M&A bất động sản được dự báo sẽ tăng mạnh từ quý II/2023 trong bối cảnh các chủ đầu tư trong nước khó khăn về nguồn vốn, thủ tục và pháp lý kéo dài.

Thông tin từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng chỉ ra, số lượng nhóm đầu tư ngoại quan tâm tìm hiểu hoạt động sáp nhập – mua lại (M&A) dự án bất động sản BĐS tăng mạnh. Trong khi đó cũng có rất ít nhà đầu tư BĐS trong nước còn khả năng thu xếp được dòng vốn để mua trong bối cảnh thanh khoản sụt giảm, chi phí tài chính tăng cao.

Theo VARS, M&A được đánh giá là “phao cứu sinh” cho các nhà phát triển BĐS “khát” vốn. Khách hàng của các thương vụ mua bán phần lớn là nhà đầu tư đến từ các nước như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan… Chỉ có một số ít doanh nghiệp Việt Nam, có đủ tiềm lực để tham gia cuộc chơi với các thương vụ quy mô vừa và nhỏ.

Keppel Land, Frasers, WHA, Central Retail… là những tên tuổi ngoại đã và sẽ tìm kiếm cơ hội M&A ở các phân khúc bất động sản thương mại, nhà ở và công nghiệp. Ngoài các doanh nghiệp trong ngành, các nhà đầu tư từ các lĩnh vực khác cũng đang tìm kiếm cơ hội gia nhập và mở rộng danh mục đầu tư sang ngành bất động sản.

Một vài thương vụ M&A của doanh nghiệp ngoại đáng chú ý như Tập đoàn Keppel (Singapore) đã công bố chi khoảng 3.180 tỷ đồng mua cổ phần hai dự án Emeria (6 ha) và Clarita (5,8 ha) ở TP Thủ Đức của Khang Điền. Qua đó, nhóm Keppel sở hữu 49% cổ phần trong hai dự án, Khang Điền nắm 51% còn lại.

Ngoài ra, Tập đoàn Keppel (Singapore) cũng sở hữu 60% cổ phần ba lô đất có tổng diện tích 6,2 ha tại đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh của CTCP Địa ốc Phú Long.

Hay như Tập đoàn CapitaLand (Singapore) chi khoảng 1,5 tỷ USD mua lại một phần dự án Ocean Park 3 tại huyện Văn Giang, Hưng Yên hoặc một phần dự án khác ở phía bắc TP Hải Phòng của Vinhomes. Ngoài ra, Tập đoàn này cũng chi 716 triệu USD để sở hữu quỹ đất tại TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.

Theo số liệu đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu mới đây, lĩnh vực bất động sản là một trong các lĩnh vực thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Lũy kế trong 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, cả nước đã thu hút được hơn 37.500 dự án với tổng vốn đầu tư đạt gần 450 tỷ USD, trong đó đầu tư vào lĩnh vực bất động sản có 1.100 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 66,4 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư. Trong đó, bất động sản là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút đầu tư, sau lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.

Đã có 48 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, dẫn đầu là Singapore, tiếp theo là Hàn Quốc, British VirginIslands và Nhật Bản. Về địa phương đã có 45 tỉnh/thành phố có đầu tư FDI vào lĩnh vực bất động sản, trong đó TP. HCM dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 16 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Hà Nội, Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu.

Về quy mô dự án, phần lớn doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô lớn, với hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng hơn. Nhiều dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản có quy mô lên đến hàng tỷ USD.

Đưa ra dự báo về thị trường M&A thời gian tới, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho rằng, hoạt động M&A sẽ tiếp tục sôi động. Các thương vụ hoàn tất bước thăm dò, khảo sát trong quý II sẽ tiếp tục chuyển sang bước đàm phán, thương lượng trong quý III. Đầu quý IV, rất có thể thị trường sẽ chứng kiến một vài thương vụ thành công đầu tiên, tuy nhiên, số lượng sẽ không nhiều và giới hạn ở các dự án quy mô nhỏ với pháp lý cơ bản hoàn thiện.

“Các thương vụ quy mô vừa và lớn sẽ tiếp tục duy trì quá trình đàm phán đến hết quý IV/2023 thậm chí kéo dài sang quý II/2024. Khi M&A đạt được thành công sẽ góp phần cải thiện nguồn cung. Các dự án dang dở gặp được chủ đầu tư có tiềm lực tài chính sẽ nhanh chóng được tái khởi động. Các chủ doanh nghiệp thu được tiền từ M&A cũng có nguồn để quay lại thực hiện các dự án còn giữ lại”, ông Đính cho hay.

Theo KDPT