Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thành Phong |
Dường như chưa thật xa lắm, chúng ta đã từng phấn khởi, hào hứng chứng kiến những biểu hiện của công nghiệp mới, của hiện đại hóa, của dây chuyền máy móc lớn được bày ra theo kiểu hoành tráng, chấn động… Những biểu hiện ấy mang đến cho chúng ta cảm xúc hy vọng mãnh liệt, lãng mạn và bay bổng và nó đã đi vào văn thơ nhạc họa như những dấu ấn của chuyển mình phát triển. Như câu thơ của một nhà thơ nổi tiếng: “Ngoài cửa sổ ống khói nhà máy dệt/Dệt lên trời khói trắng giữa lơ xanh”. Như trên trang nhất một tờ báo văn chương reo vui cái tít của bài bút ký “Ống khói nhà máy điện Phả Lại đã xây xong!” để thông báo tin vui dòng điện sắp hiện ra. Như bao nhiêu bài ca với những câu hát náo nức về tiếng nổ máy cày vang vang trên cánh đồng, tiếng máy cưa hạ cây giữa rừng xanh bao la. Một thời, mùi xăng động cơ ô tô, xe máy thật quyến rũ, làm ngây ngất những tuổi trẻ say mê tốc độ…
Biến đổi khí hậu là mối đe dọa chủ yếu tới phát triển bền vững ở mọi quốc gia. (Ảnh minh họa) |
Nhiều quốc gia phát triển trước chúng ta cũng đã vô cùng tự hào về những hình ảnh, biểu hiện ấy. Đất nước ta là quốc gia nông nghiệp ngàn đời, lại đi qua bao nhiêu thời đoạn chiến tranh máu lửa tàn phá, càng tự hào về những biểu hiện mới của dựng xây, công nghiệp, hiện đại hóa như vậy…
Nhưng rồi con người đã nhận ra mặt trái từ những tác động. Sự phát triển như vũ bão của công nghiệp mang đến những thay đổi tốt đẹp nhưng cũng chất chứa những hiểm họa khôn lường. Khai thác tài nguyên ào ạt làm cho trái đất kiệt quệ, xả thải khí carbon và lỗ thủng tầng ozon làm thiên nhiên bị tàn phá. Biến đổi khí hậu xuất hiện, cộng hưởng với những hiểm họa do chính con người tạo ra, đã biến tương lai nhân loại trở thành bất định, vấn đề tồn vong của loài người đã hiện hữu…
Các doanh nghiệp đi tiên phong trong phát triển kinh tế tuần hoàn được dẫn dắt bởi các doanh nhân có tri thức và tầm nhìn vượt trội, dài hạn. |
Từ những dấu hiệu đơn lẻ, vấn đề tồn vong nhân sinh này đã rất nhanh trở thành một thách thức chung to lớn mà toàn cầu phải đương đầu. Trên thế giới, tại một số quốc gia, con người bắt đầu tư duy nghiêm túc về vấn đề này thì nay đã sớm chuyển thành ý thức chung của toàn nhân loại, không phân biệt các quốc gia còn khác biệt như thế nào về thể chế và tư tưởng chính trị. Từ các hội nghị thế giới tập hợp để bàn định cách đối phó với hiện tượng El Nino cho đến các diễn đàn rộng rãi COP (COP 28 vừa diễn ra tại UEA) đã nêu ra những cam kết nhất định phải hướng đến, như giảm phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050, thiết lập “Lá chắn toàn cầu”…
***
Không có một cuộc cách mạng nào bao gồm cả khoa học kỹ thuật cùng với nhận thức và ý thức làm chuyển biến tư duy chung của nhân loại nhanh và mạnh mẽ như cuộc đối đầu với biến đổi khí hậu và những hệ lụy của công nghiệp hóa kiểu cũ. Những đề xuất về kiến tạo xanh cùng nhiều mô hình phát triển kinh tế mới, như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo thay cho năng lượng hóa thạch, sử dụng tiết kiệm và tái tạo nước, khai thác hợp lý tài nguyên và tôn trọng thiên nhiên, đã được phát kiến.
