Ngân hàng Nhà nước dự tính có đến trên 90% ngân sách gói hỗ trợ không thể đến tay doanh nghiệp

Gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng có hiệu lực đến hết 31/12/2023, tức là chỉ còn bốn tháng nữa. Ngân hàng Nhà nước dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế đến hết năm nay cũng chỉ đạt khoảng 2.570 tỷ đồng, tương đương chưa đến 6,5% tổng gói, tức là có đến trên 90% ngân sách hỗ trợ khó có thể giải ngân, không thể đến được tay doanh nghiệp.

Lý giải nguyên nhân kết quả giải ngân gói hỗ trợ này quá thấp, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhiều nguyên nhân, chủ yếu liên quan tới đối tượng hỗ trợ.

Theo đó, một số khách hàng đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất do lo ngại thanh tra, kiểm tra, nhất là các doanh nghiệp. Khách hàng cũng lo ngại trong trường hợp sau này bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất thì rất khó xử lý, vì lúc đó số tiền này đã hạch toán lợi nhuận/chia cổ tức cho cổ đông.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, một số khách hàng đã được nhận hỗ trợ lãi suất, nhưng sau đó đã chủ động hoàn trả ngân hàng thương mại toàn bộ số tiền lãi đã được hỗ trợ lãi suất.

Theo quy định, doanh nghiệp muốn được giảm lãi 2% phải chứng minh được khả năng phục hồi, khả năng trả nợ. Vì vậy, với khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp nhỏ khó có thể đáp ứng được yêu cầu này.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, kết quả hỗ trợ lãi suất chưa như kỳ vọng là do một số vướng mắc như tâm lý e ngại thanh, kiểm tra của doanh nghiệp, họ cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí phải bỏ ra khi theo dõi hồ sơ, chứng từ, thủ tục hậu kiểm.

Ngày 11/1/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 quy định một số chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có gói tín dụng ưu đãi lãi suất 2% với nguồn kinh phí từ ngân sách 40.000 tỷ đồng được kỳ vọng là “phao cứu sinh” để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhưng đến nay tỷ lệ giải ngân của gói tín dụng này vẫn rất thấp.
Theo KDPT