web analytics

Doanh nghiệp thép “phải chấp nhận cuộc chơi” 25/06/2019

(KDTT) – Đến nay, ngành thép đã phải đối diện với 47 cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp, chiếm 1/3 tổng số vụ điều tra chống bán phá giá với hàng Việt Nam. Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam TRỊNH KHÔI NGUYÊN cho rằng, doanh nghiệp thép phải “chấp nhận cuộc chơi” hội nhập, hiểu rõ về phòng vệ thương mại để có ứng xử phù hợp.

Cạnh tranh khốc liệt về giá

– Ngành thép nước ta đang gặp những khó khăn gì, thưa ông?

– Những năm qua, ngành thép phát triển tương đối tốt, đưa Việt Nam từ chỗ phải nhập khẩu nhiều sắt thép trở thành nước đứng thứ 16 thế giới về sản xuất thép thô và đáp ứng được nhu cầu thép xây dựng trong nước.

Tuy nhiên, ngành thép cũng có những khó khăn nhất định, trước tiên là từ cơ cấu ngành. Hiện nay, ngành thép sản xuất thép xây dựng là chính, thiếu những sản phẩm chất lượng cao, chưa đáp ứng được sản phẩm cho những ngành gia công, công nghiệp, cơ khí mà phụ thuộc vào nước ngoài. Trong cơ cấu về hệ thống, ngành công nghiệp thép khá phân tán, quy mô nhỏ, ngoại trừ gần đây có một vài dự án quy mô lớn, nên khó cạnh tranh. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng công suất trong những năm qua quá nhanh so với tốc độ tăng trưởng nhu cầu kéo theo dư thừa công suất. Điều này dẫn đến cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước rất khốc liệt, mà chủ yếu về giá.

Về khách quan, trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do khiến ngành thép phải cạnh tranh với thép nhập khẩu rất áp lực, đặc biệt với thép Trung Quốc. Năm ngoái thép dây, thép cuộn và tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc tăng đáng kể khiến những doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực này thiệt hại rất lớn. Ngoài ra, xu thế giá nguyên liệu đang ngày càng tăng cao, đặc biệt là quặng sắt cao đỉnh điểm trong vòng 5 năm trở lại đây khiến giá của các vật liệu thép khác cũng tăng lên. Thêm vào đó, chi phí về năng lượng, nhiên liệu như điện, xăng dầu tăng. Tất cả yếu tố này làm cho chi phí của doanh nghiệp tăng lên, trong khi giá bán ra không tăng được vì áp lực cạnh tranh cùng với nhu cầu có tăng nhưng không đủ lớn.

Đặc biệt, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng. Việt Nam cũng bị liên đới các vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá các sản phẩm thép có xuất xứ từ Trung Quốc.

– Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, đến nay, ngành thép đã phải đối diện với 47 cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp, chiếm tới 1/3 tổng số các vụ việc điều tra chống bán phá giá với hàng Việt, ông nghĩ sao về điều này?

– Thép là mặt hàng sản xuất cơ bản của rất nhiều nước và được coi là vấn đề an ninh quốc gia. Hiện nguồn cung thép toàn cầu đều có xu hướng dư thừa, trong khi nền kinh tế thế giới đang chững lại, dẫn tới nhiều doanh nghiệp của các nước bị thiệt hại.

Trong thời buổi hội nhập kinh tế sâu rộng, tự do hóa thương mại mở ra cánh cửa tự do cạnh tranh toàn cầu thì ngày càng có nhiều quốc gia sử dụng các biện pháp nhằm cản trở việc thâm nhập thị trường. Các sản phẩm như thép, kim loại và hóa chất từ các nước đang phát triển và các nền kinh tế chuyển đổi ngày càng phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại. Khi tham gia vào hội nhập, doanh nghiệp phải chấp nhận cuộc chơi này và phải hiểu tất cả quốc gia đều có những chính sách bảo hộ sản xuất trong nước. Vì vậy, họ sẽ áp dụng các biện pháp phòng vệ phù hợp với các nguyên tắc của WTO.

– Theo ông doanh nghiệp cần làm gì để tránh phải đối mặt với các vụ kiện, giữ vững thị trường xuất khẩu?

– Để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp phải tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại. Doanh nghiệp phải hiểu rất rõ những nguyên tắc của các chính sách phòng vệ thương mại để có ứng xử phù hợp. Chẳng hạn như, bảo đảm quy trình sản xuất chuẩn hóa, các nguyên liệu nhập khẩu có xuất xứ rõ ràng, chi phí phải cạnh tranh. Trên cơ sở đó sẵn sàng hợp tác, cung cấp đầy đủ thông tin để chứng minh doanh nghiệp làm ăn công khai, minh bạch. Thường xuyên trao đổi với hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước để nắm bắt thông tin cảnh báo sớm để điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tránh bị khởi kiện. Đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường mới và nghiên cứu kỹ khi có ý định khi mở rộng công suất. Doanh nghiệp phải tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp cùng ngành, hiệp hội để xử lý được các vấn đề.

Chính phủ không nên cấp phép dự án thép mới

– Việt Nam cũng đã có những hành động để bảo vệ thị trường nội địa. Ông đánh giá thế nào về động thái này?

– Trên thực tế, Bộ Công thương đã tiến hành khá nhiều quyết định về chống bán phá giá, tự vệ, các điều tra về chống lẩn tránh thuế. Động thái này chứng tỏ Việt Nam đã chủ động hội nhập, cùng với Bộ Công thương, doanh nghiệp tích cực làm quen với cuộc chơi của hội nhập quốc tế. Nhờ áp dụng những chính sách phòng vệ thương mại đó, 2 năm qua lượng thép nhập khẩu như thép dài, phôi thép từ Trung Quốc gần như không vào được thị trường nội địa. Thép trong nước có cơ hội để đẩy mạnh sản xuất đáp ứng thị trường trong nước.

– Điều cốt lõi để ngành thép phát triển bền vững là gì, thưa ông?

– Ngành thép phải kết nối, tái cấu trúc theo hướng tập trung, quy mô và tích hợp để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng, khi đó sẽ bớt nhập khẩu từ bên ngoài. Nhưng để tái cầu trúc được thì cần đến vai trò của Nhà nước và bản thân doanh nghiệp phải tự nhận thức được điều này chứ không phải mạnh ai nấy làm.

Thời gian qua, việc kiểm soát dự án đầu tư còn bất cập dẫn đến đầu tư tràn lan, dư thừa công suất quá lớn, vì vậy Chính phủ nên xem xét không cấp phép đầu tư mới. Thêm vào đó, Chính phủ cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cải cách hành chính và nâng cao chất lượng các văn bản chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chẳng hạn, năm 2018, một số doanh nghiệp thép nhập nguyên liệu sản xuất nhưng không thông quan được vì các quy định chồng chéo và mâu thuẫn với nhau. Mấy tháng sau, các cơ quan quản lý mới có hướng dẫn để tháo gỡ. Như vậy có thể thấy, thời gian cho việc sửa đổi quy định phù hợp với thực tế là quá dài.

– Xin cảm ơn ông!

Nguồn KDPT