách mạng Việt Nam trong thời đại nào cũng sẽ gặp những khó khăn, thách thức. Nhưng, với tình yêu, đạo đức nghề nghiệp,  kiên trì bền bỉ theo đuổi lẽ phải, luôn là phẩm chất giúp người làm báo “chân cứng đá mềm” trên con đường phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Những người “đã đi xa” hay những người ở lại, mỗi người vẫn ngày ngày thắp lên ngọn lửa của tình yêu nghề, để cháy mãi, sáng mãi trong lòng độc giả thân thương.

Theo KDPT