web analytics

Để chính quyền số “sống” trong đời sống 16/03/2021

(KDTT) – Cuộc cách mạng 4.0 đang biến đổi toàn thế giới và tác động mạnh mẽ tới từng ngóc ngách của cuộc sống. Những khái niệm mới như công dân số, chính quyền số, doanh nghiệp số, văn phòng điện tử, thành phố thông minh trở nên phổ biến, trở thành xu hướng tất yếu. Không nằm ngoài xu thế, việt nam đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển chính quyền số, nhằm tạo ra thay đổi căn bản trong hoạt động cải cách thủ tục hành chính nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Những đổi mới thiết thực

Chính quyền số là chính quyền ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, công khai, minh bạch. Chính quyền số được triển khai tại các cấp chính quyền địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã).

Nói về mối quan hệ giữa đô thị thông minh và chính quyền số có thể hiểu như sau: Ở cấp quốc gia, quốc gia thông minh gồm ba thành phần là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; ở cấp địa phương, đô thị thông minh cũng gồm ba thành phần tương ứng là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong phạm vi địa lý của đô thị đó.

Ứng dụng HueS – một thành phần của Dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên-Huế cung cấp cho người dân kịp thời, chính xác thông tin, tình hình diễn biến dịch Covid-19. (Ảnh: Internet).

Thời gian qua, nước ta đã tăng cường đầu tư ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, điều hành, xử lý công việc, gửi nhận văn bản điện tử, kết nối, chia sẻ thông tin, trao đổi, xử lý hồ sơ qua mạng giữa các cơ quan hành chính nhà nước. Quy trình chuyển đổi dữ liệu này tuy phức tạp nhưng đem đến lợi ích vô cùng to lớn cho cấp quản lý.

Điển hình như ứng dụng Help 114 – Ứng dụng báo cháy, nổ, tai nạn, sự cố trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh được Công an thành phố triển khai vừa qua. Khi cài đặt ứng dụng này, người dân thành phố có thể báo cháy, nổ, tai nạn, sự cố cũng như nhận được thông tin cảnh báo nhanh chóng, kịp thời từ Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khi có sự cố xảy ra trên địa bàn thành phố. Nhờ bản đồ số theo tọa độ GPS, đơn vị tiếp nhận thông tin sẽ xác định nhanh chóng vị trí của người gọi và đưa ra giải pháp cứu trợ. Ngoài ra, ứng dụng còn có chức năng cảnh báo vị trí, khu vực đang xảy ra thiên tai hoặc sự cố khẩn cấp diện rộng thông qua các hình ảnh, video được cập nhật liên tục và gửi tới điện thoại của người đang sử dụng.

Hay như ứng dụng HueS được triển khai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhằm cung cấp cho người dân kịp thời, chính xác thông tin, tình hình diễn biến dịch Covid-19. Ứng dụng hỗ trợ thông tin phòng, chống dịch Covid-19 cho người dân thông qua nền tảng Hue-S – một thành phần của Dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh. Ứng dụng bao gồm các tính năng: Phản ánh nghi nhiễm; yêu cầu hỗ trợ y tế; bảo vệ bản thân; hỏi đáp thông tin; tin tức chính thống; thông tin sai lệch; xác minh thông tin; thông báo, cảnh báo.

Ứng dụng Hue-S có vai trò quan trọng trong phòng, chống dịch, tạo ra kênh tương tác giữa người dân và chính quyền. Hệ thống này còn tiếp nhận nhiều phản ánh tích cực giúp chính quyền các cấp có thêm nguồn tin để phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, phòng chống dịch bệnh tốt hơn.

Bước đệm cho công cuộc chuyển đổi số

Có thể thấy rằng, việc số hóa dữ liệu đã tạo ra một cuộc cách mạng mới, giúp mỗi đơn vị, doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm thông tin, dữ liệu, và trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới mọi tầng lớp trong xã hội. Theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Giao diện ứng dụng Help 114 – Ứng dụng báo cháy, nổ, tai nạn, sự cố trên địa bàn TP.HCM. (Ảnh: Internet).

Như vậy, chuyển đổi số cơ quan nhà nước là hoạt động phát triển chính phủ số của các cơ quan trung ương và tương ứng với đó là hoạt động phát triển chính quyền số, đô thị thông minh của các cơ quan chính quyền các cấp ở địa phương.

Công cuộc này sẽ tập trung vào phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, cả trên thiết bị di động để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí.

Để thực hiện được điều này, cần triển khai mạnh mẽ các ứng dụng CNTT nâng cao chất lượng phục vụ người dân và hình thành một số hệ thống thông minh (y tế, giáo dục, giao thông, an sinh xã hội, tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn…). Đồng thời, tạo điều kiện mở rộng thị trường ứng dụng CNTT để doanh nghiệp CNTT trên địa bàn phát triển, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ CNTT chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu các cơ quan nhà nước góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và hướng tới xây dựng đô thị thông minh nhiều hơn.

Đồng thời, cần xác định rõ chuyển đổi số quốc gia là cơ hội để việt nam vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

THÚY HIỀN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT