EVN khẩn trương đàm phán giá huy động các dự án điện chuyển tiếp
Bộ trưởng Bộ Công Thương giao EVN khẩn trương đàm phán giá để huy động các dự án chuyển tiếp, cũng như đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện đối với các dự án điện khác theo quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát và yêu cầu các nhà máy trực thuộc bảo đảm đủ nguyên, nhiên vật liệu để hoạt động theo quy định; tích cực hơn nữa trong việc tham mưu và phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xây dựng các khung giá cho các loại hình điện năng, các định mức, phương thức mua bán điện trực tiếp, huy động, kinh doanh, dự trữ…
EVN phối hợp với Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) trong vận hành hệ thống điện, đồng thời nỗ lực trong tuyên truyền, vận động những khách hàng lớn điều chỉnh biểu đồ sử dụng điện trong giờ cao điểm, góp phần điều hòa sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Nỗ lực trong cơ cấu doanh nghiệp và tài chính để có điều kiện thanh toán cho các đơn vị cung ứng vật tư, nguyên liệu của mình; làm tốt công tác tuyền thông về những khó khăn vướng mắc và tăng cường tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
TKV bảo đảm nguồn cung than cho các nhà máy nhiệt điện đã có hợp đồng
Đối với TKV và Tổng Công ty Than Đông Bắc, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu tuyệt đối tuân thủ biểu đồ cung cấp than và chỉ thị của Chính phủ về cung ứng than cho phát điện.
Tăng năng lực khai thác để bảo đảm nguồn cung cho các hợp đồng đã ký; khẩn trương tháo gỡ khó khăn để được cấp phép, gia hạn tăng sản lượng khai thác tại một số mỏ của mình; chủ động nhập đủ nguồn than phục vụ cho nhu cầu phát điện, cho các nhu cầu khác của nền kinh tế theo các hợp đồng đã ký và sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Riêng đối với một số nhà máy điện của TKV, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Tập đoàn cần chú ý việc chỉ đạo kiểm tra, giám sát các đơn vị của mình để các nhà máy luôn sẵn sàng nguyên liệu, nhiên liệu cho phát điện, kịp thời sửa chữa sự cố của các nhà máy (nếu có) để sẵn sàng phát tối đa công suất của các nhà máy.
PVN tăng năng lực khai thác
Đối với PVN, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu tăng năng lực khai thác và chế biến sản phẩm dầu khí phục vụ nhu cầu phát điện và nhu cầu của nền kinh tế, kể cả nguồn nguyên liệu thô và thành phẩm cho thị trường theo đúng sản lượng, khối lượng đã cam kết và các hợp đồng đã ký.
Chỉ đạo các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý chú trọng việc vận hành an toàn, hiệu quả, kịp thời sửa chữa hư hỏng, sự cố (nếu có), nhập đủ vật tư nguyên liệu sơ cấp cho phát điện theo Chỉ thị 29 của Thủ tướng Chính phủ và theo biểu đồ cung cấp than cho điện của Bộ Công Thương đã phê duyệt; chủ động nhập khẩu xăng dầu thành phẩm theo cam kết, sản lượng sản xuất và sản lượng bao tiêu của nhà máy Nghi Sơn.
Ngoài ra, cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm những vướng mắc, tồn tại của liên doanh lọc hóa dầu Nghi Sơn, kể cả việc tái cơ cấu doanh nghiệp cũng như tái cơ cấu tài chính để bảo đảm hoạt động có hiệu quả; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án mở rộng công suất nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn; chủ động nghiên cứu, đề xuất chính thức với Chính phủ, Quốc hội về việc triển khai thí điểm tổ hợp điện gió ngoài khơi trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII và triển khai nghiên cứu đề án điều chế sản xuất sạch (Hydrogen, Amoniac xanh …).
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, tiếp tục tham mưu, giải quyết những kiến nghị đề xuất của các tập đoàn, tổng công ty tại các kỳ họp trước và kỳ họp này để kịp thời kiến nghị lãnh đạo Bộ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh.
Khẩn trương rà soát sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giá bán lẻ điện bình quân và Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho sản xuất và kinh doanh; khung giá của các loại hình điện năng, nhất là điện rác, điện sinh khối, các nguồn điện năng lượng tái tạo; định mức bảo quản xăng dầu.
Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Bộ Công Thương đã có nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành có liên quan và các doanh nghiệp về lĩnh vực năng lượng; đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đã được các Tập đoàn, Tổng Công ty triển khai thực hiện tương đối nghiêm túc, hiệu quả, góp phần cung ứng đầy đủ, liên tục và an toàn điện, than, xăng dầu, khí đốt cho thị trường và phát triển kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, ở một số thời điểm nguồn cung về năng lượng chưa đảm bảo; việc cung ứng điện trong mùa khô vừa qua gặp nhiều khó khăn, có thời điểm đã phải điều hòa phụ tải và tiết giảm điện ở một số địa bàn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân…