(KDTT) – Trong phiên giao dịch ngày 21/2, giá vàng rời khỏi mức cao nhất trong 10 tháng dưới áp lực từ hoạt động chốt lời và những tín hiệu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không nới lỏng chính sách tiền tệ như dự đoán trước đó.
Cụ thể, vào lúc 2 giờ 16 phút sáng ngày 22/2 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 1% xuống còn 1.324,70 USD/ounce, sau khi chạm mức 1.346,73 USD/ounce trong phiên trước đó, mức cao nhất kể từ ngày 19/4. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn giảm khoảng 1,5% và được giao dịch ở mức 1.327,80 USD/ounce.
Ông David Meger, một quản lý cấp cao của công ty High Ridge Futures, cho biết phần lớn mọi người đều cho rằng Fed sẽ giữ lập trường nới lỏng tiền tệ đến cuối năm nay. Nhưng trong biên bản cuộc họp chính sách gần đây nhất diễn ra trong hai ngày 29-30/1, Fed cho biết nền kinh tế và thị trường lao động Mỹ đều đang khỏe mạnh, qua đó làm dấy lên những đồn đoán rằng Fed có thể sẽ có ít nhất là một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay.
Giá vàng khá nhạy cảm với chính sách tiền tệ của Mỹ, do lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng đồng thời làm đồng USD tăng giá khiến kim loại quý này trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Ngoài ra, theo ông Jim Wyckoff, chuyên gia phân tích cấp cao của công ty Kitco Metals, hiện có nhiều thông tin cho thấy các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra tốt đẹp, từ đó cho phép nhu cầu đối với các loại tài sản rủi ro hơn quay trở lại thị trường.
Cũng trong phiên này, trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạch kim giảm 0,4% xuống còn 819,50 USD/ounce, trong khi giá bạc cũng giảm gần 1,7% và được giao dịch ở mức 15,76 USD/ounce.
Theo KDPT