Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo khai mạc hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự vào chỉ đạo của đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết Chỉ thị 13-CT/TW; đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương; Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tham dự hội thảo còn có các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Đại diện lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND, các cơ quan liên quan của 5 tỉnh Tây Nguyên; Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội; đại diện một số Hiệp hội; Các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp và một số cơ quan báo chí trung ương và địa phương tham dự, đưa tin.

Nhiều ý kiến đóng góp để kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên và công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: “Ban Chỉ đạo chọn Tây Nguyên là vùng đầu tiên trên cả nước để tổ chức chuỗi hội nghị, hội thảo phục vụ sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, bởi Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước”.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, nhấn mạnh: “Phát triển vùng Tây Nguyên phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, dựa trên ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số. Chú trọng bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng. Tây Nguyên là vùng có diện tích rừng lớn thứ hai cả nước, có tiềm năng lớn về phát triển tài nguyên rừng và nhiều lợi thế về phát triển kinh tế, phát triển lâm nghiệp. Rừng Tây Nguyên có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế – xã hội của các dân tộc thiểu số, có vị trí quan trọng về an ninh chính trị, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu cho Vùng”.

Lãnh đạo Viện Đào tạo Tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE) tại Hội thảo “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”.

Tại hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị tập trung thảo luận về các vấn đề chủ yếu như sau:

Thứ nhất, về chính sách, pháp luật đất đai hiện hành. Tập trung đánh giá chính sách, pháp luật đất đai hiện hành về quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp và những định hướng sửa đổi, bổ sung hoàn thiện.

Thứ hai, phân tích, đánh giá một số cơ chế, chính sách tạo động lực thúc đẩy, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chú trọng phân tích, đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp đột phá về: Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và giải pháp phát triển bền vững dịch vụ môi trường rừng trong thời gian tới; hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thị trường tín chỉ cac-bon ở Việt Nam.

Doanh nhân Dương Thị Sơn Long – Giám đốc Công ty TNHH MTV Uyên Phương: “Các doanh nghiệp kinh doanh cà phê cần đồng lòng chọn hướng đi canh tác tự nhiên hữu cơ, từ đó giúp địa phương phát triển sinh thái cà phê bền vững”.

Thứ ba, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi trong công tác bảo đảm an sinh đối với người dân khu vực có rừng, nhất là bảo đảm sinh kế cho đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ theo tinh thần Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 13 của Ban Bí thư.

Thứ tư, tập trung thảo luận, đánh giá các tiềm năng Tây nguyên để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Thứ năm, thảo luận, gợi mở một số định hướng, giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên. Chú trọng tới các nội dung về: Kinh tế tuần hoàn trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và sự phát triển bền vững cho Tây Nguyên; sản xuất, canh tác nông, lâm nghiệp hữu cơ theo phương thức phát triển của hệ sinh thái rừng.

Năm 2017, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế- xã hội; các Nghị quyết về định hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng trên cả nước, trong đó chú trọng tới công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là các Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW, 23-NQ/TW.

Hội thảo “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” thu hút được nhiều bài tham luận chuyên sâu của các chuyên gia, nhà khoa học, , nhà quản lý giàu kinh nghiệm và đại diện các doanh nghiệp với chủ đề “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”.

Mục đích của Hội thảo là đánh giá thực trạng, trao đổi những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là những nhiệm vụ giải pháp đột phá tạo động lực để phát triển bền vững rừng trong giai đoạn tới, phục vụ công tác sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Thảo luận về những nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên trong bối cảnh mới, phục vụ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nhận định, Tây Nguyên với nhiều tiềm năng lợi thế về rừng, tài nguyên khoáng sản, đất đai, nguồn nhân lực để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế nông lầm nghiệp, để tiếp tục phát huy hiệu quả các tiềm năng và lợi thế. Ngày 6/10/2022 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23 về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh của vùng Tây Nguyên đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết số 23 của Bộ Chính Trị đã quan tâm đặc biệt đối với vùng Tây Nguyên đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ chính quyền và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên trong bối cảnh phát triển kinh tế, đây là cơ sở chính trị quan trọng để Tây Nguyên nói cung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn mới mô hình đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển từ sản xuất nông lâm nghiệp sang kinh tế nông lâm nghiệp. Đồng thời chú trọng bảo vệ phát triển rừng, khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương giúp ổn định nâng cao đời sống sinh kế của người dân gắn với rừng. Tạo sự lan toả giúp các tỉnh trong vùng Tây Nguyên phát triển bứt phá tạo nguồn lực tăng trưởng mới để phấn đấu đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đưa Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, ông Nguyễn Đình Trung nói.

Diễn giả Hoàng Xuân Lương giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quyền con người vùng dân tộc thiểu số và miền núi tham gia tham luận tại hội thảo.

Tham gia tham luận tại hội thảo, Tiến sỹ – Luật sư Phạm Hồng Điệp – Phó Viện trưởng viện Đào tạo tư vấn và Phát triển Kinh tế (IDE) nhận định: “Tây Nguyên với những tiềm năng cần được đẩy mạnh phát triển, những hạn chế cần giải quyết để đưa ra những ưu thế vùng ngày càng lớn mạnh, qua đó mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho vùng, cho doanh nghiệp, lợi ích nhiều mặt về môi trường – xã hội,… nhận thấy những tiềm năng và sự phù hợp. Từ đó, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ vào vùng Tây Nguyên đầu tư. Tôi xin đơn cử như Công ty cổ phần Shinec (Hải Phòng) với thế mạnh và định hướng phát triển xuyên suốt của mình đã có cơ hội được và kết nối cộng đồng doanh nghiệp cùng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên. Shinec đến với vùng đất Tây Nguyên trở thành một trong những dự án đi đầu trong bước đà phát triển chuỗi các dự án KCNST, CCNST tại Việt Nam, với mô hình tiêu biểu là KCNST Nam Cầu Kiều tại Hải Phòng. Và đến nay, với dự án tiêu biểu tại cụm công nghiệp sinh thái Đắk Đoa tại tỉnh Gia Lai”.

Ông Trần Quang Bảo – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nêu ý kiến tại hội thảo.

Phát biểu bế mạc hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị: Trên cơ sở những nội dung được báo cáo, tham luận, phát biểu, thảo luận,… đề nghị Ban Tổ chức Hội thảo tổng hợp, chắt lọc, tiếp thu tối đa những nội dung được trình bày và ý kiến đóng góp để kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên và công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới.

Các ý kiến tham luận và phát biểu, đóng góp tại Hội thảo sẽ đóng góp quan trọng phục vụ công tác sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư; đóng góp chung vào quá trình thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên.