Điều thiêng liêng ấy đã luôn hiện hữu, vỗ về và không ngừng tiếp thêm hy vọng để ta có thể vừa đi trong ký ức, vừa hướng tới tương lai rồi căng mở mọi giác quan đón sự chuyển giao đầy ý nghĩa.

Đón Tết trong rộn ràng ký ức
Nhà thơ Lữ Mai

Ngày xưa chờ Tết…

Tôi nhớ cái xóm nhỏ nép mình bên núi đồi quê tôi, giáp Tết bao giờ cũng nồng nàn, the the hương bưởi, hương cam tỏa ra từ mỗi góc vườn. Cây bưởi đào ngay chái nhà, cành lá xum xuê chạm vào khung cửa sổ gian buồng bà ngoại tôi. Bà hay ngồi mé giường bổ cau, têm trầu, phết vôi… Bao nhiêu mùa xuân đi qua, từ lúc lưng bà chưa còng cho tới khi miệng móm mém, bà vẫn ngồi đó, từ tốn nghiền cái cối giã trầu bằng đồng bé tẹo trong lòng bàn tay.

Quãng ấy, trẻ con đã được nghỉ học, chạy lăng xăng từ nhà chạy túa ra đường đợi Tết. Tết thì đã có lịch, biết thế nhưng vẫn cứ ngóng xem nhà mình, nhà hàng xóm đã sắm sửa được những gì, đủ Tết hay chưa. Sương sớm từ dãy đồi sau làng tràn xuống cánh đồng trơ gốc rạ, bò lan lên con đường hoa dại tim tím. Cứ như thể bước chân trẻ chạy tới đâu, sương sẽ tan dần, nắng mơ màng chiếu rọi. Từng vầng sáng dịu dàng, dịu êm, ấm áp. Cũng bởi là giống bưởi đào nên những quả cuối cùng đúng vụ đã được nhà tôi trẩy từ Rằm tháng 8. Năm nào bà cũng sốt ruột giục cháu mang chút vôi sang vườn hàng xóm phết lên cuống những quả đẹp nhất để đánh dấu, còn có bưởi bày ngũ quả. Dặn dò cháu kỹ rồi, bà vẫn chống gậy sang lần nữa: “Nhà tôi đặt trước bác rồi đấy nhé”!

Đón Tết trong rộn ràng ký ức
Hoa thược dược được coi là sứ giả của xuân, của Tết.

Mẹ tôi thường bảo, chờ Tết mà thiếu hoa thược dược thì nhạt lắm. Củ, mầm, thân già… của loài hoa đợi xuân vốn được mẹ và các chị họ tôi chuẩn bị từ nhiều ngày tháng trước đó, tính toán kỹ lưỡng để khi ươm xuống, trổ bông thì Tết đến là vừa. Cả năm tất bật với ruộng đồng, những ngày giáp Tết mẹ tôi mới có dịp ngắm hoa, bình luận: Tròn đầy, cân đối nhất phải kể tới giống hoa thược dược tía, cánh có pha chút sắc trắng. Thược dược đỏ rực rỡ màu pháo nhưng bông nhỏ hơn. Thược dược vàng là giống hơi khó ưa, ươm mười củ may ra được vài ba khóm. Biết thế, cơ mà thiếu thược dược vàng thì sắc xuân không bừng lên được. Màu tím xen sắc tía, sắc đỏ… vẫn như thiếu tia nắng non trong trẻo hồn nhiên. Tôi nhớ dáng mẹ ngồi bên bể nước cắt tỉa, cho hoa “uống” no nước bằng cách cắm ngập trong chiếc thùng lớn rồi mới cắm vào đôi lọ lộc bình. Xong việc, mẹ thường xay bột nếp, hong khô, từng nong từng mẹt tròn xoe bày kín khoảng sân hút gió. Lũ trẻ chúng tôi vẫn mê mải với những con đường đất. Đường ruộng kẻ dọc, kẻ ngang như bàn cờ, cỏ ba lá ken dày, lên bông mảnh mai gầy guộc. Đường đê nhiều lỗ dế, châu chấu voi và đàn bươm bướm trắng rập rờn bay nương theo gió. Bố tôi, trong chuỗi ngày chờ đợi thường ra bờ sông, bắc loa tay gọi bạn. Đồng đội từ thời nhập ngũ với ông đang ngồi trên chiếc thuyền con con gõ mái chèo đuổi cá vào lưới. Chiếc thuyền chậm rãi từ khoảng xa xa trôi dần về bờ. Ông gọi đồng đội lên uống chung ấm trà ngon, dành dụm mãi gần Tết hoặc ngày Tết mới mang ra uống.

