Hiện nay, trên địa bàn huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), diện tích đất bãi bồi ven sông Đà trải dài trên địa bàn huyện là khá lớn, loại đất này phì nhiêu, màu mỡ, rất thích hợp trồng các loại cây ngắn ngày, hoa màu, ăn quả… Ngoài ra, với lợi thế là “vùng đất du lịch” của tỉnh Phú Thọ, do vậy diện tích đất ở khu vực này rất có tiềm năng để phát triển ngành kinh tế không khói.

Trụ sở UBND xã Bảo Yên (Thanh Thủy, Phú Thọ)

Tuy nhiên, việc sử dụng đất làm sao để có hiệu quả, phục vụ nhu cầu phát triển của kinh tế của người dân, đồng thời thực hiện trên cơ sở đúng quy định của pháp luật là vấn đề cần lưu ý. Thực hiện chuyên đề “Điều kiện để kinh doanh trên đất công được Nhà nước cho thuê”, qua đó, nghiên cứu và khảo sát thực tiễn tại xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), Tòa soạn Kinh doanh và Phát triển nhận thấy còn nhiều bất cập, vướng mắc.

Đất bãi bồi do UBND xã quản lý, chỉ với văn bản cho “mượn” đất, doanh nghiệp này đã san gạt đất, trồng cây, mở đường như một khu du lịch sinh thái

Thực trạng doanh nghiệp “mượn” đất công ích

Với diện tích đất bồi ven sông Đà rất lớn, đây là một lợi thế để huyện Thanh Thủy nói chung và xã Bảo Yên nói riêng, thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, phát triển du lịch mang lại ngân sách cho địa phương. Tuy nhiên, việc sử dụng tài nguyên đất này đang khiến nhiều người dân xã Bảo Yên băn khoăn, và đặt ra nhiều ý kiến, kiến nghị về thủ tục cho doanh nghiệp “mượn” đất của UBND xã Bảo Yên chưa đúng quy định của pháp luật.

Thực tiễn triển khai đề tài, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển sau nhiều ngày tìm hiểu hồ sơ, nghiên cứu chính sách, quy định và tiến hành khảo sát thực tiễn tại khu 1, xã Bảo Yên (huyện Thanh Thủy) có khoảng 14 ha đất bãi bồi ven sông Đà, một số diện tích đất được người dân vỡ để trồng cây, còn lại là đồng cỏ hoang hóa người dân sử dụng làm bãi chăn thả trâu bò, diện tích mặt nước người dân nuôi trồng thủy sản.

Hợp đồng cho mượn quyền sử dụng đất của UBND xã Bảo Yên có đúng quy định của Luật Đất đai?

Tháng 12/2022, Chủ tịch UBND xã Bảo Yên, ông Nguyễn Hồng Hương đã ký vào bản hợp đồng cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Onsen Fuji (có trụ sở tại tòa nhà Trung tâm thương mại và dịch vụ Ngọc Khánh, số 1 Phan Huy Thông, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) mượn 5,1 ha, thời hạn mượn đất là đến ngày 30/6/2025. Nội dung bản hợp đồng giữa UBND xã Bảo Yên và Công ty Cổ phần Tập đoàn Onsen Fuji nêu rõ: Mục đích mượn đất là để cải tạo cảnh quan cây xanh, vườn hoa, phát triển khu vui chơi giải trí, khu vực cắm trại, tổ chức sự kiện ngoài trời để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Trước khi ký hợp đồng cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Onsen Fuji mượn quyền sử dụng đất, UBND xã Bảo Yên đã có văn bản gửi UBND huyện Thanh Thủy. Tại Văn bản số 2174/UBND-TNMT ngày 12/12/2022 do ông Dương Quốc Lâm, Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy ký nêu rõ, UBND huyện giao cho UBND xã Bảo Yên quản lý, trước mắt cải tạo lại cảnh quan sạch sẽ và nghiên cứu cho tổ chức mượn, thuê, thầu theo đúng quy định để tổ chức các sự kiện vào mùa khô, ngắn ngày, không thường xuyên, không được xây dựng các công trình kiên cố, không ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, hành lang thoát lũ, đảm bảo an toàn về tài sản, con người, an ninh trật tự trong khu vực…; khi nhà nước thu hồi đất thì phải trả lại đất mà không được bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất”.

Các căn cứ để hai bên thực hiện hợp đồng cho mượn quyền sử dụng đất bao gồm: Căn cứ Bộ Luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015; căn cứ Văn bản số 2174/UBND-TNMT ngày 12/12/2022 của UBND huyện Thanh Thủy về việc quản lý và sử dụng đất bãi bồi ven sông thuộc địa phận xã Bảo Yên; Căn cứ vào Hội nghị ban Thường vụ Đảng ủy xã Bảo Yên ngày 13/12/2022; Căn cứ Văn bản đề xuất và phương án đề xuất mượn đất bãi bồi ven sông Đà của Công ty Cổ phần Tập đoàn Onsen Fuji ngày 27/10/2022.

Về nghĩa vụ của các bên, hợp đồng cho mượn quyền sử dụng đất này cũng chỉ nêu: Bên B (tức Công ty Cổ phần Tập đoàn Onsen Fuji) có nghĩa vụ nộp đầy đủ các loại thuế, phí liên quan (nếu có) đến khu đất và việc mượn đất trong thời gian được mượn. Không hề có điều khoản nào về việc phía doanh nghiệp phải nộp bao nhiêu tiền, thực hiện nghĩa vụ tài chính trong hợp đồng mượn đất này.

