web analytics

Giải pháp giúp doanh nghiệp “đứng lên” sau dịch bệnh 17/08/2021

(KDTT) – Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam có mạng lưới tại 63 tỉnh, thành phố với trên 10.000 hội viên, thời gian qua, đã nỗ lực đồng hành cùng Chính phủ, Chính quyền địa phương trong công tác phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh, mặc dù lực lượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, tổn thất nhiều nhất cũng chính là doanh nghiệp, doanh nhân.

Để tiếp tục duy trì, phát triển trong tình hình dịch bệnh kéo dài, mới đây, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 tới Thủ tướng Chính phủ và các Bộ liên quan.

Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam với nhiều hoạt động thiết thực chung tay phòng chống Covid-19

 

Khó khăn chồng chất

Trong bối cảnh cả nước gồng mình chống dịch, mặc dù hoạt động của tổ chức Hội và các doanh nghiệp hội viên gặp rất nhiều khó khăn nhưng Doanh nhân trẻ Việt Nam vẫn phát huy vai trò xung kích trên mọi mặt trận kinh tế – xã hội.  Trong 2 năm qua, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã đồng hành với Chính phủ và nhân dân cả nước trong công tác phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 với nhiều hoạt động thiết thực như: Ủng hộ kinh phí mua kít xét nghiệm nhanh Covid-19, giúp tiêu thụ hàng hoá ứ đọng vì dịch bệnh, gây quỹ trao tặng thiết bị vật tư y tế như máy thở, máy xét nghiệm, kit xét nghiệm nhanh Covid-19, triển khai chương trình ATM gạo,  ATM Oxy, triển khai chương trình ủng hộ 50.000 suất ăn miễn phí cho đồng bào nghèo tại thành phố Hồ Chí Minh, chuyến xe tình nghĩa để chung tay giải quyết những khó khăn, nhanh chóng dập dịch ở các điểm nóng, tuyến đầu.

Đợt dịch lần thứ tư đang diễn ra cho thấy quy mô cũng như mức độ ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với cả ba đợt dịch trước cộng lại, gây nên những thiệt hại nghiêm trọng cho toàn xã hội nói chung, cộng đồng doanh nghiêp nói riêng, nhất là tại các nhà máy, khu công nghiệp, đặc biệt tại khu vực phía Nam và Thủ đô Hà Nội.

Hiện biến thể mới của Covid khiến dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, thời gian qua, chính quyền các địa phương và doanh nghiệp rất nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, bao gồm cả phương thức “3 tại chỗ” với chi phí hàng tỷ đồng để duy trì hoạt động sản xuất. Dù vậy, khó khăn bủa vây khiến rất nhiều doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động trong tâm thế bất an trước nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh.

Trao tặng kit xét nghiệm cho các tỉnh thành trong cả nước

 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2021, có gần 79.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: Gần 40.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; 28.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,6%; 11.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 27,4%.

Đặc biệt trong thời gian gần đây, việc áp dụng các chính sách giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong khâu tổ chức sản xuất, lưu thông hàng hoá.

Khẩn thiết kiến nghị

Thời gian qua, sự chia sẻ, hỗ trợ của Chính phủ với doanh nghiệp để vượt qua khủng hoảng có ý nghĩa rất đặc biệt. Nhiều chính sách “trợ lực” cho các doanh nghiệp đã được Chính phủ ban hành, kịp thời “cứu sống” nhiều doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chính sách chưa thực sự  “đủ liều” hoặc chỉ nằm trên giấy mà chưa thể thực hiện, do thiếu tính thực tế hoặc điều kiện đáp ứng quá chặt chẽ.

Chương trình máy ATM gạo là một sáng kiến nhân văn, thiết thực, hỗ trợ được rất nhiều bà con các vùng dịch trong cả nước

 

Trước thực trạng đó, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khẩn thiết kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban ngành Trung ương liên quan các giải pháp cấp thiết. Đó là đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin toàn dân thông qua các biện pháp như: cho phép các cơ sở y tế tư nhân đủ điều kiện được phép tiêm vắc-xin phòng Covid-19; ưu tiên tiêm vắc-xin cho CBCNV Doanh nghiệp, đội ngũ lái xe, shipper; các công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy đang áp dụng “3 tại chỗ”; Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và một số cơ quan, địa phương xây dựng những quy trình mẫu trong việc tìm kiếm, đàm phán, mua và tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 giữa các cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp; công bố công khai các quy trình mẫu này nhằm giúp doanh nghiệp hình dung và hoạch định tốt hơn những hoạt động của mình trong quá trình phòng, chống dịch; Tạo điều kiện để doanh nghiệp chủ động hợp tác với các đơn vị y tế tư nhân.