Nhiều người thích cảm giác bước lên chiếc xe buýt điện không có tiếng ồn động cơ đi trên đường phố. (Ảnh: VinBus) |
Ngay trong cuộc sống hàng ngày trên một đất nước đang bước vào phát triển, chúng ta cũng đã bắt đầu thấy phải cảnh giác với tiếng nổ động cơ, nghi ngờ khói trắng tuôn ra từ ống khói nhà máy và dị ứng với mùi xăng phả ô nhiễm vào không khí… Chúng ta bắt đầu thấy trân quý màu xanh của cây cối, yêu mến dòng chảy hiền hòa của dòng sông, cảm xúc dịu dàng với mặt nước biển yên bình. Chúng ta đã bắt đầu thích cầm lái ô tô điện, chạy xe máy điện hay bước lên chiếc xe buýt điện không có tiếng ồn động cơ đi trên đường phố…
Là một nhà báo, có dịp đến với các đơn vị kinh tế, sản xuất, tôi thích thú vì thời gian gần đây đã nhận ra những biểu hiện hài hòa, trân trọng thiên nhiên, như khi được dạo bước trong khu công nghiệp Nam Cầu Kiền ở Hải Phòng. Đi trong nơi này giống như trong công viên. Những con đường xanh bóng cây, các hồ nước yên ả, những đàn cá bơi. Bên cạnh những nhà máy, công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất là những tiểu công trình kết nối mang đậm chất văn hóa lịch sử, phục vụ cho du lịch trải nghiệm, đã tạo cho tôi cảm giác mình như du khách thư giãn với những ngọn gió mát lành, thư thái… Đây là khu công nghiệp lớn, chuỗi cộng sinh các cơ sở sản xuất thuộc các ngành công nghiệp trọng yếu với một hệ thống các nhà máy sản xuất ra thép, ra nhựa, các sản phẩm điện tử và ngành phụ trợ điện công nghiệp… Nó rất khác so với những gì tôi đã từng biết, từng nghĩ về mô hình một khu công nghiệp lớn. Người ta đã định danh nó bằng một cái tên rất mới mẻ: “Khu công nghiệp sinh thái” và đây chính là khu công nghiệp sinh thái đầu tiên do người Việt đầu tư và quản lý.
Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền được xây dựng theo mô hình khu công nghiệp xanh không khói bụi, thực hiện chu trình kinh tế tuần hoàn. |
Tôi cũng đã có dịp đến những nhà máy sản xuất, những trang trại nuôi bò sữa quy mô rất lớn của Tập đoàn TH true MILK với những cánh đồng trồng hoa hướng dương và cỏ chăn nuôi kéo dài đến bạt ngàn trên vùng đất khô cằn Nghĩa Đàn xưa ở miền Tây Nghệ An. Hay một dịp khác, là đến trang trại bò sữa ở vùng núi Hòa Bình, cửa ngõ Tây Bắc đất nước của Công ty T&T 159 Hòa Bình. Đây là hai mô hình tiên phong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp của nước ta. Điểm chung là ở hai cơ sở này, người ta cũng tạo nên những không gian sinh thái, gắn kết với thiên nhiên, hài hòa với môi trường. Tập đoàn đa ngành TH có tầm cỡ rất lớn, đầu tư ra cả nước ngoài như tại Nga và Australia. Công ty T&T 159 Hòa Bình thì chăn nuôi bò thịt cung cấp cho thị trường Hòa Bình, Hà Nội và vùng lân cận, là hạt nhân kéo theo sự trù phú và phát triển của rất nhiều trang trại hộ nông dân trong vùng…
Những doanh nghiệp đi tiên phong trong kiến tạo xanh mang đến những thiện cảm lớn với cộng đồng. Sáng tạo những hình thức để kiến tạo xanh và áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ là một trào lưu lớn. Việc sáng tạo ra các mô hình để áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực, qua các doanh nghiệp tiên phong sẽ mang lại nhiều kinh nghiệm phong phú trong định hướng phát triển cả nền kinh tế đất nước. |
