Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hồ Chí Minh, cho biết kiều hối chuyển về Hồ Chí Minh luôn trong xu hướng tăng qua từng năm và chiếm tỉ trọng cao so với cả nước.

Tính đến cuối tháng 6, lượng kiều hối chuyển về Hồ Chí Minh đạt hơn 4,3 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2022 và bằng 65,6% so với cả năm 2022. Trong đó riêng quý II, lượng kiều hối chuyển về đạt 2,215 tỷ USD, tăng 4,5% so với quý I.

Lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á và châu Phi tăng trưởng cao so với cùng kỳ và so với quý I. Trong đó, châu Á là khu vực kiều hối chuyển về chiếm tỷ trọng cao nhất, lên tới 47% tổng lượng kiều hối chuyển về trên địa bàn thành phố, tăng 14,4% so với quý trước, tác động trực tiếp đến tăng trưởng kiều hối của quý II và 6 tháng đầu năm trên địa bàn.

Theo đó, tiếp tục giữ ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, môi trường đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô trong nước là yếu tố nền tảng quan trọng thu hút nguồn kiều hối nhằm tăng trưởng ổn định nguồn lực kiều hối. Các tổ chức tín dụng và công ty kiều hối cần nâng cao chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối thông qua việc đổi mới quy trình, thủ tục chi trả kiều hối theo hướng tạo tiện ích cho người nhận kiều hối; chăm sóc khách hàng, tư vấn thông tin ngoại tệ cho người nhận kiều hối bán lại ngoại tệ cho ngân hàng và chuyển sang gửi tiết kiệm VND…

Để đáp ứng nhu cầu của người nhận kiều hối theo đúng quy định, an toàn, tổ chức cung cấp dịch vụ phải áp dụng công nghệ đa dạng hóa hình thức chi trả kiều hối trong xu thế ngân hàng điện tử, ví điện tử đang phát triển hiện nay. Được biết, trong năm 2022, kiều hối chuyển về qua Tp.HCM đạt 6,6 tỉ USD, giảm 6,67% so với năm 2021.

Theo KDPT