Theo dự báo của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), có tới 23% doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động được tới hết quý III và chỉ khoảng 43% doanh nghiệp có thể “trụ” được đến hết năm nay.

Quan sát thị trường trong bối cảnh này có thể thấy, trên thị trường bất động sản xuất hiện nhiều động thái trái chiều từ các doanh nghiệp.

Cụ thể, khi hầu hết các chủ đầu tư tập trung đẩy mạnh bán hết giỏ hàng cũ, một số chủ đầu tư tiếp tục quan sát, thăm dò thị trường trước khi tung sản phẩm mới, thì một số ít chủ đầu tư tranh thủ thị trường khan hiếm nguồn cung mới để giới thiệu thông tin dự án mới.

Ngoài ra, trong quá trình tái cấu trúc chi phí, nhiều doanh nghiệp chuyển đổi định phí sang biến phí, dịch chuyển từ mô hình trả lương cứng cho nhân viên kinh doanh sang mô hình trả lương theo sản phẩm giao dịch thành công, phát triển mô hình cộng tác viên. Đa dạng hóa sản phẩm và ngành nghề kinh doanh, đa dạng phân khúc sản phẩm phân phối.

Đồng thời, mở rộng kinh doanh thêm các dịch vụ mới trong hệ sinh thái bất động sản như tư vấn thiết kế nội thất, môi giới cho thuê, môi giới thứ cấp, quản lý tài sản,… Thậm chí là mở rộng kinh doanh thêm dịch vụ mới: mở quán cà phê, môi giới du học, môi giới xuất khẩu lao động,…

Một số ít doanh nghiệp môi giới đang tăng cường tuyển dụng nhân viên kinh doanh và tranh thủ cơ hội chiếm thị phần.

Bên cạnh đó, khi số đông đơn vị môi giới đã “bị bỏ lại” sau 1 năm quá nhiều thách thức. Một số khác hoạt động cầm chừng, cố “gồng”, chờ đợi diễn biến tiếp theo của thị trường thì một số ít doanh nghiệp môi giới đang tăng cường tuyển dụng nhân viên kinh doanh và tranh thủ cơ hội chiếm thị phần.

Đơn cử như chiến dịch chiêu mộ nhân tài mới đây của Vichomes. Sau khi khởi động chiến dịch “Khởi nghiệp cùng Vichomes” tìm kiếm 20 Chủ tịch HĐQT của 20 công ty con trực thuộc hệ thống, Công ty này tiếp tục tuyển dụng hơn 500 nhân sự phát triển kinh doanh bất động sản, gồm 20 Giám đốc, 20 Trưởng phòng và 400 Nhân viên kinh doanh; 01 Giám đốc Tài chính (01 Kế toán trưởng và 09 nhân viên kế toán), 01 Giám đốc Nhân sự (01 Trưởng phòng và 26 nhân sự chuyên môn), 01 Giám đốc Marketing (01 Trưởng phòng và 10 nhân viên).

Tại vị trí Giám đốc kinh doanh sẽ được Chủ tịch HĐQT các công ty thành viên tặng 15% cổ phần công ty và mức lương cơ bản là 20 triệu đồng/tháng. Vị trí Trưởng phòng kinh doanh sẽ được Chủ tịch HĐQT các công ty thành viên tặng 5% cổ phần công ty và mức lương áp dụng là 15 triệu đồng/tháng. Vị trí Nhân viên kinh doanh, ngoài nguồn hàng phong phú và hoa hồng cao, lương cơ bản được áp dụng là 9 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, các vị trí cấp cao khác như Giám đốc Tài chính, Giám đốc Nhân sự, Giám đốc Marketing cũng ghi nhận chính sách lương thưởng hấp dẫn. Ngoài chế độ phúc lợi theo quy định, quỹ lương thưởng ở các vị trí từ 60 đến 80 triệu đồng/tháng. Các vị trí nhân viên chuyên môn của các phòng ban khác cũng ghi nhận mức lương hấp dẫn.

Doanh nghiệp này cho biết, việc tuyển dụng nhân tài quy mô lớn nhằm hướng tới việc phân phối toàn bộ quỹ hàng. Bên cạnh đó, Vichomes cũng liên tục mở rộng quỹ hàng và sản phẩm mới, hướng tới những mục tiêu doanh thu luôn tăng trưởng cao qua các năm.

Ở chiều ngược lại, theo thuyết minh báo cáo tài chính của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG), số lượng nhân sự của Đất Xanh tại thời điểm 30/6/2023 ghi nhận 2.390 người, nhích thêm 1 người so với thời điểm cuối quý I và giảm 1.383 người so với thời điểm đầu năm 2023. Đây là số nhân sự thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây tại DXG.

Trên thực tế, kể từ thời điểm thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng từ đầu năm 2022 kéo dài đến năm 2023 đã khiến lượng lớn môi giới bất động sản “lao đao”. Theo đó, thị trường chứng kiến làn sóng bỏ nghề của hàng loạt môi giới.

Theo VARS, hoạt động môi giới suy yếu có nguyên nhân từ sụt giảm giao dịch. VARS đánh giá triển vọng nghề nghiệp của môi giới bất động sản là rất lớn. Tuy nhiên, đây cũng là một ngành nghề rất khó, nhiều thách thức do tính cạnh tranh cao.

Dữ liệu của VARS cho thấy, ước lượng số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30-40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn.

Thực tế cho thấy, câu chuyện làn sóng sa thải nhân viên môi giới vừa qua chủ yếu vẫn tập trung ở nhân sự mới, chưa gắn bó lâu năm với nghề, còn đa phần các doanh nghiệp vẫn phải giữ lại nhân sự cứng, đủ năng lực. Bởi lẽ giai đoạn này các nhà đầu tư sẽ có yêu cầu khắt khe hơn đối với các môi giới để tìm ra hướng đi đầu tư đúng đắn của mình trong giai đoạn này. Do đó, các môi giới tay non, tay ngang sẽ khó cạnh tranh với những người có kinh nghiệm, đã được đào tạo bài bản và có uy tín trong các hoạt động môi giới của mình.

Theo KDPT