Tương lai của tự động hóa công nghiệp

Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, sự bùng nổ và kết hợp của internet vạn vật (IOT) và trí tuệ nhân tạo (AI) đã tạo nên rất nhiều giá trị cho sự phát triển của doanh nghiệp, mà điển hình trong đó là sự ra đời của trí tuệ nhân tạo vạn vật (AIoT).

AIoT là viết tắt của thuật ngữ Artificial Intelligence of Things – Trí tuệ nhân tạo vạn vật. Đây là sự kết hợp giữa công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với hạ tầng internet vạn vật (IoT) để đạt được các hoạt động IoT hiệu quả hơn, cải thiện mức độ tương tác giữa con người và máy móc, thiết bị, tăng cường khả năng quản lý, tối ưu hóa hệ thống phân tích dữ liệu.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ AIoT trong sản xuất doanh nghiệp
Ảnh minh họa.

Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng AIoT trong sản xuất thông, qua đó giúp các doanh nghiệp áp dụng công nghệ AIoT nâng cao hiệu quả vận hành, tối ưu hóa sản xuất và cải thiện chất lượng dịch vụ.

Tại Workshop “Tăng tốc ứng dụng AIoT thông minh 2024” diễn ra mới đây tại TP.HCM, ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Cục trưởng Phụ trách Cục công tác phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: “Trong thời gian gần đây, chúng ta thường nghe đến khái niệm “chuyển đổi số” được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông. Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, trở thành xu hướng thúc đẩy mức độ phát triển của doanh nghiệp. Do đó, các giải pháp ứng dụng AIoT cho thấy tiềm năng của công nghệ này trong việc tối ưu hoá quy trình sản xuất, quản lý tài nguyên và nâng cao hiệu quả kinh doanh”.

“Xu hướng ứng dụng AIoT sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2024, với sự tích hợp sâu rộng giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT). Dự kiến sẽ có sự gia tăng về sự áp dụng của AIoT trong lĩnh vực sản xuất thông minh 2024”, ông Cường nhấn mạnh.

Công nghệ thông minh hỗ trợ doanh nghiệp

Ứng dụng AIoT trong sản xuất không chỉ giúp tăng năng suất và hiệu quả, mà còn giúp giảm lỗi sản xuất và tỷ lệ hỏng hóc. AIoT cũng tối ưu hóa quy trình sản xuất và tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, AIoT còn đóng vai trò quan trọng trong nâng cao độ an toàn và bảo mật cho công nhân trong môi trường làm việc sản xuất. Bên cạnh đó, AIoT kết hợp trí tuệ nhân tạo với các thiết bị IoT để giám sát và điều khiển hoạt động của máy móc và robot trong nhà máy. Các thiết bị có thể tự động thích ứng, tự điều chỉnh và thực hiện các tác vụ sản xuất một cách thông minh và hiệu quả.

Các thiết bị IoT được trang bị cảm biến để thu thập dữ liệu về nhiệt độ, áp suất, độ rung và các thông số khác. Kết hợp với AI, dữ liệu này được phân tích để đưa ra thông tin quan trọng về tình trạng thiết bị, tiến trình sản xuất và dự đoán về sự cố tiềm năng.

Cùng với đó, AIoT có thể giúp theo dõi và kiểm soát chất lượng sản phẩm một cách chính xác và liên tục. Các hệ thống AIoT có thể phát hiện các lỗi và vấn đề về chất lượng ngay từ quá trình sản xuất, đảm bảo rằng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ AIoT trong sản xuất doanh nghiệp
Mô hình phòng điều hành trung tâm trong một nhà máy thông minh – POC NextPro 2024, một ứng dụng AIoT thiết thực trong sản xuất của doanh nghiệp. (Ảnh: Intel Việt Nam)

Đại diện của Công ty công nghệ Intel Việt Nam tại chương trình “Tăng tốc ứng dụng AIoT thông minh 2024” đã giới thiệu các ứng dụng, sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số nhà máy thông minh đến các doanh nghiệp như: Phòng điều hành trung tâm Factory POC NextPro; Giải quyết các khó khăn trong công tác quản lý sản xuất, bao gồm hệ sinh thái giải pháp của TECHPRO (Quản lý điều hành sản xuất – TECHPRO MES, Quản lý và Hoạch định nguồn lực sản xuất – TECHPRO MRP, Quản lý & Bảo trì thiết bị – TECHPRO CMMS; Giải pháp Quản lý kho – TECHPRO WMS); Giải pháp EII – Edge Insights for Industrial (Intel); Giới thiệu giải pháp GenAI-X hỗ trợ sản xuất thông minh; Các ứng dụng giải pháp Wise – iFactory và Sử dụng Edge Intelligence Gateway khai thác, thu thập dữ liệu (Advantech Việt Nam).

Ông Reggie Castillo – Giám đốc sản phẩm cấp cao, nhóm Giải pháp Công nghiệp, Tập đoàn Intel chia sẻ: “Giải pháp Intel ELL là giải pháp sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI để phân tích dữ liệu, đưa dữ liệu nên các ứng dụng cục bộ hoặc cloud, trợ giúp cho ngành công nghiệp sản xuất như phát hiện lỗi trong bo mạch, phục vụ cho những ngành về sản xuất linh kiện điện tử, kiểm tra bảo hộ an toàn lao động. Tương lai sẽ ứng dụng vào nhiều trường hợp khác nhau như nhận biết được tư thế con người khi vào trong khu vực sản xuất”.

Có thể nói, AIoT đang ngày càng mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Với những ứng dụng thực tế ở trên, AIoT được kỳ vọng sẽ trở thành công nghệ dẫn dắt tương lai, đem đến những giá trị to lớn cho doanh nghiệp ở đa dạng các lĩnh vực./.