Chờ Tết, như đã thành lệ, làng tôi luôn tát ao. Thanh niên trai tráng mang gầu sòng, xô chậu đi từ sáng sớm, tới non trưa nước đã vơi, người các nhà gác lại việc cùng ra phụ giúp. Trẻ con líu ríu trên bờ không thôi chỉ trỏ: Chỗ này cá to, chỗ kia có tổ nhà cá chuối, chắc chắn ao làng còn có chép vàng… Ao cạn, bao giờ đoạn bờ ao dưới gốc những cây to cũng lộ ra nhiều hang hốc cá. Những ngày đó, thể nào mẹ tôi cũng đồ một chõ xôi, nấu ấm chè xanh. Gạo nếp dành dụm suốt năm chờ Tết đến gói bánh chưng, đồ xôi và ngày tát ao là việc đầu tiên cần đến thứ gạo nếp quý báu được trồng trọt, sàng sảy chu toàn. Chè xanh bà ngoại hái trên đồi, vừa hái vừa dạy cháu phải chọn lá già cong, hơi ngả sắc vàng, khi nấu nước mới đượm hương và ngọt hậu. Chuyện làng chuyện nước, chuyện buôn tàu bán bè, buôn thúng bán mẹt… xôn xao trong tiếng nước xối xả từ gầu sòng đổ ra kênh mương, trong hơi bùn hoai nồng, ngai ngái…

Đón Tết trong rộn ràng ký ức
Mỗi khi Tết đến xuân về sao có thể thiếu đi câu chuyện hướng về cội nguồn, ký ức của mỗi con người.

Thuở quê còn nghèo khó, nếu không tát ao, sao mà có Tết. Những con cá to nhất, khỏe nhất sẽ được nuôi tiếp trong chum nước, chờ tới hăm ba cúng ông Công ông Táo mới được mang ra chế biến trên mâm cỗ và tiếp tục cho những ngày sau. Chủ yếu vẫn là cá kho, cá rán… Tôi thường thích ngắm nghía những con cá chép rán, khúc trắm đen kho trên mâm cỗ hơn là ăn. Nếu để ăn, lại cứ nhớ hương vị tép kho lá gừng lá nghệ, cá diếc kho lá phèn đen… Đó là những mớ “đòng đong cân cấn” mà cả đám trẻ con nháo nhào lao xuống ao cạn để “hôi” sau khi người lớn xong công việc. Chỉ loanh quanh bờ ao nhỏ một lúc là kiếm đủ lá cho món kho rồi. Gừng, nghệ bao giờ cũng được trồng ở tít bờ ao mạn cuối vườn, đang đơm bông rực rỡ. Lá phèn đen đã điểm xuyết những quả già chín rục, phải vin cành nào trên cao, lá còn bánh tẻ, hứng chiếc rổ mây vào mà tuốt. Cũng có khi, sợ cháu sẩy chân, bà ngoại bảo tôi lên đồi kiếm lá găng lót đáy nồi. Chỉ chờ có thế, chúng tôi chui cả vào bụi găng đầy gai hái quả già, rồi lại xuống cầu ao bóp từng quả, bọt găng nổi lên trắng xóa như xà phòng giặt giũ, cứ thể thổi tung cho bay khắp không gian, xao động những vầng mây xam xám in bóng nước.

