web analytics

Doanh nghiệp “vặn mình” trong tư duy quản trị sau đại dịch Covid-19 17/05/2020

(KDTT) – Đại dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên toàn cầu, ở hầu hết các lĩnh vực. Doanh nghiệp bế tắc, người lao động lao đao, trật tự xã hội bị đảo lộn. Một số nhà phân tích cho rằng, trước tác động của Covid-19, nền kinh tế thế giới bước vào thời kỳ suy thoái rất nghiêm trọng, có thể vượt quá mức độ của cuộc Đại khủng hoảng năm 1929-1933. Vậy sau khi dịch bệnh được kiểm soát, lãnh đạo các doanh nghiệp nên lập kế hoạch và chuẩn bị như thế nào, để lấy lại “sức khỏe” cho doanh nghiệp của mình như trước khi dịch Covid-19 xảy ra?

Đối mặt áp lực lớn

Đại dịch Covid-19 là thách thức y tế cũng như tạo ra áp lực quản lý xã hội và phát triển kinh tế chưa từng có cho cộng đồng các nước.

Hệ thống doanh nghiệp toàn cầu có hồi phục trong năm 2020? (Ảnh: Innovationorigins)

TUI Travel – Tập đoàn du lịch lớn nhất châu Âu đã cắt giảm tới 8.000 việc làm để đối phó với Covid-19. Đại diện của TUI nói rằng, cần giảm chi phí để giải quyết cuộc khủng hoảng lớn nhất mà ngành công nghiệp du lịch và TUI đã phải đối mặt. Việc cắt giảm việc làm của TUI diễn ra sau khi British Airways tiết lộ kế hoạch cắt giảm 12.000 vị trí, và Ryanair và Virgin Atlantic cho biết họ sẽ cắt giảm 3.000 công việc.

Còn theo khảo sát của Hiệp hội Nhà hàng – khách sạn Trung Quốc, doanh thu từ du lịch trong nước giảm 60% trong quý I và nửa đầu quý II/2020, mặc dù chính phủ nước này đã kéo dài số ngày nghỉ để kích cầu hoạt động du lịch. Tại Việt Nam, các nhà hàng kinh doanh ăn uống cũng chứng kiến doanh thu giảm đến 50% trong dịp này. Để tồn tại qua mùa dịch, Vietnam Airlines đã chủ động áp dụng các giải pháp cấp bách và tập trung vào việc thu hẹp quy mô kinh doanh khi tạm dừng khai thác tất cả đường bay quốc tế; giảm tần suất các đường bay nội địa do lượng khách du lịch giảm. Hãng đã làm việc với các nhà cung ứng, đối tác trong chuỗi sản xuất để nhận sự hỗ trợ, giúp cắt giảm chi phí như giãn, hoãn thời gian thanh toán, giảm giá,…

Không giống như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 có thể được ngăn chặn bằng cách bơm vào nền kinh tế lượng tiền lớn, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nền kinh tế theo một hướng khác. Sau đại dịch, mọi quy luật kinh doanh đã thay đổi. Doanh nghiệp được chính phủ “cứu sống” nhưng sau khi hồi phục vẫn làm y như cũ, kinh doanh sản phẩm cũ, thì nguy cơ “tử vong” vẫn rất lớn.

Thời cơ để phá vỡ cấu trúc kinh doanh cũ

“Ứng vạn biến”, đó là cách mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong thời gian này. Có thể hiểu đơn giản rằng doanh nghiệp tận dụng tốt nhất khả năng của mình để tạo ra giá trị với các đối tác tiềm năng theo hướng có lợi và chấp nhận những cách suy nghĩ mới, dũng cảm phá vỡ các cấu trúc kinh doanh hiện có. Ví dụ, Air Asia đã phát động chiến dịch SOS để cho phép các thương nhân bán sản phẩm điện tử với hoa hồng bằng 0 và phí niêm yết trên trang web OURSHOP của hãng. Qantas và Air New Zealand đã tái sử dụng các chuyến chở khách của họ cho các chuyến bay chở hàng để cung cấp vật tư y tế thiết yếu. Các khách sạn ở Hồng Kông đã chuyển đổi một số cơ sở thành trung tâm kiểm soát dịch Covid-19. Louis Vuitton, Prada và Gucci đã sử dụng các cơ sở sản xuất của họ ở Pháp để sản xuất hàng trăm ngàn khẩu trang, đồ phòng, chống dịch.

