Doanh nghiệp “đua nhau” báo lãi
Quý II/2023 có thể coi là một quý làm ăn thuận lợi của hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản KCN khi lần lượt báo lãi lớn kỷ lục trong bối cảnh thị trường bất động sản chung đang còn nhiều khó khăn.
Lấy đơn cử như CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã CK: NTC) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thu thuần giảm 27% so với cùng kỳ, đạt 60,1 tỷ đồng, chủ yếu ghi nhận từ kinh doanh bất động sản đầu tư tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (tỉnh Bình Dương).
Tuy nhiên, doanh thu tài chính của NTC lại tăng 59%, trong đó, ngoài ghi nhận lãi tiền gửi, lãi cho vay như cùng kỳ (với giá trị giảm 24%), công ty cũng có thêm cổ tức, lợi nhuận được chia từ CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG và lãi bán hàng trả chậm.
Sau khi khấu trừ đi mọi chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế của Nam Tân Uyên vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế 75,5 tỷ đồng (tăng 5,6% so với cùng kỳ). Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu thuần 118 tỷ đồng, giảm 13% và lợi nhuận sau thuế 155,3 tỷ đồng, tăng 1,4%.
Năm nay, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 284,45 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau nửa năm công ty đã hoàn thiện 54,6% chỉ tiêu năm nay.
Hay như CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng Idico (mã CK: HTI) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thu gần 111 tỷ đồng, tăng nhẹ 7% so với mức 104 tỷ của cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng đột biến gấp gần 3 lần so với cùng kỳ, đạt 570 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi, tiền cho vay.
Trong khi đó các khoản chi phí hoạt động gần như không đổi so với quý II năm trước nên sau khi trừ các khoản thuế phí, Hạ tầng Idico công bố lãi sau thuế 14,8 tỷ đồng (tăng 5,7% so với cùng kỳ) và là mức lãi quý cao nhất tính từ đầu năm 2022 đến nay.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hạ tầng Idico đạt 216,3 tỷ đồng doanh thu và 28,6 tỷ lãi ròng, tăng lần lượt 6% và 4% so với cùng kỳ.
Được biết, năm 2023, HTI đề ra kế hoạch doanh thu gần 427 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng. Như vậy so với kế hoạch, doanh nghiệp “họ” Idico đã hoàn thành được khoảng 51% kế hoạch kinh doanh đề ra.
Một doanh nghiệp khác ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng bằng lần đó là CTCP Sonadezi Giang Điền (mã CK: SZG). Cụ thể, trong quý II/2023, Sonadezi Giang Điền đạt doanh thu thuần 165 tỷ đồng, tăng 118% so với cùng kỳ. Trong đó, chủ yếu là ghi nhận tăng trưởng tích cực ở mảng cho thuê đất và cho thuê nhà xưởng các khu công nghiệp.
Đồng thời, doanh thu hoạt động tài chính cũng bật tăng 150% so với cùng kỳ lên 5,6 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính lại được tiết giảm triệt để gần 95%, chưa chiếm đến 90 triệu đồng.
Với hàng loạt chỉ tiêu tài chính thuận lợi, công ty nằm trong hệ sinh thái Sonadezi báo lãi sau thuế tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, đạt gần 70 tỷ đồng – thiết lập mức lãi kỷ lục mới kể từ khi niêm yết.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp bất động sản công nghiệp này đã thu về 250 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 103 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 44% và 120% so với cùng kỳ. Theo đó, công ty cũng đã hoàn thành được 60% kế hoạch doanh thu và 91% mục tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2023.
Trong khi đó, Tổng Công ty Sonadezi Long Thành (mã CK: SZL) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với kết quả khả quan so với cùng kỳ. Theo đó, trong quý vừa qua SZL thu về 107,8 tỷ đồng doanh thuần, tăng 3% so với cùng kỳ. Cơ cấu doanh thu chủ yếu đến từ khoản cho thuê nhà xưởng Khu công nghiệp Long Thành (38,6 tỷ đồng), tiếp đó là doanh thu kinh doanh nước và xử lý nước thải (35,1 tỷ đồng) cùng nhiều khoản thu khác.
Bên cạnh doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi có sự khởi sắc, doanh thu hoạt động tài chính của công ty cũng ghi nhận tăng gấp đôi so với cùng kỳ lên gần 4,5 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ ghi nhận 2,1 tỷ đồng), nhờ tăng khoản lãi từ tiền gửi có kỳ hạn.
Doanh thu có sự tăng trưởng nhưng các khoản chi phí lại gần như đi ngang, thậm chí còn được tiết giảm giúp Sonadezi Long Thành báo lãi cao hơn 2 tỷ đồng so với cùng kỳ, đạt 22 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Sonadezi Long Thành ghi nhận doanh thu thuần tăng 3%, đạt 210,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 16%, đạt 45,7 tỷ đồng. Được biết, năm 2023, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 90,3 tỷ đồng, như vậy, với kết quả trên, sau 6 tháng đầu kinh doanh, đơn vị trên đã thực hiện được 50,6% mục tiêu lợi nhuận năm.
Bất động sản KCN còn nhiều dư địa tăng trưởng
Nhìn vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản KCN có thể thấy lĩnh vực này chính “điểm sáng” hiếm hoi của thị trường bất động sản (BĐS) thời gian gần đây, BĐS công nghiệp có nhiều dư địa và cơ hội phát triển.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước ta hiện có khoảng 563 khu công nghiệp (KCN) nằm trong quy hoạch tại 61/63 tỉnh thành; 397 KCN đã được thành lập; 292 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng hơn 87,1 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp khoảng hơn 58,7 nghìn ha. Ngoài ra còn có 106 KCN đang trong quá trình xây dựng với diện tích đất khoảng 23,8 nghìn ha.
Theo số liệu cập nhật mới nhất của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tỷ lệ lấp đầy các KCN cấp 1 trên cả nước tiếp tục xu hướng tăng, đạt mức trên 80%, trong đó khu vực phía Nam trung bình đạt 85% – dẫn đầu cả nước. Bình Dương là địa phương có tỷ lệ lấp đầy cao nhất, đạt trên 95%. Nhìn chung, tỷ lệ lấp đầy KCN tại thị trường trọng điểm phía Bắc và phía Nam đều duy trì ở mức trên 90% trong năm 2022. Một số khu công nghiệp tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương được lấp đầy gần như hoàn toàn.
Phó Chủ tịch VARs Nguyễn Chí Thanh cho biết, là “điểm sáng” hiếm hoi của thị trường BĐS trong thời gian gần đây, BĐS công nghiệp có nhiều dư địa và cơ hội phát triển cả trong ngắn, trung và dài hạn. Việt Nam đã và đang không ngừng trở thành địa điểm thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất. Đà tăng nguồn vốn FDI từ các tập đoàn nước ngoài gấp nhiều lần trong thập kỷ qua là minh chứng rõ nét nhất, tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế.
Phía VARS dự báo, hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng lớn vừa hoàn thành và khởi công trên toàn quốc, cho thấy triển vọng tươi sáng của thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam. Ở phía Bắc, cao tốc Hà Giang – Tuyên Quang và dự án Vành đai 4 sẽ giúp kết nối các tỉnh phía Bắc tốt hơn nữa.
Hệ thống đường Vành đai 3 ở phía Nam và các cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Phan Thiết, Bến Lức – Long Thành khi hoàn thành sẽ tạo tuyến giao thông kết nối Đồng bằng sông Cửu Long, Tp.HCM, và khu vực còn lại của vùng Đông Nam Bộ.