web analytics

Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chậm do đâu? 03/07/2023

(KDTT) – Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, có 3 nguyên nhân dẫn tới tình trạng giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chậm.

Theo đó, nguyên nhân đầu tiên là do dự án đã được bố trí vốn, đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; chưa hoàn tất ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế…

Thứ hai, dự án thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay. Việc chậm điều chỉnh chủ trương đầu tư dẫn tới chậm ký kết hợp đồng do không đảm bảo nguồn vốn thực hiện, dẫn tới nhiều gói thầu chậm triển khai.

Thứ ba, vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu, hồ sơ có liên quan…

Ông Trương Hùng Long cho rằng, nguyên nhân thứ 3 với các vướng mắc này thuộc trách nhiệm xử lý của ban quản lý dự án, cơ quan chủ quản dự án và các nhà tài trợ.

Ảnh minh họa.

Đại diện đơn vị triển khai, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, năm 2023, tổng số vốn bao gồm cả nguồn vốn trong nước và nguồn vốn nước ngoài được giao của Bộ là hơn 94.000 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được hơn 36%; trong đó tỷ lệ giải ngân nguồn vốn nước ngoài là 30,97%.

Bộ Giao thông vận tải cũng đưa ra kế hoạch trong quý III/2023 sẽ giải ngân thêm tổng số vốn gần 21.700 tỷ đồng, bao gồm hơn 20.800 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn được giao năm 2023 và hơn 855 tỷ đồng thuộc nguồn vốn kéo dài thời gian thực hiện.

Với quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân cả năm là 95%, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân; kiểm tra hiện trường, làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn vướng mắc các dự án còn khối lượng giải ngân lớn, đặc biệt trong giải ngân vốn giải phóng mặt bằng để giải ngân thêm tối đa nguồn vốn đã được giao, ông Nguyễn Anh Dũng nói.

Trao đổi về các giải pháp, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay vốn nước ngoài, vay ưu đãi nước ngoài.

Đối với các cơ quan chủ quản, Bộ Tài chính đề nghị rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án, tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng và các dự án sắp hoàn thành, các dự án sắp hết thời hạn giải ngân theo quy định của hiệp định vay.

Với các bộ là cơ quan chủ quản các dự án Ô (dự án có một cơ quan giữ vai trò chủ quản chương trình, dự án, thực hiện chức năng điều phối chung và các cơ quan chủ quản khác tham gia quản lý, thực hiện và thụ hưởng các dự án thành phần thuộc dự án), đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính đề nghị cần xử lý khẩn trương, triệt để các điều kiện được phép giải ngân khi được cấp có thẩm quyền đồng ý gia hạn thực hiện, gia hạn giải ngân, đồng thời cần sớm nhận diện rủi ro về hiệu quả sử dụng vốn và sớm có biện pháp giảm thiểu rủi ro này khi phải điều chỉnh giảm các hạng mục chính và cắt giảm vốn vay nước ngoài của dự án.

Đối với các chủ dự án, Bộ Tài chính yêu cầu tập trung triển khai các chương trình, dự án để kịp thời có khối lượng cho giải ngân; điều phối, giám sát chặt chẽ thực hiện dự án của các bên liên quan theo các nguồn vốn vay, viện trợ, đối ứng; tuyển chọn tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm thiết kế dự án, đảm bảo đạt chất lượng, phù hợp với thực tế và tránh phải điều chỉnh trong quá trình triển khai. Trường hợp tư vấn do phía nước ngoài thuê tuyển, có kế hoạch giám sát chặt chẽ tiến độ, khối lượng, chất lượng công việc của tư vấn để có biện pháp xử lý ngay khi phát sinh vấn đề.

Ngoài ra, với các địa phương có dự án ODA của các bộ, ngành triển khai cần xử lý các vấn đề vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, tái định cư đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch cho dự án đúng tiến độ.

“Đối với các vấn đề phát sinh thuộc phạm vi trách nhiệm, Bộ Tài chính đã và sẽ tiếp tục chủ động phối hợp triển khai các biện pháp để giải quyết. Bộ Tài chính mong muốn các Bộ ngành với tư cách là cơ quan chủ quản cần theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời các chủ dự án giải quyết các vướng mắc nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân năm 2023”, ông Trương Hùng Long nói.

      • Đại diện Bộ Tài chính cho biết thêm, về tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài, có 5/11 bộ, ngành là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam có giải ngân nhưng số giải ngân tập trung chủ yếu ở 3 bộ là Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam (47,42%), Bộ Giao thông vận tải (30,97%). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (30,56%), 2 bộ còn lại có số giải ngân rất ít, Bộ Tài nguyên và môi trường (4,19%), Bộ Giáo dục và Đào tạo (5,26%). Đối với kế hoạch vốn 2022 kéo dài, kế hoạch vốn nước ngoài năm 2022 của các bộ, ngành được kéo dài sang năm 2023 là 1.042,589 tỷ đồng. Hiện các bộ, ngành đã bắt đầu giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn 2022 kéo dài.

QUANG ĐỨC

Theo KDPT