Doanh nghiệp đang dần chủ động “thích ứng” với hoàn cảnh và tìm lối đi cho doanh nghiệp của mình. (Ảnh: Inc)

Các chủ doanh nghiệp đang dần chủ động “thích ứng” với hoàn cảnh và tìm lối đi cho doanh nghiệp của mình. Đồng thời, biết tăng cường nắm bắt và khai thác, ứng dụng các xu hướng và thành tựu công nghệ 4.0, gia tăng các hoạt động và ứng dụng chuyển đổi số; phát triển các ứng dụng hỗ trợ làm việc tại nhà, học trực tuyến và thương mại điện tử, thanh toán qua thẻ và làm việc từ xa,…

Kế hoạch cho kịch bản xấu và thúc đẩy phát triển bền vững

Đại dịch Covid-19 cũng là cơ hội để doanh nghiệp phát hiện được các lỗ hổng trong quản lý kinh doanh của mình, nhận định rõ điểm mạnh, điểm yếu, mở ra vô số cơ hội để đổi mới. Ví dụ, Hilton đang hợp tác với Lysol (thương hiệu làm sạch và khử trùng các sản phẩm) và Mayo Clinic (Trung tâm y tế học thuật tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ) để cung cấp một tiêu chuẩn mới về việc khử trùng và sát khuẩn hành lý cho khách trong và sau dịch Covid-19. Hay Biermi – một nền tảng trực tuyến, đang tìm cách giúp nhiều nhà sản xuất bia lớn nhỏ của Mỹ duy trì hoạt động kinh doanh trong đại dịch bằng cách giúp khách hàng tìm nhà máy bia gần khu phố của họ và thuận tiện đặt bia từ họ. Nhà bán lẻ thời trang Columbia Maaji đã bước vào một cấu trúc mới: bán mặt nạ bảo vệ và áo khoác được làm từ chai nhựa PET tái chế.

Các doanh nghiệp lâu đời như Vissan, vốn quen với các hình thức kinh doanh truyền thống cũng đã tham gia bán hàng qua điện thoại tại TP HCM. Vissan còn tiến sâu hơn vào mảng kinh doanh trực tuyến bằng việc mở gian hàng trên Sendo (trang thương mại điện tử), rao bán các sản phẩm tươi sống lẫn chế biến của công ty. Bánh mì thanh long – sản phẩm độc đáo của ABC Bakery cũng đã giải quyết được một vấn đề lớn khi hàng tấn thanh long thường xuất khẩu sang Trung Quốc không thể đi được nữa sau khi Covid-19 xảy ra.

Là chủ doanh nghiệp, cần tranh thủ thời gian này để tái cấu trúc lại doanh nghiệp trên 4 phương diện: chiến lược kinh doanh – quản lý tài chính – quản trị nhân sự – xây dựng thương hiệu. Trong đó tái cơ cấu về tài chính, nâng cao khả năng tiền mặt của doanh nghiệp là nhiệm vụ bức thiết trong giai đoạn khó khăn. Ngoài ra, rà soát lại định hướng hoạt động và tìm ra hướng đi mới bền vững, phù hợp với nhu cầu thị trường cũng là vấn đề quan trọng mang tính chiến lược mà các chủ doanh nghiệp cần chú trọng để có thể xoay chuyển tình thế, tạo nên diện mạo và cấu trúc kinh doanh mới trong thời kỳ “hậu Covid-19”.

Theo KDPT