Xem xét, đánh giá kỹ quy trình “Vận tải an toàn – Lái xe không tiếp xúc” bởi với việc sử dụng kết quả kiểm tra sàng lọc Covid-19 như giấy thông hành hiện tiềm ẩn nhiều rủi ro, tăng thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp; Chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong việc xây dựng và triển khai các phương án lưu thông hàng hóa, các tuyến đường dự phòng cho vận chuyển hàng hóa, các vùng đệm trao đổi nhân sự…

Xem xét, đánh giá và có quy định lại về quy trình “3 tại chỗ”. Hiện nay, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp khi thực hiện “3 tại chỗ” là cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp không đủ điều kiện đáp ứng công tác phòng chống dịch, chi phí thực hiện lớn, bên cạnh đó quy định, hướng dẫn của các cơ quan liên quan chưa cụ thể, thiếu nhất quán khiến doanh nghiệp lúng túng trong quá trình thực hiện.

Tặng bình oxy cho các bệnh nhân Covid-19

 

Do đó, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan nghiên cứu để các doanh nghiệp, đơn vị, nhà máy tự chủ, quản lý theo bộ quy tắc với các tiêu chí an toàn để không để xảy ra dịch bệnh, vì nếu tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng hàng hóa.

Về các gói tín dụng và lãi suất. Hiện nay, mặc dù Thông tư 03/2021/TT-NHNN đã ban hành nhưng nhiều ngân hàng thương mại thông báo “đã cho vay vượt quy mô vốn ưu đãi cho doanh nghiệp ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19” nên dừng giải ngân, dẫn tới tăng trở lại các khoản lãi suất vay liên quan sản xuất, kinh doanh. Thực tế, ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp và phải đảm bảo mục tiêu lợi nhuận, hiệu quả kinh doanh. Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng đồng loạt giảm mục tiêu lợi nhuận 20%, khoản lợi nhuận giảm này của Ngân hàng sẽ được dùng để giảm lãi suất cho các doanh nghiệp khách hàng của chính Ngân hàng đó, nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn vay cho doanh nghiệp thông qua ngân hàng từ nguồn ngân sách Nhà nước, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực tài chính cần thiết.

Trên cơ sở đó, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách giảm đồng loạt lãi suất mọi khoản vay hiện tại của doanh nghiệp với mức 2% trong ít nhất 1 năm, trong đó đề xuất ngân sách bù 1% và ngân hàng thương mại chịu 1%; Giảm 50% các chi phí liên quan tới ngân hàng (chuyển tiền, phí quản lý tài khoản, phí duy trì tài khoản…), áp dụng cho 12 tháng, từ tháng 7/2021.

Các gói hỗ trợ trước chưa tính tới đợt bùng phát dịch lần thứ 4 nên chưa đủ liều. Vì vậy, đề nghị Chính phủ có thêm những giải pháp mạnh hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới. Cụ thể: Nghiên cứu gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (vốn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong dịch Covid-19, nhưng là nhóm doanh nghiệp năng động và có đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm qua) khoảng 50.000 – 60.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay khoảng 3 – 4%/năm. Thời hạn hỗ trợ lãi suất chỉ trong vòng 1 năm và áp dụng có trọng tâm, trọng điểm cho một số lĩnh vực, ngành nghề, địa phương…

Về thuế, phí, giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp xuống 10% cho tất cả doanh nghiệp đối với kỳ tính thuế của năm 2019, 2020 và 2021; thống nhất thuế suất VAT cho tất cả các mặt hàng từ ngày 1/6/2021 theo mức cụ thể sau:

Áp dụng thuế suất 0% đối với những mặt hàng đang chịu thuế VAT 5%; áp dụng thuế suất 5% đối với những mặt hàng đang chịu thuế 10%; mức thuế suất VAT áp dụng cho tất cả các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu là -10% (tức là xuất khẩu được 100 đồng thì ngân sách cho thoái thêm 10 đồng).

Xem xét các chính sách tài khóa có liên quan tới các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn, cắt, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNCN, tiền thuê đất; đẩy nhanh các biện pháp giúp nhanh chóng lưu thông hàng hóa.

Miễn/hoãn nộp thuế VAT, thuế nhập khẩu đối với thiết bị máy móc chế biến nông sản, kho lạnh trữ nông sản; miễn thuế tiền mặt bằng, nhà xưởng sản xuất ít nhất 6 tháng hoặc đến hết tháng 6/2022.

Giảm chi phí các dịch vụ thiết yếu như mặt bằng nhà xưởng, kho hàng, điện, nước, xăng, viễn thông… với mức từ 10-30%.

Ngoài ra, đề nghị cho gia hạn các dự án bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19

Liên quan đến chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, đề xuất thành lập Ban Nghiên cứu phát triển các giải pháp fintech và đồng tiền kỹ thuật số theo tinh thần Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng và đề xuất đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam được tham gia vào ban này, nhằm tận dụng khả năng sáng tạo và thế mạnh về công nghệ của hơn 10.000 hội viên doanh nhân trẻ.

HOÀNG ANH

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp giúp doanh nghiệp “đứng lên” sau dịch bệnh tại chuyên mục Doanh nhân thời cuộc
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo SK&MT