web analytics

Thương mại điện tử sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2024 08/02/2024

(KDTT) – Năm 2024 tiếp tục được dự báo là năm bùng nổ của thương mại điện tử. Theo dự báo của E-commerce (Metric) trong năm 2024, doanh số thương mại điện tử (TMĐT) thế giới đạt 6.300 tỷ USD. Người tiêu dùng giờ đây có thói quen mua sắm trải đều trong năm, do đó hứa hẹn TMĐT sẽ tiếp tục bùng nổ hơn trong thời gian tới.

Các xu hướng nổi bật trên sàn TMĐT trong năm 2024

Từ nhiều khảo sát cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến. Dự báo doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong năm tới có thể đạt 650 ngàn tỷ đồng vào năm 2024.

Theo đó, có 4 xu hướng nổi bật về thị trường bán lẻ online 2024, đó là:

Bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng trên sàn TMĐT

Điều này cho phép nhà sản xuất kiểm soát toàn diện quy trình hoạt động như sản xuất, marketing và bán hàng. Đồng thời, chi phí trung gian giảm tới mức tối đa giúp biên lợi nhuận cao hơn.

Ví dụ như khi áp dụng mô hình B2B2C (business to business to customer), họ sẽ phải bỏ ra từ 35%-40% chi phí trên giá thành sản phẩm dành cho các đại lý. Trường hợp bán trực tiếp trên sàn thương mại điện tử, họ sẽ chỉ tốn mức phí thấp hơn rất nhiều (chưa đến 10%). Với số tiền dư ra đó, họ có thể trừ trực tiếp vào giá bán hoặc đầu tư cho tính năng sản phẩm. Việc các nhà sản xuất mở rộng thị trường kinh doanh sang nền tảng thương mại điện tử dự báo cuộc chiến về giá sẽ tiếp tục khốc liệt trong năm 2024.

Thương mại điện tử sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2024
Ảnh minh họa

Trí tuệ nhân tạo, machine learning và phân tích big data (dữ liệu lớn)

Những công nghệ này đã và đang thay đổi toàn diện cách vận hành bán hàng và cả cách người dùng mua sắm bằng việc tạo nên những trải nghiệm tinh tế, chính xác và an toàn hơn.

Nếu như AI, machine learning hiện chủ yếu được ứng dụng bởi các sàn mua sắm trực tuyến hoặc các website thương mại điện tử với nguồn lực đầu tư lớn, big data lại đang được nhanh chóng triển khai ở diện rộng hơn. Không chỉ các sàn thương mại điện tử với nguồn dữ liệu nội bộ có sẵn, các doanh nghiệp bán hàng trên sàn cũng có thể ứng dụng công nghệ này qua các đơn vị cung cấp phần mềm thứ ba trung lập.

Công cụ này giúp thương hiệu gia tăng doanh thu và thị phần dựa trên số liệu phân tích xác thực, đặc biệt trong các giai đoạn khó khăn của thị trường. Người quản lý doanh nghiệp sẽ hiểu rõ hơn những gì người tiêu dùng muốn, chuyển biến của thị trường; từ đó tạo ra cơ hội giúp doanh nghiệp có bước đi chắc chắn, giảm thiểu rủi ro và ra quyết định nhanh hơn đối thủ.

Phân tích Big data (dữ liệu lớn) cũng giúp tối ưu giao vận – hậu cần, quản lý chuỗi cung ứng, R&D và vận hành kinh doanh trên sàn.

Có trách nhiệm khi tiêu dùng

Xu hướng tiêu dùng có trách nhiệm không bỏ qua thương mại điện tử. Người tiêu dùng có cảm tình và ưu tiên sử dụng các sản phẩm của thương hiệu thể hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội thay vì chỉ mức giá thấp hoặc được giảm giá sâu.

Thậm chí, họ sẵn sàng trả thêm tiền cho các doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm này. Ở chiều ngược lại, người dùng có xu hướng từ chối sử dụng sản phẩm nếu doanh nghiệp có liên quan tới các hoạt động tiêu cực tới môi trường, hoặc có các hành vi không chuẩn mực trong quản lý (ví dụ phân biệt đối xử hoặc trả lương không công bằng, sử dụng lao động vị thành niên…).

Một số tiêu chí doanh nghiệp có thể tập trung trong năm 2024 như: tạo thêm sản phẩm thân thiện môi trường, sử dụng vật liệu đóng gói bền vững, tìm nguồn sản phẩm từ nhà cung cấp có đạo đức…

Thương mại đối thoại

Thương mại đối thoại là thương mại điện tử trên nền tảng di động tích hợp khả năng trao đổi giữa người bán và người mua thông qua các ứng dụng nhắn tin như Facebook Messenger, Zalo, Viber…

Theo báo cáo từ Decision Lab và Facebook, trong số người tiêu dùng trực tuyến trên thế giới thì có khoảng 53% người tiêu dùng đến từ thị trường thương mại đối thoại, trong đó Facebook Messenger là kênh thương mại đối thoại phổ biến nhất, tiếp theo là các nền tảng thương mại điện tử, Instagram, Livestream.

MGM/KOL/KOC

– MGM (Members get Members): khách hàng cũ giới thiệu sản phẩm cho khách hàng mới và nhận phần thưởng khi giới thiệu thành công.

– KOL (Key Online Leaders): Các doanh nghiệp sẽ hợp tác với những người có tầm ảnh hưởng trên một lĩnh vực cụ thể trên mạng xã hội nhằm thúc đẩy bán hàng.

– KOC (Key Opinion Consumers): Họ là những khách hàng có tầm ảnh hưởng nhất định trên thị trường. KOC có ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết định mua hàng của người xem nhờ những chia sẻ khách quan và kiến ​​thức chuyên môn đáng tin cậy.

Tiktok, Facebook và Youtube là 3 nền tảng thương mại điện tử phổ biến để vận dụng chiến lược MGM/KOL/KOC, xu hướng thương mại điện tử này có thể mang đến cho doanh nghiệp những hiệu quả cao trong việc tiếp thị. Theo AsiaPac, các MGM/KOL/KOC có thể tăng tỷ lệ chuyển đổi đến 60%.

Tiêu dùng xanh

Tiêu dùng xanh là hành vi mua các sản phẩm thân thiện với môi trường hoặc ít gây hại cho môi trường, đồng thời các sản phẩm này cũng không có hại hoặc ít có hại cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Theo một cuộc khảo sát do GWI thực hiện, có 60% người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Trên đây là một số các xu hướng trên sàn TMĐT được dự báo sẽ hứa hẹn bùng nổ hơn trong năm 2024. Với những phát triển trong công nghệ và sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng đã có tác động rất lớn đối với ngành thương mại điện tử. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần cập nhật liên tục những xu hướng thương mại điện tử. Điều này giúp doanh nghiệp bắt kịp xu thế và không bị tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh./.