Căn cứ theo Luật Đất đai 2013, khi Luật này đã quy định: UBND cấp xã chỉ có thẩm quyền trong việc cho thuê đất. Loại đất được cho thuê nằm trong 5% đất công ích chưa sử dụng. Loại đất này chỉ được cho đối tượng là hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê với mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá. Thời hạn sử dụng đất đối với mỗi lần thuê không quá 5 năm. Như vậy, đối chiếu theo quy định của Luật đất đai năm 2013, việc UBND xã Bảo Yên (huyện Thanh Thủy) hay UBND huyện Thanh Thủy cho mượn, hay cho thuê đất bãi bồi ven sông, thuộc phần đất do UBND xã quản lý không qua đấu giá là hoàn toàn trái với quy định của Luật Đất đai.

Bên cạnh đó, các hạng mục công trình mà phía công ty đang xây dựng đang nằm trong hành lang thoát lũ của sông Đà, nhiều diện tích khi lượng mưa lớn, nước dâng cao, nguy cơ xảy ra sạt lở là rất lớn khi doanh nghiệp đang cải tạo gần như 100% mặt bằng đất bãi bồi bằng các công trình khác.

Góc nhìn thực tiễn từ hoạt động của doanh nghiệp “mượn đất” UBND xã Bảo Yên

Kể từ khi Chủ tịch UBND xã Bảo Yên ký hợp đồng “cho mượn” đất, Công ty cổ phần tập đoàn Onsen Fuji đã điều động xe tải chở đá, máy múc, xe ủi, đổ trái phép hàng nghìn khối đất đá xuống khu vực bãi bồi, trồng trái phép hàng loạt cây lâu năm ở khu vực này, gây ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ, đến môi trường xung quanh, cải tạo đất, thay đổi mục đích sử dụng đất khi chưa được phép.

Doanh nghiệp đang hoàn thiện nhiều hạng mục công trình trên đất “mượn” của UBND xã Bảo Yên

Nhận thấy việc làm trái phép của Công ty Onsen Fuji, ngày 27/12/2022, UBND xã Bảo Yên ra quyết định số 70 về việc chấm dứt hợp đồng cho mượn quyền sử dụng đất đối với Công ty CP Tập đoàn Onsen Fuji với lý do không thực hiện đúng nội dung thỏa thuận trong hợp đồng, yêu cầu Công ty trả lại mặt bằng trước ngày 29/3/2023.

Tuy nhiên, sau ngày 29/3 cho đến hết tháng 5/2023, kể từ khi UBND xã Bảo Yên ra văn bản châm dứt hợp đồng “cho mượn”, phía Công ty này vẫn thi công rầm rộ như chưa có chuyện gì xảy ra, cũng không có bất cứ cơ quan chức năng nào đến kiểm tra, xử lý hoạt động trái phép này.

Tuy nhiên, điều khiến cử tri và nhân dân quan tâm về sự việc trái phép này là ngày 04/04/2023 UBND xã Bảo Yên có công văn gửi Công ty CP Tập đoàn Onsen Fuji, tiếp tục cho Công ty này được sử dụng đất tạm thời để tổ chức các hoạt động phục vụ lễ hội du lịch. Tuy nhiên trong văn bản lại không ghi rõ diện tích cho mượn là bao nhiêu m2.

Văn bản của UBND huyện Thanh Thủy đề nghị UBND xã Bảo Yên nghiên cứu quản lý, cho tổ chức mượn, cho thuê thầu theo quy định…

Để có tài liệu, căn cứ chính xác làm minh chứng cho Chuyên đề, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hồng Hương, Chủ tịch UBND xã Bảo Yên, ông Hương cho biết, với đề xuất của phía Công ty, xã báo cáo huyện, huyện cũng đã có văn bản chấp thuận để xã cho phía Công ty mượn đất. Tuy nhiên, khi chúng tôi thấy phía Công ty làm không đúng theo hợp đồng nên đã có văn bản chấm dứt hợp đồng. Mới đây xã tiếp tục ký văn bản cho Công ty tiếp tục được mượn đất để phục vụ lễ hội du lịch.

Quản lý đất đai là vấn đề rất nan giải của các cấp chính quyền địa phương, theo những nội dung đã ghi nhận thực tiễn tại xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, Tòa soạn Tạp chí điện tử đưa ra một số ý kiến, đề xuất như sau:

Một là, UBND huyện Thanh Thủy và UBND xã Bảo Yên cần nghiên cứu rõ các quy định trong việc quản lý quỹ đất công ích, đất 5% do UBND xã quản lý để thực hiện đấu giá minh bạch, giao đất cho đơn vị, tổ chức có năng lực thực hiện dự án, mang nguồn thu về cho ngân sách địa phương.

Hai là, quản lý chặt chẽ các công trình xây dựng trên đất công, đặc biệt liên quan tới hành lang đê điều, hành lang thoát lũ, có báo cáo đánh giá tác động môi trường khi phát sinh các công trình xây dựng mới.

Ba là, quy hoạch khu vực phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp, du lịch cụ thể, triển khai đồng bộ, đấu thầu giao đất, mục đích sử dụng đất công khai minh bạch, tạo điều kiện cho nhiều người dân, tổ chức tham gia, thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có nhu cầu, trên cơ sở đó hình thành lên một không gian phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh Phú Thọ.

Bốn là, quy trách nhiệm các cá nhân, tập thể, nếu để xảy ra vi phạm, cho thuê, mượn đất công trái thẩm quyền, không qua đấu gia, đồng thời khi không được sự đồng ý của các cơ quan chức năng.

Theo KDPT