web analytics

Tết này có điện rồi 31/01/2022

(KDTT) – “Phấn khởi lắm, Tết này vui hơn nhiều, niềm mong ước bấy lâu nay đã thành sự thật”… Đó là những chia sẻ, niềm hân hoan của người dân thôn Sơn Thủy và 4 thôn khác của xã Yên Thuận (huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) trước thềm Xuân mới này, khi đón dòng điện lưới quốc gia sau gần 40 năm chờ đợi.

Những đồi chè là nguồn thu nhập chính của người dân thôn Sơn Thủy.

Để có câu chuyện hân hoan ngày Tết, xin ngược lại thời điểm cách đây hơn một năm. Đó là vào khoảng đầu tháng 7/2020, phóng viên của Kinh doanh và Phát triển đã đọc được một bài viết “kêu cứu” trên Facebook. Bài viết có nội dung về việc thôn Sơn Thủy của xã Yên Thuận (huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) đến nay vẫn không có điện lưới. Mọi sinh hoạt đều rất khó khăn: Không phát triển kinh tế được, trẻ con học hành gặp trở ngại, ngay cả những điều đơn giản như quạt mát, tivi cũng đều là những món đồ xa xỉ… Điều đó đã thôi thúc chúng tôi tìm hiểu sự việc. Sau khi nắm bắt, xác minh thông tin có cơ sở, phóng viên đã báo cáo lên lãnh đạo tòa soạn và nhận được chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ: Lên đường tìm hiểu cụ thể, phản ánh thông tin.

Chuyến xe khách theo cung đường uốn lượn đưa nhóm phóng viên lên tới Hà Giang, rồi từ ven đường quốc lộ, chúng tôi được người dân “tăng bo” bằng xe máy, đò ngang qua sông Lô để đến thôn Sơn Thủy. Tiếp chúng tôi là ánh mắt chất chứa hi vọng của người dân và những lời kể về quãng thời gian gần 40 năm, bắt đầu khi nhóm người đầu tiên di cư từ Thái Bình lên đây xây dựng kinh tế mới. Và tất nhiên, câu chuyện đều xoay quanh việc không có điện lưới. Thời điểm những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, người dân chịu không nổi đã cùng nhau góp tiền của để kéo điện từ phía Hà Giang, vắt qua sông Lô, xuyên qua đồi chè để đưa điện về làng. Bởi thế, điện có cũng như không, gần như chỉ thắp sáng được bóng đèn, không đủ chạy các thiết bị khác, giá thành lại cao do chịu khấu hao đường dây và hệ số.

Ước mong về một ngày dòng điện mạnh mẽ, ổn định cứ thế đeo đẳng người dân nơi đây qua nhiều thế hệ. Đơn thư, ý kiến được gửi đi nhiều nơi, nhưng rốt cuộc vẫn là “cái khó cứ bó cái khôn”. Sau khi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tình hình thực tế tại Sơn Thủy, nhóm phóng viên đã có các cuộc làm việc với chính quyền địa phương và ngành điện lực. Tại các cuộc làm việc, đại diện UBND xã, huyện đều cho biết đã nắm được tình hình, nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên chưa thể kéo điện về. Phía điện lực tỉnh Tuyên Quang cho biết đã có dự án xây dựng trạm biến áp, đường dây… nhưng còn một số vướng mắc nên chưa triển khai được. Tuy nhiên, tại thời điểm tháng 7/2020, đại diện điện lực Tuyên Quang đã cho biết sẽ cố gắng đưa điện về Sơn Thủy trong thời gian sớm nhất.

Sau đó, bài viết về thôn Sơn Thủy chưa có điện lưới đã được đăng tải, lan tỏa trên các trang mạng xã hội và nhận được sự quan tâm lớn từ bạn đọc.

Trải qua một thời gian, thông qua sự kết nối với chính quyền địa phương và ngành điện lực, tòa soạn được biết dự án đưa điện lưới về Sơn Thủy đã được triển khai. Không những thế, 4 thôn khác của xã Yên Thuận cũng “chung vui” cùng Sơn Thủy.

Đến tháng 7/2021, niềm vui đã chính thức đến với người dân thôn Sơn Thủy nói riêng và các thôn khác của xã Yên Thuận nói chung: Điện về làng.

Những chiếc máy sao chè như thế này ngày một nhiều tại Sơn Thủy từ khi có điện lưới.

Vậy là trải qua mấy chục năm ròng rã sống trong cảnh thiếu điện, khó khăn đủ bề, người dân tại Sơn Thủy đã đón ánh sáng của điện lưới quốc gia. Điều này có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội của địa phương.

Đường dây điện chạy dọc đường liên thôn.

Chia sẻ với chúng tôi, người dân Sơn Thủy cho biết: Từ khi có điện lưới, nhân dân trong thôn đã sắm sửa thêm các thiết bị nhằm phục vụ đời sống hàng ngày. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất kinh doanh như máy sao chè. Điều này đã thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển, thay vì bán tươi như trước đây với giá thành thấp” – ông Thẩm Văn Nam, một người gắn bó cả đời tại mảnh đất này hào hứng chia sẻ.

Điện về, cũng mang theo internet đến với vùng núi đồi này. Được biết, đã có 80% hộ dân tại đây lắp đặt mạng internet để phục vụ học tập, giải trí, tiếp cận thông tin…

Chị Phạm Thị Huệ, người làm dâu ở đây hơn 20 năm cũng cho biết, Tết năm nay, bên cạnh niềm vui đón năm mới, người dân rất phấn khởi vì cuộc sống đã thuận lợi, tươi vui hơn nhiều nhờ có điện lưới: “Chúng tôi cảm ơn quý cơ quan báo chí, các cấp chính quyền đã mang lại niềm vui cho người dân trong năm mới này. Xuân này hơn hẳn những xuân qua”.

Một mùa xuân mới đang về, mang theo khát vọng đổi thay trên vùng sơn cước Tuyên Quang. Rồi đây, ánh điện sẽ đưa kinh tế địa phương phát triển bên cạnh cây chè, quả cam. Niềm vui ấy, là những món quà ý nghĩa mà chúng tôi góp phần nhỏ bé trong đó.

Bạn đang đọc bài viết Tết này có điện rồi
tại chuyên mục Cộng đồng.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo KDPT