web analytics

Bến ông Bỉnh 25/03/2021

(KDTT) – Bến nước ấy kỳ thực là con ngầm cho xe qua lại trong những đợt cây cầu số 4 phải sửa chữa. Nhà ông Bỉnh ở ngay đầu bến nên mọi người quen gọi là bến ông Bỉnh. Không biết từ bao giờ, bến nước trở thành điểm sinh hoạt chung của cư dân quanh đấy. Sáng sớm, khi mặt suối còn lãng đãng hơi sương, bến đã lao xao tiếng chào hỏi, tiếng khua thùng loảng xoảng của các mẹ, các chị…

“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”
                       (Thơ Chế Lan Viên)

Hơn 40 năm trôi qua, Quế phải xa nơi chôn rau cắt rốn. Tưởng rằng nỗi nhớ đã ngủ quên, nhưng không phải, nỗi nhớ đang căng mình như những sợi dây đàn, chỉ cần bàn tay của người nhạc sĩ tài hoa chạm nhẹ là những nốt nhạc ngân lên du dương, trầm bổng. Ký ức tuổi thơ bỗng ùa về, hiện lên rõ mồn một như mới ngày hôm qua.

Quế sinh ra và lớn lên trên mảnh đất biên cương, nơi con sông Hồng chảy về đất Việt. Thị xã Lào cai ngày ấy đẹp thơ mộng và yên bình lắm, hầu hết mọi người đều biết rõ về nhau. Nhà Quế cạnh ngòi Đum, nước trong xanh hiền hòa, nơi đó có bến nước, là nơi tụ tập của dân quanh vùng.

Ảnh minh họa.

Bến nước ấy kỳ thực là con ngầm cho xe qua lại trong những đợt cây cầu số 4 phải sửa chữa. Nhà ông Bỉnh ở ngay đầu bến nên mọi người quen gọi là bến ông Bỉnh. Con dốc từ trên đường cái dẫn xuống bến chia vườn rau HTX ra làm đôi. Hai bên đầu bến được xếp bằng những tảng đá hộc to. Trải qua thời gian và sự giày xéo của các loại bánh xe, bàn chân các kiểu, nhiều tảng đá đã trở lên trơn truội, nhẵn bóng.

Không biết từ bao giờ, bến nước trở thành điểm sinh hoạt chung của cư dân quanh đấy. Sáng sớm, khi mặt suối còn lãng đãng hơi sương, bến đã lao xao tiếng chào hỏi, tiếng khua thùng loảng xoảng của các mẹ, các chị ra suối gánh nước. Có người còn cắp theo chậu quần áo, tranh thủ giặt để còn về đi làm. Muộn hơn tý nữa, dân và học sinh bên Bắc cường lội suối sang đi chợ hoặc đi học. Đoạn này suối nông, nước trong veo nhìn rõ từng hạt cát, viên sỏi dưới đáy.

Trưa hè oi ả, nằm im giả vờ ngủ, nghe tiếng ngáy của mẹ, Quế nhẹ nhàng mở cửa lẻn ra ngoài. Các bạn Quế đang chờ nó dưới suối. Cầm theo cái chậu và cái rổ nhỏ, nó ù té chạy. Cái Ngọc, cái Khanh đang lúi húi lật từng tảng đá. Quế hỏi: Được con nào chưa ? Chưa ! Cả hai đứa đồng thanh.

Quế múc một ít nước vào chậu, để bên bờ rồi xắn quần, cầm rổ lội xuống suối. Hì hục lật từng tảng đá lên. Kia rồi ! Một chú cá bò to bằng ngón tay, da ram ráp, đầu bẹt màu nâu nhạt nằm im lìm trên cát. Quế lùa tay nhẹ nhàng túm gọn được anh chàng. Nó thích chí giơ lên khoe với các bạn. Chú cá giãy giụa trong tay. Nó lội lên bờ và thả cá vào chậu. Bên kia, cái Ngọc cũng giơ lên khoe chiến lợi phẩm. Nắng soi bóng xuống mặt nước loang loáng. Mặt đứa nào cũng đỏ tia ria. Quế lật tảng đá xanh lên. Nếu không nhìn thấy hai con mắt đen loang loáng thì Quế cũng chẳng nhận ra chú tôm càng to bự, mình trong suốt, ẩn trong khe đá. Mày chết với tao ! Quế lẩm bẩm rồi lấy chân hứng rổ chặn sau lưng chú tôm, hai tay lùa trước mặt. Chú tôm ngu ngơ theo phản xạ giật lùi lại, nhảy luôn vào rổ. Quế nhấc rổ lên và tóm gọn chú ta, thả vào chậu. Có ba đứa con gái mà tiếng cười, tiếng nói cứ vang dội, phá tan sự tĩnh mịch của buổi trưa hè. Mải mê quá đến lúc giật mình nhớ ra phải về, cả ba đứa vội vàng chạy. Kiểu gì, chiều nay bữa cơm đạm bạc của nhà chúng nó cũng được bổ xung chất đạm kèm theo lời ca cẩm của mẹ vì cái tội trốn ngủ trưa đi dang nắng.