Giữ lửa sum vầy

Nơi phố xá, gia đình tôi thích chọn hoa Tết ở Hàng Lược, khu chợ nhỏ được hình thành từ những năm đầu thế kỷ XX, lâu đời bậc nhất Kinh Kỳ. Thời nhà Lê, Hàng Lược nguyên là đất thôn Phủ Từ và thôn Vĩnh Trù, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân) huyện Thọ Xương cũ, chuyên làm lược chải đầu. Đến năm 1912, con phố nhỏ này thành chợ hoa xuân nức tiếng với vô vàn chủng loại, từ đào Quảng Bá, Nhật Tân, cúc Ngọc Hà đến các loại hoa mới ở khắp nơi. Từ đây, hoa Tết tươi tắn trong ngần theo các gánh hoa, xe hoa kéo sang tận Hàng Chai, Hàng Mã, Hàng Đồng…

Tết ở phố hay quê nhà của chúng tôi với cha mẹ già trông ngóng… dầu có thế nào vẫn xuyên suốt một niềm ấm nồng, yêu thương và vị tha tới tận cùng.

Tết ở phố hay quê nhà của chúng tôi với cha mẹ già trông ngóng… dầu có thế nào vẫn xuyên suốt một niềm ấm nồng, yêu thương và vị tha tới tận cùng.

Ngoài hoa đào, đẹp nhất ở Hàng Lược phải kể đến hải đường. Trong những chiếc chum to, bao nhiêu cành hoa tươi ròng sức sống, cánh hoa khum khum đỏ rực gợi cảm giác thật mạnh mẽ, khoan thai. Vẫn gặp những cụ già quắc thước từ đâu trong phố ra đây chọn hải đường. Lắm khi, các cụ rủ nhau đi theo nhóm, có uống trà sáng xong mới thong dong ra chợ. Gặp năm thời tiết đổi mùa, hải đường kém sắc, các cụ sẵn sàng về tay không. Điều gì có thể che giấu, tỉa tót… riêng hoa, mà lại là hoa Tết thì giấu sao nổi. Hoa còn xen các gian hàng bày bưởi hồ lô, phật thủ… các bà, các chị thay nhau soi từng tăm bưởi, tay phật thủ có ưng con mắt hay không. Đôi khi, tôi có cảm giác người ta ra chợ như để hưởng năng lượng ấm lành, chứ không hẳn thiên về sự sở hữu. “Chợ hôm nay thế nào ông?”; -“Thủy tiên đẹp lắm, nhất là thủy tiên vàng”; “Thế sao không mua?”; -“À, ngắm người ta mua được nó thú vị hơn”. Cuộc đối thoại của cụ ông, cụ bà bên hàng xóm khiến lòng tôi nao nức. Mùa xuân dường như thiêng liêng hơn với những người già bởi họ luôn đắm chìm trong ký ức và tin hơn vào sự sống đang ánh lên từ sắc vóc mùa xuân thấm vào hoa cỏ, lá cành.

Đón Tết trong rộn ràng ký ức
Sự sống đang ánh lên từ sắc vóc mùa xuân thấm vào hoa cỏ, lá cành.