Tôi cũng đã từng được nghỉ ngơi vài đêm tại một khu nghỉ dưỡng tựa lưng vào dãy núi xanh Sơn Trà ở Đà Nẵng. Nơi đây, mỗi cái cây to mọc lên từ trước đó, khi xây dựng những khu nhà hiện đại tiện nghi, người ta đều tính đến hết cách để giữ lại. Nơi đây có thể ngắm mặt biển xanh yên bình rồi đưa mắt thích thú dõi theo bầy chim rừng và những con voọc, con vượn núi. Ngay cả những chiếc máy xén cỏ ở đây cũng chạy bằng pin để không thêm vào một chút tiếng động nhỏ…
Cánh đồng hướng dương của trang trại sữa TH true MILK đã trở thành một điểm đến du lịch nổi tiếng ở Nghệ An. |
Đất nước ta đi sau trong công nghiệp hóa so với nhiều quốc gia phát triển. Chúng ta chưa được hưởng nhiều những thành quả của công nghiệp kiểu cũ, vậy mà đã nhanh phải chuyển đổi và cũng rất nhanh có những dấu ấn trong kiến tạo xanh để bảo vệ thiên nhiên vì tương lai con người với những doanh nghiệp đi tiên phong như thế. Họ mang đến những thiện cảm lớn với cộng đồng. Sáng tạo những hình thức để kiến tạo xanh và áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ là một trào lưu lớn. Việc sáng tạo ra các mô hình để áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực, qua các doanh nghiệp tiên phong sẽ mang lại nhiều kinh nghiệm phong phú trong định hướng phát triển cả nền kinh tế đất nước.
***
Chuyển đổi và kiến tạo xanh vì tương lai bền vững được nhân loại đề cập từ nửa cuối thế kỷ trước, đã trở thành cấp thiết toàn cầu hiện nay. Vượt qua rất nhiều trở ngại như yêu cầu về nguồn vốn đầu tư lớn hơn, phải cập nhật sớm hơn những ứng dụng khoa học kỹ thuật mới mẻ, về sự sáng tạo không ngừng trong thực tiễn, cuộc cách mạng toàn diện này đã nhanh chóng trở thành xu hướng tất yếu đối với các doanh nghiệp tiên phong hàng đầu tại Việt Nam.
Những doanh nhân đứng đầu các doanh nghiệp tiên phong trong việc chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, cùng với thành công bước đầu, đã tạo nên những cảm hứng mới để dẫn dắt nền kinh tế nước ta chuyển biến mạnh mẽ hơn sang xu hướng phát triển xanh và bền vững trong tương lai. |
Việt Nam đang phát triển với một nền kinh tế năng động, có sức chịu đựng lớn trước các biến cố và tác động của toàn cầu. Những thành tựu lớn trong kinh tế, hợp tác và đầu tư giai đoạn vừa qua là rất đáng ngưỡng mộ, được thế giới đánh giá cao. Nhưng còn đáng mừng hơn nữa là những thành tựu và phát triển này được tạo dựng trong xu hướng tích hợp với những phát kiến và tiến bộ mới của nhân loại, song hành với các xu hướng mới trong phát triển kinh tế tại các nước phát triển và hiện đại trên thế giới, trong đó nổi lên rõ nhất là xu hướng kiến tạo xanh, chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chia sẻ.
Các doanh nghiệp đi tiên phong trong phát triển kinh tế tuần hoàn được dẫn dắt bởi các doanh nhân tiên phong, có tri thức và tầm nhìn vượt trội, dài hạn. Sáng tạo và áp dụng các mô hình mới là không hề giống nhau, với không ít trở ngại, có thể phải trải qua quá trình tìm kiếm vất vả, thậm chí thất bại, vì thế công việc này đòi hỏi tâm huyết, sự nhạy bén và cả tinh thần dũng cảm. Những doanh nhân đứng đầu các doanh nghiệp tiên phong này, cùng với thành công bước đầu, đã tạo nên những cảm hứng mới để dẫn dắt nền kinh tế nước ta chuyển biến mạnh mẽ hơn sang xu hướng phát triển xanh và bền vững trong tương lai./.