web analytics

Hậu Giang: Ứng dụng công nghệ số, đẩy mạnh hiệu quả sản xuất nông nghiệp 18/09/2020

(KDTT) – Nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống và làm giàu cho người nông dân, những năm gần đây, tỉnh Hậu Giang đã tích cực áp dụng công nghệ số, công nghệ 4.0 ngày càng rộng rãi vào lĩnh vực nông nghiệp và bước đầu đem lại những hiệu quả tích cực.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của anh Nguyễn Thanh Tâm ở ấp Phước Thạnh, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, Hậu Giang .

Trên các cánh đồng ở Hậu Giang, giờ đây là những phương thức sản xuất, làm việc với ứng dụng công nghệ như điều khiển từ xa để tưới nước, phun thuốc hay chụp ảnh theo dõi đã trở thành xu hướng. Những năm qua Hậu Giang đã và đang xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư và thực hiện nhiều đề tài, dự án, mô hình ứng dụng công nghệ cao với những kết quả đạt được như sau: Dự án đầu tư tại Khu thực nghiệm trình diễn Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang với quy mô 2 ha, tổng nguồn vốn đầu tư hơn 31,7 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là ứng dụng công nghệ cao thực nghiệm trình diễn dưa lưới, nấm, rau ăn lá kết hợp điện mặt trời. Lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên các mái nhà khu phụ trợ của dự án với tổng diện tích 1 ha, mô hình bảo quản và chế biến rau ăn lá, nấm chất lượng cao (đóng gói, bảo quản sau thu hoạch) để kéo dài thời gian bảo quản và chất lượng sản phẩm.

Hiện tại, việc áp dụng công nghệ cao và sản xuất nông nghiệp được triển khai rộng khắp và hiệu quả tại Hậu Giang. Đặc biệt, cây mãng cầu xiêm với đặc điểm chịu được mặn, phèn nên phát triển kinh tế nông hộ khá nhanh. Gần đây, nông dân Hậu Giang trồng mãng cầu với diện tích lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhất là vùng Long Mỹ, Phụng Hiệp, Châu Thành và thị xã Ngã Bảy.

Ông Trần Phú Quốc, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) mãng cầu xiêm Thuận Hòa, cho biết: Hiện nay cây mãng cầu đang phát triển mạnh, để mãng cầu vươn xa hơn nữa thì cần đầu tư các thiết bị máy móc thông minh. Mới đây HTX được ngành Nông nghiệp tỉnh giới thiệu một doanh nghiệp đến hỗ trợ gắn máy cảm biến để theo dõi nhiệt độ, lượng mưa và chụp các hình ảnh sinh trưởng của cây. Từ đó đưa ra dự báo thông qua điện thoại để người trồng biết, phòng ngừa sâu bệnh cho vườn mãng cầu. Cuối vụ xuất bán mãng cầu cho khách hàng cũng yên tâm hơn vì truy xuất được nguồn gốc và giá bán luôn cao hơn so với sản phẩm ngoài HTX.

Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, bà con nông dân đã tự nghiên cứu, học hỏi, tìm ra bí quyết để thụ phấn nhân tạo cho mãng cầu ra trái nhiều và có trái quanh năm. Bình quân mỗi công mãng cầu cho năng suất từ 4,5-5 tấn/công, hiện giá bán từ 14.000-16.000 đồng/kg. Sau khi nông dân trừ hết chi phí còn lãi từ 40-42 triệu đồng/công/năm. Bên cạnh đó, nông dân còn làm trà mãng cầu bán giá từ 450.000-500.000 đồng/kg, còn lá tươi mãng cầu bán giá 15.000 đồng/kg.

Hiện, HTX Nông nghiệp và thương mại dịch vụ mãng cầu Thuận Hòa đã có gần 40 ha trồng mãng cầu xiêm đang cho trái. Đặc biệt, vùng đất phèn và bị ảnh hưởng mặn rất thích hợp loại mãng cầu xiêm ghép trên gốc bình bát giúp cây phát triển mạnh, nhờ vào tính chịu phèn mặn của gốc ghép, có thể chịu được độ mặn 6-10%. Đây là loại cây tốt nhất trong nhóm cây ăn trái. Kỹ thuật trồng cây cách cây 6m, mật độ trung bình từ 70-80 gốc/công. Thông thường, mãng cầu xiêm trồng hơn 2 năm cho trái và cho trái 2 vụ/năm. Vụ thuận vào mùa nắng và vụ nghịch vào mùa mưa.

Cùng với đó, nổi bật lên là mô hình trồng dưa lưới hơn 6.500 m2 trong nhà kính của anh Nguyễn Thanh Tâm (ấp Phước Thạnh, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, Hậu Giang), bước đầu thành công cho thu nhập cao và trên đà phát triển nhân rộng. Anh Tâm cho biết, chịu khó đi nhiều nơi và tham quan nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, anh nhận thấy tiềm năng của cây dưa lưới là rất lớn. Tận dụng diện tích vườn tạp không hiệu quả, anh đầu tư 920 m2 nhà lưới, trồng thử nghiệm 2.400 dây dưa lưới. Sau 72 ngày vườn dưa lưới cho thu hoạch hơn 3 tấn trái, bán với giá 35.000 đồng/kg, thu về hơn 100 triệu đồng/vụ, trừ đi các chi phí lợi nhuận thu được hơn 40 triệu đồng/vụ.

Nhận thấy tiềm năng cây dưa lưới là rất lớn, hiện tại anh đã đầu tư thêm 4 nhà kính với tổng diện tích 2.800 m2. Hiện nay anh chuẩn bị cho xuống giống thêm 5 nhà với tổng diện tích 6.500m2, ước tính sẽ thu về lợi nhuận trên 260 triệu đồng/vụ.

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang, cho biết: Trong bối cảnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, đổi mới khoa học công nghệ là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn hiện nay. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đã góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.

AN KHÁNH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT