web analytics

Khó khăn của ngành thép có thể sẽ kéo dài 15/11/2022

(KDTT) – Sản xuất và tiêu thụ thép trong tháng 10/2022 tiếp tục diễn biến theo chiều hướng đi xuống, khi giảm lần lượt 16,38% và 29,4% so với cùng kỳ. Về nguyên liệu sản xuất thép như quặng sắt, cuộn cán nóng (HCR), thép phế liệu nhập khẩu cũng ghi nhận mức giảm khá mạnh…

Nguồn cung thép trong nước tăng dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp.

Số liệu của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), trong tháng 10/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,046 triệu tấn, giảm 16,38% so với tháng 9/2022 và giảm 28,7% so với cùng kỳ 2021; Bán hàng thép các loại đạt 1,888 triệu tấn, giảm 5,53% so với tháng trước và giảm 29,4% so với cùng kỳ.

Sản xuất thép thành phẩm 10 tháng đầu năm 2022 đạt 25,31 triệu tấn, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm đạt 23,159 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất khẩu đạt 5,316 triệu tấn, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

VSA nhận định, kinh tế – xã hội Việt Nam trong 10 tháng của năm 2022 khá ổn định, các cân đối vĩ mô đưa ra triển vọng, lạm phát trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành, đặc biệt ngành thép trong nước đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức có khả năng kéo dài đến Quý II/2023.

Trước những yếu tố bất lợi khách quan từ thị trường, quý III chứng kiến màu sắc ảm đạm trong bức tranh kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp thép. Điều này khiến nhiều công ty đi đến quyết định khó khăn là đóng cửa lò cao, tái cơ cấu kinh doanh của mình.

Cũng theo VSA, tháng 9/2022, xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam đạt 533 ngàn tấn, tăng 3,8% so với tháng trước nhưng giảm 60,63% so với cùng kì năm 2021. Trị giá xuất khẩu đạt 429 triệu USD, giảm 6,17% so với tháng 8/2022 và giảm 69,32% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 6,46 triệu tấn thép giảm 34,38% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD giảm 22,65% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngoài thép xây dựng, tiêu thụ một số sản phẩm thép khác thuộc nhóm thép phẳng trong tháng 9 cũng ghi nhận mức giảm sút so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, bán hàng tôn mạ kim loại sơn phủ màu giảm 41,6% xuống 299.326 tấn. Trong đó, xuất khẩu đạt 104.494 tấn, giảm mạnh 72,4% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm nay, lượng xuất khẩu của sản phẩm này giảm 33% xuống 1,6 triệu tấn (chiếm 50% lượng tổng lượng tiêu thụ).

Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, nỗi lo về suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến giá HRC giảm và nhu cầu ở nước ngoài trầm lắng kể từ tháng 4 và tháng 5. Sức tiêu thụ sẽ phụ thuộc rất lớn vào thị trường trong nước, ít nhất là đến cuối năm.

“Cạnh tranh mạnh hơn trong một thị trường quy mô nhỏ dường như hạn chế khả năng tăng giá bán, do đó hạn chế khả năng phục hồi biên lợi nhuận. So với quý II, lượng tiêu thụ trong tháng 7, tháng 8 giảm kết hợp với tỷ suất lợi nhuận thấp hoặc âm có thể dẫn đến việc ghi nhận lỗ trong quý III” – VDSC nhận định.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trái ngược với các kỳ vọng từ tăng trưởng kinh tế trong nước, thị trường thép quý III/2022 đối mặt với vô vàn khó khăn khi giá thép thế giới lao dốc. Cụ thể, giá quặng quay về mức dưới 100 USD/tấn, giảm 25% so quý II, và giảm tới 48% so với cùng kỳ. Các mặt hàng nguyên liệu khác như thép phế, phôi thép, thép cuộn cán nóng cũng suy giảm 20 – 25%.

Giá thế giới giảm tạo sức ép lớn lên giá thép trong nước. Bên cạnh đó, tình trạng chiến tranh và các khó khăn của nền kinh tế thế giới dẫn đến nhu cầu suy giảm, ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam. Sản lượng xuất khẩu suy giảm dẫn đến tăng nguồn cung trong nước và tình trạng cạnh tranh gay gắt trên thị trường nội địa.

Giá thép nội địa quý III cũng suy giảm mạnh trên 20%. Cụ thể, giá thép xây dựng hiện đã giảm về mức quanh 14,5 triệu đồng/tấn (giao tại các Nhà máy, chưa VAT), giảm trên 4 triệu đồng/tấn so với mức đỉnh trong quý II/2022.

Theo đại diện Tổng Công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) cho biết, thị trường thép trong nước quý IV/2022 được đánh giá sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do hoạt động xuất khẩu kém khả quan, cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất; các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành thép.

Tuy vậy, đơn vị cũng kỳ vọng với việc đà giảm của giá thép đang chậm lại, các biện pháp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và việc các công trình tăng cường hoàn thiện trong giai đoạn cuối năm sẽ giúp thị trường thép và các doanh nghiệp trong ngành bớt khó khăn hơn.

Dự báo, thị trường thép trong nước quý 4/2022 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do hoạt động xuất khẩu kém khả quan, cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất; các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành thép.