web analytics

Dự thảo Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế còn nhiều ưu đãi chưa thực tế 03/11/2021

(KDTT) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Tuy nhiên, qua thực tiễn, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nhận định, quá trình thực thi của Nghị định 82 cho thấy vẫn còn nhiều bất cập cần được sửa đổi.

Chủ đầu tư còn gặp nhiều khó khăn

Theo mục 4 trong Nghị định dự thảo quy định về Khu công nghiệp sinh thái gồm 10 điều từ điều 36 đến điều 45.

Trong đó, Điều 39: “Ưu đãi đối với khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái”, gồm:

  1. Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái được hưởng chính sách ưu đãi quy định tại khoản 1 Điều 32 của Nghị định này (Được miễn giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai; Được cho thuê đất trong thời hạn không quá 70 năm; Được ưu tiên vay vốn tín dụng của Nhà nước, thực hiện các hình thức huy động vốn hợp pháp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, tín dụng và pháp luật có liên quan).
  2. Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái được ưu tiên vay vốn ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và các quỹ, tổ chức tài chính, nhà tài trợ trong nước và quốc tế để xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và cộng sinh công nghiệp.
  3. Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái và doanh nghiệp sinh thái được ưu tiên tham gia các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, chương trình xúc tiến đầu tư do các cơ quan nhà nước tổ chức, quản lý.
  4. Doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái được ưu tiên cung cấp thông tin có liên quan về thị trường công nghệ, khả năng hợp tác để thực hiện cộng sinh công nghiệp trong lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
  5. Khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái được hưởng các ưu đãi theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này và quy định của pháp luật có liên quan kể từ thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận là khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái”.

Tuy nhiên, xét từ điều kiện thực tế, những ưu đãi trên không thiết thực với nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp trong khu công nghiệp, chưa đủ khuyến khích nhà đầu tư phát triển theo mô hình khu công nghiệp sinh thái và các doanh nghiệp phát triển theo mô hình doanh nghiệp sinh thái.

Tại Điều 41: “Trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký chứng nhận khu công nghiệp sinh thái”:

  1. Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp lập 06 bộ hồ sơ đăng ký chứng nhận khu công nghiệp sinh thái gửi Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.
  2. Hồ sơ đăng ký chứng nhận khu công nghiệp sinh thái do nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp đề xuất bao gồm:
  3. Văn bản đăng ký chứng nhận khu công nghiệp sinh thái;
  4. Báo cáo về tình hình hoạt động và thu hút đầu tư của khu công nghiệp;
  5. Tài liệu chứng minh việc đáp ứng các quy định tại Điều 37 của Nghị định này;
  6. Các tài liệu khác có liên quan đến khu công nghiệp (nếu có).
  7. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng
  8. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến về việc đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 37 của Nghị định này.
  9. Trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế tổ chức đánh giá hồ sơ và lập báo cáo đánh giá về việc đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 37 của Nghị định này.

Trong quá trình tổ chức đánh giá, Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận khu công nghiệp sinh thái cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.

  1. Trường hợp kết quả đạt yêu cầu, Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận khu công nghiệp sinh thái cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.
  2. Trường hợp kết quả đánh giá không đạt yêu cầu, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả đánh giá, Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết và nêu rõ lý do không đạt yêu cầu”.

Để khu công nghiệp được công nhận là khu công nghiệp sinh thái, ngoài đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 37 của Nghị định, chủ đầu tư phải qua nhiều bước, nhiều thủ tục mới được công nhận là khu công nghiệp sinh thái. Từ trình hồ sơ đăng ký chứng nhận khu công nghiệp sinh thái lên Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Ban quản lý gửi hồ sơ lấy ý kiến của 6 bộ ngành (Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng). Sau khi xin ý kiến của các bộ, ngành, trong trường hợp đạt Ban quản lý tổng hợp báo cáo UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận khu công nghiệp sinh thái. Như vậy quá trình thẩm định hồ sơ công nhận khu công nghiệp sinh thái phải thông qua nhiều bộ, ban, ngành ngây khó khăn cho chủ đầu tư khu công nghiệp.

Ảnh minh họa.

 

Tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp

Khu công nghiệp sinh thái là mô hình khu công nghiệp tương lai hướng tới việc phát triển kinh tế gắn liền với việc bảo vệ môi trường, không những mang lại nhiều giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp mà còn đóng góp to lớn trong việc giảm thiểu tác động của các dự án sản xuất tới môi trường, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Trong luật môi trường 2020, Điều 142 quy định về kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Chính phủ khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước. Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển.

Theo những chính sách ưu đãi đầu tư, trình tự thủ tục công nhận khu công nghiệp sinh thái được quy định trong nghị định chưa đủ khuyến khích các nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp phát triển theo mô hình khu công nghiệp sinh thái, mô hình kinh tế tuần hoàn. Vì vậy , ngoài những đề xuất chung về ưu đãi cho khu công nghiệp sinh thái theo quy định của pháp luật hiện hành, xin được đề xuất các ưu đãi cụ thể đối với khu công nghiệp sinh thái sẽ tương tự như Khu kinh tế, cụ thể đề xuất như sau:

  1. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp: Thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, miễn thuế 04 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo. Thời gian áp dụng miễn giảm theo quy định chung của pháp luật hiện hành.
  2. Ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước: Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho toàn bộ thời hạn thuê đối với KCNST.
  3. Ưu đãi về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: Miễn tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho toàn bộ thời hạn của dự án.
  4. Ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu: Ưu đãi chung theo quy định pháp luật hiện hành.

Ngoài những ưu đãi trên, cũng đề xuất giảm bớt thủ tục hành chính, công nhận khu công nghiệp sinh thái cụ thể bộ hồ sơ xin công nhận khu công nghiệp sinh thái do chủ đầu tư đề xuất được thẩm định tại Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế và các sở ngành liên quan và trình UBND tỉnh, thành phố ban hành giấy chứng nhận khu công nghiệp sinh thái.

THU ANH

Bạn đang đọc bài Dự thảo Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế còn nhiều ưu đãi chưa thực tế tại chuyên mục Kinh tế.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo KDPT