web analytics

Đậu bạc Định Công, hồi sinh mạch nguồn văn hiến 23/02/2021

(KDTT) – Nghề đậu bạc ở làng Định Công trước đây (nay là phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) có từ thế kỷ VI, thời Tiền Lý. Trong các tài liệu do người dân thu thập được, ông tổ của nghề là ba anh em họ Trần là Trần Điền, Trần Điện và Trần Hòa. Ba anh em họ sớm phải ly tán do loạn lạc. Trong thời gian tha hương, họ đã tình cờ học được nghề làm đồ vàng, bạc. Từ đó, ba người truyền dạy nghề cho nhân dân trong làng, làm nên tiếng tăm cho sản phẩm vàng, bạc Định Công.

Nghề “se chỉ dệt bạc”

Trải qua năm tháng, nghề đậu bạc càng phát triển và trở thành một trong tứ trụ tinh hoa làng nghề của kinh thành Thăng Long, được dân gian lưu truyền là: “Lĩnh hoa Yên Thái, gốm Bát Tràng, bạc Định Công, đồng Ngũ Xã”. Cũng vì thế mà nhiều người thợ trong làng được tuyển lựa vào cung làm đồ trang sức cho vua chúa.

Trong nghề kim hoàn, người ta sử dụng 4 kỹ thuật chính là: trơn (làm nhẵn bóng, kết hợp gò sao cho hình khối đúng tiêu chuẩn); đấu (lắp ráp các chi tiết); chạm (khắc hình vẽ, hoa văn trên sản phẩm) và đậu (ghép nhiều chi tiết nhỏ thành sản phẩm). Trong đó, kỹ thuật đậu bạc đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ rất cao, khi làm phải đều tay, các chi tiết phải hài hòa, cân xứng.

Nghệ nhân Quách Văn Hiểu đang chế tác sản phẩm.

Đầu tiên là nấu chảy bạc nguyên liệu thành các thanh, khi đổ thanh phải đều, trơn và không bị vón cục để khi cán không  bị “dớp” (gãy, vỡ vụn). Sau đó đưa vào máy cán phải đảm bảo phẳng, mịn, không đứt đoạn, quá trình cán phải được “nướng” thường xuyên cho mềm. Xong công đoạn cán là rút chỉ, tùy vào từng mẫu mã mà người thợ có thể rút các sợi “chỉ” có kích thước khác nhau, loại chỉ mảnh nhất có thể kéo đạt kích thước 0,26mm. Hai sợi chỉ như thế se lại với nhau để thành sợi chỉ se bạc. Những bộ phận tinh xảo đặc trưng của sản phẩm đậu chính xác đến từng chi tiết nhỏ được thực hiện từ những sợi bạc sau đó được liên kết lại bằng những vảy hàn và hàn the với những bí quyết pha chế riêng của từng dòng họ tạo nên nghề đậu bạc gia truyền.

Trong cả nước có nhiều làng nghề chế tác vàng bạc như Châu Khê (Hải Dương), Đồng Xâm (Thái Bình) nhưng sử dụng kỹ thuật đậu điêu luyện và thành thạo thì người thợ đậu bạc ở Định Công có thể nói là đứng đầu. Người làng nghề đậu bạc Định Công chỉ cần nhìn các sản phẩm đã qua chế tác là có thể biết đó có phải do thợ làng mình làm hay không.

Nghệ nhân Nhân dân Quách Văn Hiểu, người “bén rễ” với nghề đậu bạc đã hơn nửa thế kỷ tâm sự: “Người làm nghề đậu bạc cũng như một người thợ dệt thổ cẩm. Sản phẩm đậu bạc như những tấm vải the, cả hai mặt đều mảnh mai, nhẹ nhàng như nhau, từ các sợi chỉ nhỏ li ti gắn kết với nhau bởi những vảy hàn dệt nên sản phẩm đậu bạc tinh xảo”.

Hồi sinh sau 30 năm “ngủ quên”

Đầu thế kỷ XX là thời kỳ hưng thịnh của nghề đậu bạc truyền thống làng Định Công, khi có hơn 50% số hộ gia đình của làng theo nghề. Tuy nhiên, trong thời kỳ bao cấp nhà nước quản lý vàng, bạc, thiếu nguyên liệu sản xuất, rất nhiều thợ bạc ở đã chuyển sang làm nông nghiệp và một số công việc khác, nghề đậu bạc truyền thống đã dần bị mai một.

Đến khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, khi bạc nguyên liệu dồi dào, một số nghệ nhân thuộc dòng họ Quách của làng Định Công nhận thấy đây là thời điểm tốt để khôi phục lại nghề tổ truyền. Trong đó có gia đình ông Hiểu vẫn ngày đêm miệt với nghề của ông cha để lại.

“Hộp tú cầu đậu bạc” của nghệ nhân Quách Văn Hiểu.

Các tác phẩm của ông tham gia triển lãm đạt được giải thưởng quan trọng tại Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc năm 2004. Đây cũng là lần đầu tiên làng nghề Định Công đoạt Huy chương Vàng với tác phẩm “Hộp tú cầu đậu bạc”.

Năm 2006, những người thợ đậu bạc làng Định Công với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, đã thành lập Chi hội mỹ nghệ kim hoàn đá quý Định Công để cùng liên kết và hỗ trợ nghề truyền thống phát triển.

Chính vì vậy, nghề đậu bạc Định Công đang dần lấy lại được vị trí và được nhiều người biết đến cũng như trân trọng giá trị thành phẩm. Tháng 8/2020, nghệ nhân Quách Văn Hiểu cùng con trai cả là anh Quách Tuấn Tú, thế hệ thứ 5 trong gia đình họ Quách ở làng Định Công, đã hoàn thành bức tranh đậu bạc chào mừng Đại hội Đảng bộ quận Hoàng Mai, có kích thước “khủng” 4,5m x 2,5m.

Anh Tuấn Tú chia sẻ: “Đây là tác phẩm để đời của cả hai bố con tôi, mất hơn một tháng rưỡi để hoàn thành. Vì kích thước quá lớn nên kỹ thuật đậu bạc khó hơn rất nhiều so với bình thường. Để mang tới một sản phẩm có ý nghĩa lớn đối với quận Hoàng Mai, từng sợi chỉ nhỏ nhất đến những vảy hàn đều được chau chuốt cẩn thận”.

Những người như anh Tuấn Tú là thế hệ trẻ đang nỗ lực mỗi ngày tiếp nối những kỹ thuật nghề đậu bạc truyền thống của gia đình. Anh cho biết, trước đây những người thợ làm nghề đậu bạc còn lo về thị trường thì đến nay đầu ra của các sản phẩm đã tương đối ổn định, người thợ nghề đã có thể an tâm làm ra nhiều sản phẩm mới, hiện đại, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước nhiều hơn.

Cùng với đó, gia đình nghệ nhân Quách Văn Hiểu đã mở các lớp dạy nghề miễn phí cho tất cả những ai có niềm đam mê với đồ bạc, đặc biệt là kỹ thuật đậu bạc. Từ những lớp nghề đó, một thế hệ thợ đậu bạc Định Công nữa lại được ra đời, giúp khôi phục danh tiếng và phát triển hơn nữa làng nghề được mệnh danh là tinh hoa của mảnh đất Thăng Long – Hà Nội.

CÔNG NINH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT