web analytics

Hơn 1.600 doanh nghiệp xác nhận đáp ứng điều kiện giám sát hải quan 24/05/2022

(KDTT) – Theo báo cáo của Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, đến hết ngày 25/4/2022, trong tổng số 1.676 doanh nghiệp chế xuất (DNCX), có 1.607 DN đã thông báo, thực hiện kiểm tra và xác nhận đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan.

Cán bộ Hải quan đang kiểm tra một lô hàng.

Còn lại 69 DNCX thuộc các trường hợp sau: Doanh nghiệp (DN) bị khởi tố, tạm ngừng hoạt động, đang làm thủ tục giải thể, chuyển địa bàn, chuyển sang doanh nghiệp không phải DNCX; DNCX mới thành lập, đang trong quá trình xây dựng nhà xưởng; DNCX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phần mềm, không có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; DNCX không thể hoàn thiện điều kiện kiểm tra, giám sát do nguyên nhân khách quan.

Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, các Cục Hải quan tỉnh, thành phố đã tích cực phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thành điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan.

Đến ngày 12/05/2022, đã có thêm 9 DNCX được xác nhận đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát. 8 DNCX còn lại vẫn đang tiếp tục hoàn thiện điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định do có những khó khăn về kinh phí, thực trạng nhà xưởng hoặc một số nguyên nhân khách quan khác.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 18/2021/NĐ-CP ngày 11/03/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Nghị định này là quy định về điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan và áp dụng chính sách thuế đối với doanh nghiệp chế xuất (DNCX) là khu phi thuế quan. Chính phủ cho các DN hơn 1 năm để chuẩn bị và từ 25/4/2022, các DN đủ điều kiện mới được áp dụng chính sách ưu đãi.

Tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/03/2021 của Chính phủ đã quy định cụ thể điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan đối với DNCX cụ thể như: có hàng rào cứng ngăn cách với khu vực bên ngoài; có cổng/cửa ra, vào đảm bảo việc đưa hàng hóa ra, vào doanh nghiệp chế xuất chỉ qua cổng/cửa; có hệ thống camera quan sát được các vị trí tại cổng/cửa ra, vào và các vị trí lưu giữ hàng hóa ở tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ); dữ liệu hình ảnh từ camera được kết nối trực tuyến với cơ quan hải quan quản lý doanh nghiệp và được lưu giữ tại doanh nghiệp chế xuất tối thiểu 12 tháng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có trách nhiệm ban hành định dạng thông điệp dữ liệu trao đổi giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp…

Có phần mềm quản lý hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế của doanh nghiệp chế xuất để báo cáo quyết toán nhập- xuất- tồn về tình hình sử dụng hàng hóa nhập khẩu theo quy định pháp luật về hải quan.

Để hỗ trợ các DN, từ khi Nghị định 18 được ban hành, Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DNCX đạt được yêu cầu đặt ra.

Cụ thể, đã quán triệt, chỉ đạo hải quan các địa phương về nội dung Nghị định số 18; ban hành các công văn xử lý vướng mắc trong quá trình triển khai…

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng đã có quyết định để quy định về cách thức kết nối, trao đổi dữ liệu hệ thống camera giám sát của DNCX với cơ quan hải quan và việc giám sát hải quan đối với DNCX thông qua hệ thống camera trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các cục hải quan tỉnh, thành phố và cộng đồng DNCX.

Các đơn vị ở Tổng cục Hải quan thường xuyên đôn đốc hải quan địa phương kiểm tra điều kiện kiểm tra, giám sát của DNCX trên địa bàn quản lý, hỗ trợ giải thích pháp luật; hoàn thành việc kiểm tra, xác nhận DNCX đáp ứng điều kiện kiểm tra giám sát hải quan theo quy định trước ngày 25/4/2022; báo cáo chi tiết các doanh nghiệp chưa đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát theo từng tuần để có hướng hỗ trợ kịp thời…

Bạn đang đọc bài Hơn 1.600 doanh nghiệp xác nhận đáp ứng điều kiện giám sát hải quan tại chuyên mục  Doanh nghiệp – Thương hiệu.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066
Hoặc Email:  bandientukdtt2022@gmail.com

Theo KDPT