Giáp Tết, gia đình tôi thích chở nhau bằng xe máy, đến những ngôi làng ven đô, dọc sông Hồng, lướt qua những rẻo chợ đầy ngẫu hứng. Một bà cụ sáng dậy bỗng thấy khu vườn trổ đầy hoa thược dược bèn tỉa được dăm ba bó cắm cuống vào chậu nước đặt đầu ngõ, ai mua cứ hỏi vọng vào. Một bác bán hàng không chuyên muối dưa hành tiện thể làm dư thêm vài hũ trắng nõn để trước cửa nhà, ai mua cứ hỏi. Vài hàng chả, rau củ tự vun trồng, gói ghém cứ thế bày biện dọc xóm nhỏ. Ngót chục hộ gia đình ở phố tôi chung sở thích cắm thược dược đủ màu xen violet tím, chọn những cành đào thanh thoát bé xinh, những chậu quất bon-sai lúc lỉu chỉ vài chục quả xanh chín, nụ hoa, chồi lá. Trước ban công khu tập thể cũ là những chiếc rổ mây tre hong đầy măng miến, mộc nhĩ, bột nếp… Trông gọn ghẽ đơn sơ vậy nhưng tất cả đã được được tính toán sao cho vừa vặn cỗ bàn từ mâm cúng ông Công ông Táo hăm ba tháng Chạp cho tới tận mùng bốn Tết.

Ở phố, mà lại là thời buổi bây giờ, chuyện ăn uống thành ra thuận tiện. Tiện trong sự cầu kỳ, lễ nghi nhất định. Loanh quanh phố cổ biết bao nhiêu cái chợ, chưa kể siêu thị, hàng quán, hệ thống “chợ di động” với người cắp mẹt, đẩy xe, gánh gồng bán đủ từ tôm, cua, thịt, cá đến rau củ quả theo mùa, trái mùa… ấy vậy mà những người phụ nữ đảm đang, sành sỏi nhất vẫn cứ ghé chợ Hàng Bè mới vừa lòng. Con phố không quá dài, chỉ vài trăm mét, chạy dọc từ Gia Ngư, Hàng Bè và ngõ Trung Yên, lúc nào cũng bảng lảng, nồng nã mùi đồ ăn thức uống. Nào gà luộc cài hoa hồng đỏ, xôi gấc, nem rán… và cá kho trứ danh. Chợ Hàng Bè có nét duyên riêng, đồ ăn ngon, thái độ phục vụ chu toàn, tỉ mỉ. Ngắm dãy “gà bay” sống động có lớp da vàng ươm, căng bóng, bông hoa hồng nở đúng độ rực rỡ nhất bung hết cả chồi non lộc biếc đã cảm giác rõ sự ắp đầy, no đủ. Những gương mặt tươi tắn hồng hào, những đôi tay thoăn thoắt cài chỗ nọ, bày chỗ kia… Cứ nhìn nhịp độ người bán hàng mà biết không khí, dân tình thế thái Tết này ra sao.

Đón Tết trong rộn ràng ký ức

Tôi có người bạn lập gia đình khá muộn. Cô ấy thành đạt trong sự nghiệp và lúc nào cũng tràn đầy năng lượng lạc quan. Gia đình chồng cô là người Hà Nội gốc, nay đã chuyển về ngoại ô hưởng thụ cuộc sống chan hòa bên cỏ hoa, cây cối, sông hồ. Cái Tết đầu tiên cần trổ tài bếp núc, chẳng chút băn khoăn, không cần tư vấn, cô lái xe băng băng vào thành phố, gửi xe quán quen và bách bộ chợ Hàng Bè. Chỉ trong chốc lát, cô đã tay xách nách mang đầy đủ nguyên liệu đã chế biến sẵn, chỉ chờ lên mâm cỗ Tết. Ngoài gà luộc, bánh chưng, dưa hành, giò chả, còn có cả thịt đông, chim quay, nộm bò khô, tôm chiên xù, canh măng, mọc… nước luộc gà loang loáng sắc vàng, thoang thoảng mùi gừng cũng được người bán hàng đưa đầy đủ. Mẹ chồng cô – một người giỏi bếp núc tỏ ra rất hài lòng. Bà ân cần tâm sự: “Những nàng dâu thành đạt và bận rộn bây giờ, chỉ cần biết đến nơi nào mua đồ bán sẵn tươi ngon là cái Tết đã đủ đầy, ấm cúng lắm rồi”.