Chiều đến, bến nước đông vui, nhộn nhịp hơn lúc nào hết. Dân quanh đấy đổ dồn về bến gánh nước, tắm giặt. Các mẹ, các chị ồn ào chuyện cơm áo, con cái. Các bố, các chú bàn luận chuyện thời sự, bóng đá. Nam thanh, nữ tú tếu táo chuyện trên giời, dưới bể, yêu đương. Và lũ choai choai chúng nó thì chỉ mải nghịch ngợm là giỏi.

Thiên nhiên thật ưu đãi con người.  Bên bến, có một gốc sung già oằn mình trên mặt nước. Gốc sung nằm sâu trên bến, ngọn cây sà vươn ra hơn nửa con suối. Thân cây hõm xuống hình lòng máng, tạo thành một cầu trượt lý tưởng có một không hai. Bao lớp người dân Kim tân đã và đang trượt trên cây cầu trượt độc đáo này. Phần thân cây phía dưới mặt nước rỗng hẳn, tạo thành một cái hườm cho các anh thách đấu lặn qua. Trên cành cao, lúc lỉu những chùm quả đủ thế hệ từ xanh non tới chín đỏ. Các anh vắt vẻo trên cây, ném xuống cho các mẹ, các chị đang í ới chỉ trỏ phía dưới từng chùm quả. Bao giờ Quế cũng mang theo một gói muối ớt để chấm sung.  Cái vị chan chát, cay cay, mằn mặn nó quện vào nhau thành một vị khó tả. Thỉnh thoảng được một vài quả chín. Bẻ đôi quả ra, lớp cùi trắng hồng thơm ngọt, quyến rũ, bên trong có những hạt li ti, đôi lúc có những chú bọ bay ra. Nhưng chả sao, chỉ cần gạt bỏ những con bọ đó là nó lại có trái ngon tuyệt vời.

Mấy anh thanh niên thi nhau bơi từ chân cầu số 4 về bến. Đủ các kiểu bơi như bơi ếch, bơi bướm, bơi sải… được thể hiện. Lại có một tốp rủ nhau leo tít trên cành sung rồi lao cắm đầu xuống dòng nước trong xanh. Anh Nam còn thể hiện tung người rồi xoay tròn mấy vòng trên không trung xong mới lao xuống. Có mấy chị bạo gan cũng học theo, leo lên lưng thân cây rồi lao xuống. Cú tiếp nước của các chị thật ngoạn mục với tiếng BẸP ! Bụng tiếp nước đau rát. Tiếng cười rộ vang lên làm cho khổ chủ đỏ bừng mặt xấu hổ. Các mẹ, các chị vẫn mặc nguyên bộ quần áo dài, đằm mình xuống làn nước mát lạnh. Lũ trẻ nhỏ thì cứ tồng ngồng ngụp lặn ven bờ. Nước trong veo, Quế ngồi trên bờ thả chân xuống cho từng đàn cá rỉa vào chân. Một cảm giác tê tê buồn buồn. Những con cá đèn pin bé hơn đầu đũa có đôi mắt thao láo như cái đèn pin, những chú cá đồng xu mình mỏng dẹt, khi bơi chao nghiêng sáng lên ánh bạc, tròn như đồng xu. Mấy đứa rủ nhau lấy quần làm phao tập bơi. Buộc túm hai ống quần lại, giơ cao lên rồi chụp mạnh lưng quần xuống nước, túm chặt lại. Thế là một cái phao ra đời. Cứ túm chặt phao, thả mình xuống nước, chân đập loạn xạ, uống no nước và mắt mũi đỏ kè. Đảm bảo trong một tuần bơi chìm lặn nổi rất giỏi. Bơi lội chán, mấy đứa lại rủ nhau xẻ dọc bờ ta luy từ trên vườn HTX xuống suối, đổ nước miết cho trơn. Thành quả là chiếc cầu trượt đã hoàn thành. Từng đứa tranh nhau trượt tõm xuống nước. Mặt mũi, đầu tóc đứa nào cũng bê bết bùn đất.  Mẹ Quế chạy lại túm tay lôi nó xềnh xệch. Phát cho nó một cái vào mông, mẹ nó quát : thế này thì còn gì là quần nữa. Bảo sao quần nào cũng rách mông !

Tắm xong, Quế chạy ù vào bụi cây thay quần áo và đưa bộ đồ bẩn ra cho mẹ nó giặt. Tiếng đập quần áo dội vào vách núi vọng ra nghe bồm bộp. Lác đác mọi người kéo nhau ra về, trả lại không gian yên bình cho bến nước. 

Thời gian thoăn thoắt thoi đưa, suối vẫn lững lờ trôi, đưa bao kỷ niệm buồn vui theo dòng chảy ra sông về biển lớn. Bến nước xưa đã thay hình đổi dạng, dòng chảy xưa giờ đã đục ngầu đầy rác rưởi và bị lấn dòng nhiều nhưng ký ức về một con suối yên bình, trong xanh, một bến nước vui vẻ, ấm áp tình người vẫn đọng lại trong tâm hồn Quế.

Tản văn của HOÀNG THỊ TUẤN HƯƠNG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo KDPT