web analytics

Du lịch văn hóa, ẩm thực, di sản của Việt Nam đứng đầu châu Á 05/11/2020

(KDTT) – Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) vừa công bố kết quả bình chọn Giải thưởng khu vực châu Á năm 2020. Việt Nam vinh dự được bình chọn là Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á, Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á.

Năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam được bình chọn là Điểm đến di sản hàng đầu châu Á 

Được ví như giải Oscar của ngành Du lịch thế giới, World Travel Awards là hệ thống giải thưởng được mong đợi nhất trong năm của những người làm du lịch trên khắp thế giới. Năm nay, Việt Nam đạt giải thưởng cao nhất khu vực ở 3 hạng mục nói trên. Đây là lần thứ 2 liên tiếp Việt Nam giành giải thưởng ở những hạng mục điểm đến văn hóa, di sản, ẩm thực.

Ấn Độ, quốc gia đã chống lại sự cạnh tranh gay gắt của những điểm đến nổi tiếng châu Á khác để trở thành Điểm đến hàng đầu châu Á năm 2020. Trong khi Philippines được công nhận là Điểm đến bãi biển hàng đầu châu Á và Điểm đến lặn biển hàng đầu châu Á; Sri Lanka đạt danh hiệu Điểm đến du lịch mạo hiểm hàng đầu châu Á.

Trong lĩnh vực lưu trú, Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort hoành tráng của Việt Nam đã được trao tặng danh hiệu Khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu Châu Á và Khu nghỉ dưỡng xanh hàng đầu Châu Á. Trong khi đó với sự pha trộn đầy mê hoặc của thời trang cao cấp Indochine của Pháp trong khung cảnh núi non đã khiến Hotel de la Coupole, MGallery Sapa được bình chọn là Khách sạn có thiết kế hàng đầu châu Á. Premier Village Ha Long Bay Resort, Việt Nam được bình chọn là Khu nghỉ dưỡng mới hàng đầu châu Á.

Với việc nâng cấp đội bay, Vietnam Airlines giành danh hiệu Hãng hàng không hàng đầu Châu Á – Hạng phổ thông. Vietravel lại tiếp tục trở thành Nhà điều hành tour hàng đầu Châu Á.

Đây là những kết quả có được sau cuộc tìm kiếm kéo dài một năm cho các thương hiệu du lịch, lữ hành, hàng không, du thuyền và khách sạn hàng đầu thế giới. Các cuộc bình chọn được thực hiện bởi các chuyên gia trong ngành Du lịch và công chúng, khách du lịch trên khắp thế giới.

Ẩm thực là một trong những thế mạnh của du lịch Việt Nam

Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang hoàn thiện Đề án “Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hoá” trình lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt. Báo cáo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng về Đề án này, đại diện Tổng cục Du lịch cho biết: “Du lịch văn hoá hiện đang là 1 trong 4 dòng sản phẩm du lịch quan trọng của Việt Nam, thu hút đông đảo khách du lịch quốc tế, gồm du lịch: văn hoá, biển đảo, sinh thái, thành phố. Trong đó, du lịch văn hoá được xác định là loại hình du lịch quan trọng, có sức hấp dẫn, góp phần cho sự phát triển bền vững của ngành Du lịch. Xu hướng dòng khách quốc tế từ các thị trường du lịch tiềm năng quan tâm tới các điểm du lịch gắn với các sản phẩm du lịch văn hoá ngày càng tăng. Tuy nhiên, để xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch văn hoá đặc sắc, cần nỗ lực nhiều hơn nữa và sáng tạo đổi mới để có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách”

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: “Mặc dù có rất nhiều tài nguyên du lịch nhưng trong Đề án này, ngành Du lịch tập trung xây dựng thương hiệu gắn với di sản và ẩm thực. Đây là 2 tài nguyên thế mạnh để phát triển du lịch của Việt Nam và có thể khai thác ngay được, có khả năng thu hút được số đông người tham gia”.

Đề án “Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hoá” nằm trong kế hoạch của ngành VHTTDL thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8.9.2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp Văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hoá được cho là thực sự cần thiết nhằm tạo bước phát triển đột phá trong công tác xây dựng sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị ngày 16.1.2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch. Việc “xây dựng và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Kết hợp sử dụng nguồn lực của Nhà nước và huy động sự tham gia của toàn xã hội trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch” là nội dung đặc biệt nhấn mạnh.

Việt Nam đang phát huy khá tốt lợi thế về di sản để phát triển du lịch nhưng riêng ẩm thực, yếu tố được đánh giá có thể tạo nên sự đột phá của Du lịch Việt Nam, biến Việt Nam thành bếp ăn của thế giới thì lại chưa khai thác tốt.

Văn hóa độc đáo của Việt Nam có sức hút lớn với du khách quốc tế

Mục tiêu phát triển thương hiệu quốc gia cho du lịch văn hoá Việt Nam mà Đề án đề cập là định vị thương hiệu du lịch văn hoá dựa trên giá trị đặc sắc về di sản và ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng giá trị cao và được thị trường ưa chuộng. Cụ thể là đến năm 2030, ngành du lịch văn hoá sẽ chiếm 15-20% trong tổng số khoảng 40.000 triệu đô la Mỹ doanh thu từ khách du lịch. Đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Việt Nam sẽ có nhiều sản phẩm du lịch văn hoá đặc sắc mang thương hiệu quốc gia với chất lượng dịch vụ vượt trội, được đầu tư công phu, tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu, làm hài lòng du khách trong và ngoài nước, khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế. Thương hiệu quốc gia cho du lịch văn hoá Việt Nam sẽ được mở rộng, ghi nhận tại các thị trường mục tiêu và truyền thống như: Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Tây Âu, Bắc Mỹ, New Zeland, Đông Âu, Bắc Âu và thị trường mới Trung Đông.

Nội dung phát triển thương hiệu quốc gia cho du lịch văn hoá Việt Nam sẽ tập trung vào quảng bá thương hiệu du lịch văn hoá; hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch di sản, ẩm thực; đổi mới chính sách khuyến khích du lịch di sản, du lịch ẩm thực.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu: “Đề án phải làm sâu sắc hơn các nội dung phát triển, giá trị cốt lõi, vai trò của thương hiệu du lịch văn hoá; nêu rõ thực trạng, những tồn tại, hạn chế trong việc khai thác du lịch di sản, ẩm thực, đồng thời đưa ra những giải pháp cụ thể, đồng bộ. Từ đó, từng bước phát triển thương hiệu quốc gia cho du lịch văn hoá Việt Nam nhằm tạo dựng hình ảnh, nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản phẩm du lịch văn hoá Việt Nam trên thị trường thế giới”. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh vào yếu tố con người và giải pháp đào tạo nâng cao nhận thức về phát triển, xây dựng thương hiệu du lịch văn hoá, vì nếu không nhận thức được, không nắm được cơ hội thì rất khó để phát triển bền vững”.

BẢO AN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT