Chiều 25/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo an toàn, an ninh mạng quốc gia đã chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Theo Thủ tướng, đầu tư cho an toàn, an ninh mạng là đầu tư cho phát triển bền vững và tạo ra giá trị – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng với phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm. Theo đó, cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, trực tiếp là Ban Chỉ đạo; vai trò đầu mối, phối hợp của Văn phòng Ban Chỉ đạo trong các lĩnh vực, các mặt công tác về an toàn, an ninh mạng.

Song song với đó, bám sát nhiệm vụ, chương trình công tác năm của Ban Chỉ đạo để triển khai công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại các bộ, ngành, địa phương; gắn trách nhiệm và sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị. Coi trọng công tác kiểm tra, hướng dẫn, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; không lơ là, mất cảnh giác.

Theo Thủ tướng, sự thống nhất, phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, địa phương, sự kết nối của Văn phòng Ban Chỉ đạo là điều kiện quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ. Đầu tư cho an toàn, an ninh mạng là đầu tư cho phát triển bền vững và tạo ra giá trị. Phát huy vai trò chủ động, sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia trong và ngoài nước.

Phân tích yêu cầu đối với an toàn, an ninh mạng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, không gian mạng đã trở thành không gian chiến lược; phải chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng, không để bị động, bất ngờ. Đồng thời, phải có sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân; trong đó Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban Chỉ đạo, các Tiểu ban An toàn, An ninh mạng, các lực lượng bảo đảm an toàn, an ninh mạng là nòng cốt, là trực tiếp.

Theo Thủ tướng, chúng ta đang đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, trong đó có nhiệm vụ triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Do đó, an toàn, an ninh mạng phải là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài nhằm duy trì môi trường mạng an toàn, lành mạnh, tin cậy cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, song hành với phát triển kinh tế-xã hội.

Để thực hiện công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia có hiệu quả trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo cần thống nhất một số nhiệm vụ trọng tâm.

Thủ tướng nhấn mạnh 5 nội dung: Thứ nhất, nhiệm vụ bảo vệ an toàn, an ninh mạng cho Đảng, Nhà nước, cho nhân dân, cho doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng trong điều kiện, bối cảnh hiện nay.

Thứ hai, phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của người dân và doanh nghiệp, trong đó có các lực lượng chức năng làm nòng cốt.

Thứ ba, phải thực hiện công việc này một cách thường xuyên, liên tục, cả về nâng cao nhận thức, cả về ý thức trách nhiệm, cả về tổ chức thực hiện một cách hiệu lực, hiệu quả, đầu tư thỏa đáng các hạ tầng thiết yếu.

Thứ tư, xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt trong thu hút nguồn lực, cơ sở vật chất, hạ tầng và đẩy mạnh hợp tác công tư.

Thứ năm, tự chủ, tự lực, tự cường trong bảo vệ an toàn, an ninh, chủ quyền trên không gian mạng.

Theo đó, Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban Chỉ đạo, các Tiểu ban An toàn, An ninh mạng tiếp tục phát huy tốt vai trò trung tâm; điều hành, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác bảo vệ an toàn, an ninh mạng của đất nước; đồng thời phải bảo đảm yêu cầu về phát triển kinh tế-xã hội và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban Chỉ đạo nghiên cứu, định kỳ có những báo cáo những vấn đề trọng tâm bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia trên không gian mạng, để tham mưu các cấp có thẩm quyền về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, chuẩn bị tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược An ninh mạng quốc gia theo chỉ đạo của Ban Bí thư.

Cùng với đó, hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh mạng. Tổ chức thực hiện nghiêm Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; quản lý chặt chẽ các loại hình dịch vụ viễn thông.

Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức của các chủ thể về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; giáo dục các quy định của pháp luật về quản lý không gian mạng; nhận diện các âm mưu, thủ đoạn tấn công mạng và các hình thái tiêu cực phát sinh trên không gian mạng.

Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển tự chủ về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng Việt Nam; tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong chuyển đổi số của đất nước, gắn với triển khai nhiệm vụ theo Đề án 06. Tập trung thu hút nguồn lực trong triển khai nhiệm vụ này.

Thủ tướng cũng yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng trên tinh thần làm bạn, đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tuân thủ luật pháp quốc tế và các hiệp ước đa phương, song phương mà Việt Nam tham gia. Tham khảo kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và mô hình an toàn, an ninh mạng trên thế giới.

Thủ tướng lưu ý, cần có chiến lược quốc gia về an ninh dữ liệu; đồng thời, phải có kế hoạch tích hợp, khai thác, chia sẻ, phân tích, xử lý thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phát triển kinh tế, xã hội. Tăng cường triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng; đấu tranh ngăn chặn sớm hoạt động tấn công mạng, âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng. Tổ chức tốt diễn tập về phòng, chống tấn công mạng cấp quốc gia.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện tốt Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực an ninh mạng, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Nghiên cứu, đề xuất thí điểm một số chế độ ưu đãi và chế độ đặc thù đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, nhân sự làm về an toàn thông tin mạng.

Nghiên cứu, xây dựng quy chế phối hợp giữa Văn phòng Ban Chỉ đạo với Văn phòng Ban Chỉ đạo các tổ chức, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tham mưu nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động của Văn phòng Ban Chỉ đạo, các Tiểu ban An toàn, An ninh mạng tại các địa phương.

Ngay sau phiên họp này, Thủ tướng đề nghị các đồng chí thành viên tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, để công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng chuyển biến mạnh mẽ hơn, thực chất hơn, hiệu quả hơn.

Theo KDPT