Rời “mặt tiền” của chợ vào sâu bên trong những con ngõ với các gia đình bán đồ ăn lâu năm, cả dãy nồi cá kho riềng, thịt kho tàu… thơm phưng phức. Hỏi thăm tình hình buôn bán thế nào, trên những khuôn mặt vẫn nụ cười hoạt bát, dáng điệu vẫn kiêu kỳ pha chút thong dong: “Khách mua tới đâu mình làm tới ấy em ơi! Vội gì”. Khách thường là khách quen, thư thả đợi chờ mua hàng, không bao giờ mặc cả, mỗi hàng chỉ ghé mươi phút là lướt đi. Có khi, bên mua, bên bán biết nhau đến cả mấy thế hệ, từ ông bà tới cha mẹ, con cháu… nên hễ gặp nhau thì biết ngay định lượng, tư vấn. “Cụ ông thích ăn cải ngồng hơi tái, nay dưa chua rồi, cụ chuyển sang món khác đi ạ”; “Ấy ấy, vơi cái tay thôi, mắm tép để các cụ ăn cơm đừng có ham bán nhiều”… người bán hàng ý tứ nhắc giúp việc, nhân viên. Các cụ già trong phố xách theo cặp lồng để đựng đồ ăn chứ không dùng túi ni lông như số đông. Mua xong sẽ thong thả dạo qua Bờ Hồ hoặc ngó nghiêng Hàng Mã, Hàng Bông… Chính xác là chơi chợ, chờ Tết chứ không phải đi chợ cốt có đồ ăn mang về. Đâu đó, nét quê bình dị, ấm êm vẫn hiện diện giữa con phố sầm uất. Vài chị quẩy gánh hàng rong bán tép tươi, cá thu, tôm đất… không cần rao vẫn tấp nập người mua. Vẻ chân chất, giản dị đôi khi khiến ta có cảm giác đang ở một phiên chợ xa nào đó của vùng quê Bắc Bộ, cảm giác được hồn cốt xa xưa vẫn da diết quay về.

Lại loanh quanh với Tết phố phường, Tết của những người nghệ sĩ, đến nhà NSND Lê Khanh trong con ngõ số 20 Phan Đình Phùng luôn thấy vài ấm nước reo sôi trên bếp lửa dọc lối đi, quán trà đầu ngõ của mẹ chị – nghệ sĩ Lê Mai – mái đầu bạc phơ ngồi ôn hoài niệm… Công chúng có thể nhớ Lê Khanh bởi rất nhiều điều: Dung nhan, tài năng, giọng nói… còn tôi mến dáng ngồi tận tụy nhưng bình thản của người phụ nữ gốc Hà thành ấy. Tôi hay nói đùa, chị cổ điển đến cực đoan, chị cười thừa nhận. Bởi nhiều cái Tết, lịch diễn dày đặc cho đến mãi 30 mà giờ nghỉ trưa Lê Khanh vẫn xoay xở được một nồi bánh chưng xanh biếc. Gần đây, ngôi nhà chị biến thành “lò” nấu bánh chưng tập thể cho bạn bè nghệ sĩ, anh chị em cơ quan, bà con lối phố, nhiều gia đình gửi cả con cháu sang cho chúng học làm bánh chưng.

Giờ đây, trong cơn mưa lay phay quyện hơi nồm ẩm báo tin xuân, tôi hình dung rất rõ câu chuyện mình đã đi qua với mọi thanh âm, sắc màu tươi mới. Từ hình ảnh những người phụ nữ Việt gói bánh chưng không cần khuôn nhưng trăm cái như nhau, vuông thành sắc cạnh đến đêm hội của tất cả đám trẻ làng, trẻ phố cho công đoạn luộc bánh chưng bằng thùng phuy to đùng, ám khói từ nhiều năm trước. Tết ở phố hay quê nhà của chúng tôi với cha mẹ già trông ngóng… dầu có thế nào vẫn xuyên suốt một niềm ấm nồng, yêu thương và vị tha tới tận cùng./.