web analytics

Kinh tế tư nhân và vai trò trong phát triển nền kinh tế
Bài cuối: Tiềm năng phát triển kinh tế tư nhân và một số khuyến nghị 06/07/2023

(KDTT) – Đổi mới mô hình tăng trưởng phải dựa trên đổi mới sáng tạo. Do đó, việc phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân có ý nghĩa khai thác tốt nhất tiềm năng về nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bổ sung thế mạnh kinh tế mới, tạo ra động lực cho đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Những tiềm năng cần được khơi dậy

Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc có ảnh hưởng lớn đến phương thức tăng trưởng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên thế giới.Chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh sẽ là xu thế rõ nét hơn trong thời kỳ tới.

Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội.

Ảnh minh họa

Xu thế đô thị hóa và phát triển đô thị thông minh ngày càng gia tăng. Cạnh tranh giữa các nước trong việc trở thành các trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo ngày càng lớn. Những vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng đa dạng, phức tạp, tác động mạnh mẽ; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu gia tăng, sử dụng nguồn nước xuyên biên giới, nhất là nguồn nước sông Mê Kông, đặt ra nhiều thách thức lớn chưa từng có cho phát triển bền vững.

Trong 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020, đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là diễn biến phức tạp, nhanh chóng của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và đại dịch Covid-19, nhưng đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên. Chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu dịch chuyển sang chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể, tăng độ mở nền kinh tế 88 và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn. Khu vực tư nhân đóng góp ngày càng lớn và trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, khó khăn, thách thức và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt yêu cầu, chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển và bắt kịp các nước trong khu vực. Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Môi trường kinh doanh ở một số lĩnh vực, địa phương còn hạn chế, chưa thực sự thông thoáng. Các đột phá chiến lược chưa có bứt phá. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực phát triển.

Trong bối cảnh mới đầy khó khăn, thách thức, phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, kích cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quy mô lớn, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giải quyết việc làm. Tập trung nâng cao năng lực, tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế. Phát huy mạnh mẽ vai trò của các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu, chủ động tham gia vào các liên kết kinh tế, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại.

Xu hướng phát triển doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

Để đạt mục tiêu phát triển số lượng và chất lượng doanh nghiệp, trên cơ sở quan điểm của Đảng về phát triển doanh nghiệp tại Đại hội XIII, có thể rút ra những định hướng cho sự phát triển doanh nghiệp Việt Nam cho giai đoạn tới như sau:

Thứ nhất, phát triển doanh nghiệp bền vững gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới. Các mô hình tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường đang ngày càng được nhiều quốc gia lựa chọn. Để đất nước phát triển nhanh và bền vững thì mỗi doanh nghiệp phải phát triển bền vững, nghĩa là doanh nghiệp cũng cần hài hòa 3 mục tiêu: kinh tế, xã hội và môi trường. Doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh theo quy hoạch, định hướng của Nhà nước, tuân thủ pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, đóng góp nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, đồng thời tích cực thể hiện trách nhiệm xã hội. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trước hết là bảo đảm phúc lợi ngày một tốt hơn cho những người lao động của mình, đồng thời tham gia tích cực vào công tác xã hội ở địa phương, nơi doanh nghiệp hoạt động cũng như toàn xã hội nói chung.

Kinh tế tư nhân – động lực quan trọng của nền kinh tế. Ảnh minh họa

Yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, bền vững là con người, công nghệ và phương thức, mô hình kinh doanh. Trong điều kiện hiện nay, khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ thì chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu của doanh nghiệp.

Thứ hai, phát triển doanh nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Việc thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế thời gian qua tuy đạt được một số kết quả quan trọng nhưng về cơ bản vẫn chưa tạo được bước chuyển sang mô hình phát triển kinh tế theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Để xây dựng nền công nghiệp quốc gia hiện đại, bao gồm công nghiệp nền tảng và công nghiệp mũi nhọn gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu bảo đảm độc lập, tự chủ, văn kiện Đại hội XIII định hướng: “Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia phát triển những ngành công nghiệp mới, hiện đại”. Trong cơ cấu lại nông nghiệp, tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường, xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu. Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ để phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo đột phá về 90 năng suất, chất lượng, hiệu quả của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới thông qua “phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp nông nghiệp”.

Thứ ba, cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp. Đại hội XIII đã nhìn nhận các doanh nghiệp Việt Nam như một hệ thống hữu cơ của nền kinh tế quốc dân với các mối liên hệ liên kết, hợp tác, cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, mỗi loại hình doanh nghiệp đều phải cơ cấu lại để nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh, tạo vị trí xứng đáng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Sự phát triển của mỗi loại hình doanh nghiệp không dàn đều mà có trọng tâm, trọng điểm với mục tiêu xây dựng một số tập đoàn, doanh nghiệp mạnh về năng lực tài chính, quản trị, công nghệ, có khả năng dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp khác, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Một số khuyến nghị về phát triển kinh tế tư nhân

Về phía nhà nước, ban hành các Quyết định, Chỉ thị liên quan đến thực hiện Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; – Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân bảo đảm thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản của các chủ thể kinh tế tư nhân.

Một hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ sẽ góp phần mở rộng không gian phát triển, kết nối các địa phương, các khu vực kinh tế, góp phần tăng cường giao thương, lưu thông hàng hóa. Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân. Các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện các hợp đồng mua sắm công theo quy định của pháp luật đấu thầu về ưu đãi cho các gói thầu quy mô nhỏ.

Thúc đẩy, tăng cường hợp tác và nâng tầm đối ngoại đa phương, các hoạt động đối ngoại, xúc tiến thương mại – đầu tư với các nước trên thế giới, Nhà nước đóng vai trò cầu nối thương mại giúp khu vực tư nhân khai thác tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại, bảo vệ và hỗ trợ tư nhân tăng tính thích ứng trong quá trình hội nhập.

Về phía doanh nghiệp, cần đổi mới tư duy trước bối cảnh mới. Việc ký kết các hiệp định thương mại buộc các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ chấp nhận tuân thủ luật chơi mà còn có đủ cả tiềm lực và năng lực. Thích ứng với thời cuộc là điều bắt buộc với doanh nghiệp. Tư duy toàn cầu 92 và tăng cường liên kết, hỗ trợ, hợp tác giữa các doanh nghiệp sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt lên một tầm cao mới. Xây dựng mô hình quản trị: hầu hết các doanh nghiệp trong hệ thống kinh tế tư nhân, kể cả các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, thực chất cũng là các doanh nghiệp mang tính chất gia đình và được chi phối bởi một cá nhân có vai trò dẫn dắt.

Nếu muốn phát triển bền vững, doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược kinh doanh song song với chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Vì vậy, doanh nghiệp cần tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động học tập, nâng cao tay nghề lao động, trọng dụng nhân tài và có chế độ đãi ngộ phù hợp.

Phát triển khoa học công nghệ. Để có thể cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu mới của khoa học và công nghệ, nắm bắt và hiện thực hóa các cơ hội kinh doanh, cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường.

“Các báo cáo phân tích và dự báo thống kê năm 2022” do TS Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê chỉ đạo biên soạn. Trong đó, Báo cáo Kinh tế tư nhân: Thực trạng và tiềm năng phát triển đã đưa ra nhiều số liệu thống kê về kinh tế tư nhân, nêu bật vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam của kinh tế tư nhân.
Theo KDPT