Một trong bốn đình làng được thành phố Huế đầu tư trùng tu
Theo đó, UBND phường Thủy Xuân vừa tiến hành lễ khởi công Dự án bảo tồn, tu bổ và phục hồi di tích Đình Dương Xuân Hạ với tổng mức đầu tư 5 tỷ 674 triệu đồng, UBND phường Thủy Xuân làm chủ đầu tư.
Trong năm 2023, Thành phố đầu tư hơn 26 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo 4 đình làng trên địa bàn nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa. Các đình làng nằm trong danh mục đầu tư kinh phí để tôn tạo, sửa chữa bao gồm: Đình Dương Xuân Hạ (Thủy Xuân), Kim Long (Kim Long), Xuân Hòa (Hương Long) và đình An Cựu (An Cựu). Đây là những đình làng đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.
Theo bà Trần Thị Ngọc – Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân (TP Huế) các tư liệu còn lại của đình như các câu đối, hoành phi, sắc phong… là tư liệu rất có giá trị giúp các nhà nghiên cứu dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, nghiên cứu và nhìn nhận những vấn đề lịch sử, văn hóa địa phương nói riêng, cũng như Thừa Thiên – Huế nói chung.
Các hạng mục chính được ưu tiên trùng tu, sửa chữa bao gồm: Tu bổ, tôn tạo, phục dựng lại toàn bộ đình, trụ biểu, bình phong, Tả Vu, Hữu Vu, Miếu Thành Hoàng theo nguyên trạng; chống mối mọt toàn bộ khu vực đình; lát sân trước đình, vệ sinh, phục hồi cổng…
Dương Xuân là một làng cổ ở xứ Thuận Hóa, theo sách Ô Châu cận lục do Dương Văn An soạn năm 1553 thì làng Dương Xuân là 1 trong 67 xã (làng) của huyện Tư Vinh, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. Vào thời các chúa Nguyễn, thế kỷ XVII làng thuộc tổng Vỹ Dạ, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), thành lập huyện Hương Thủy thì làng Dương Xuân thuộc tổng Cư Chánh, huyện Hương Thuỷ.
Làng Dương Xuân Hạ nằm về phía Bắc của huyện Hương Thủy song lại là địa bàn tiếp giáp với thành phố Huế, do đó các phong trào đấu tranh Cách mạng ở địa phương từ sau Cách mạng tháng Tám thành công đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đều gắn liền với phong trào đấu tranh Cách mạng của Đảng bộ huyện Hương Thủy và thành phố Huế.
Tại đây, nhiều phong trào đấu tranh Cách mạng đã diễn ra liên tục, sôi nổi nhiều đảng viên, cán bộ tham gia tích cực qua hai cuộc kháng chiến đã trưởng thành và trở thành những cán bộ cốt cán, những hạt nhân lãnh đạo của huyện Hương Thủy và thành phố Huế.
Trong Cách mạng tháng Tám, ngôi đình là nơi chứng kiến dân làng Dương Xuân Hạ tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền, lật đổ ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến tại địa phương. Sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, là trụ sở của Ủy ban hành chính xã, nơi huấn luyện dân quân tự vệ, địa điểm tổ chức các lớp bình dân học vụ… Đến kháng chiến chống Mỹ, khu vực đình được chọn làm đầu mối liên lạc, nơi hội họp, hoạt động bí mật và nuôi dấu cán bộ cách mạng hoạt động tại địa bàn thành phố Huế và huyện Hương Thủy (nay là thị xã Hương Thủy)…
Di tích gắn liền sự hình thành và phát triển phường Thủy Xuân
Qua thời gian tồn tại với nhiều biến động cùng tiến trình lịch sử nhưng đình Dương Xuân Hạ vẫn gìn giữ những nét truyền thống cũng như quy cách kiến trúc ban đầu: Mái đình lợp ngói liệt; hệ thống cột, kèo, xuyên, trến mang dấu ấn nghề mộc truyền thống ở vùng đất Huế; hoa văn trang trí theo kiểu tứ linh cách điệu; hệ thống cửa bản khoa thượng song hạ bản…
Đình làng Dương Xuân Hạ gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng và phường Thủy Xuân. Đây không chỉ là địa điểm sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân làng mà còn là di tích có giá trị nổi bật về mặt lịch sử, liên quan mật thiết với các cuộc đấu tranh yêu nước và cách mạng của nhân dân phường Thủy Xuân anh hùng.
Như bất kỳ một ngôi đình làng nào khác của dân tộc Việt Nam, đình làng Dương Xuân Hạ là trung tâm tín ngưỡng, văn hóa cộng đồng dân làng địa phương. Đó là biểu tượng văn hóa cổ truyền của nhân dân phường Thủy Xuân nói riêng và của tỉnh TT – Huế nói chung.
Mặc dù quy mô không lớn, nhưng đình làng Dương Xuân Hạ có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật mang phong cách nhà rường truyền thống của xứ Huế. Với hệ thống cột, kèo, chuông đồng, sắc phong… phần nào phản ánh tâm tư, tình cảm và ước vọng người dân làng quê với mong muốn mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, xã hội yên bình.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đình làng Dương Xuân Hạ tồn tại và được bảo quản khá nguyên vẹn, được xây dựng trên vùng đất một thời là thủ phủ chúa Nguyễn (1636-1687). Do đó, ngoài ý nghĩa là trung tâm sinh hoạt cộng đồng, đây còn là minh chứng lịch sử góp phần tìm hiểu đô thị Huế sau này.
Với những giá trị về mặt lịch sử và văn hóa, đình Dương Xuân Hạ được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) cấp tỉnh theo Quyết định số 410/QĐ-UBND ngày 26/02/2015.
Đây là di tích lịch sử tiêu biểu chứa đựng nhiều lượng thông tin và sự kiện phong phú có nhiều ý nghĩa tích cực trong công tác giáo dục, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống cách mạng của quê hương, góp phần khẳng định, làm sáng tỏ truyền thống của TP Huế.