web analytics

Cụm từ “Mở lon Việt Nam” có đáng để tranh cãi? 03/07/2019

(KDTT) – Vài ngày gần đây, cư dân mạng xôn xao bình luận về quảng cáo “ Mở lon Việt Nam” của hãng nước ngọt Coca Cola. Mọi người tranh cãi gay gắt, cho rằng Cục Văn hóa cơ sở đang dựa vào suy diễn cá nhân của mình để phạt vô cớ.

Ngay sau khi xuất hiện, nội dung quảng cáo của sản phẩm Coca – Cola Việt Nam đã bị Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “tuýt còi” vì cho rằng “có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam; không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại Khoản 3, Điều 8 và Khoản 1, Điều 19 Luật Quảng cáo”.

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho rằng: “Cụm từ lon Việt Nam trong cụm từ “Mở lon Việt Nam” là không có nghĩa. Trong tiếng Việt không có từ lon Việt Nam. Chưa kể bản thân chữ lon đặt cạnh cái khác là rất phản cảm và thiếu văn hóa, thiếu thẩm mỹ. Ví dụ như có thể thêm mũ thêm rất nhiều thứ. Nó mà ở các phương tiện quảng cáo ngoài trời, có nhiều tình huống có thể thêm mũ thêm dấu vào từ đó. Vì vậy nó rất là rất khủng khiếp nếu chữ đó nó chềnh ềnh ra trên biển quảng cáo ngoài trời”.Khi vừa có công văn gửi các địa phương yêu cầu chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca Cola thì cộng động mạng tranh luận vô cùng sôi nổi về từ “lon” có đáng bị chịu khiển tránh nặng nề đến vậy. Một phía thì cho rằng “người ta bán lon, không mở lon thì mở gì” rồi quay sang chỉ trích do Cục Văn hóa nói thì mới có vấn đề chứ “Mở lon Việt Nam” ai chả biết là mở lon coca. Không chỉ cư dân mạng mà ngay cả đến thầy giáo  Khuất Thế Khoa – Giảng viên bộ môn Tiếng Việt, Trường Hữu nghị 80 (Sơn Tây, Hà Nội) cũng không đồng tình với ý kiến mà Cục Văn hóa đưa ra. Thầy nhấn mạnh “Tôi thật sự không hiểu và vô cùng thất vọng về cách giải thích của bà Hương bởi đó là sự suy diễn rất tùy tiện và ngô nghê. Bản thân từ “lon” đã mang nghĩa chứ không hề vô nghĩa, và từ xưa đến nay, từ người già đến đứa trẻ học lớp 1 đều hiểu “lon” trong slogan “Mở lon Việt Nam” là “lon” nước ngọt chứ không thể là cái gì khác”. Hay trang báo Zing dẫn lời Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam phân tích slogan quảng cáo “Mở lon Việt Nam”: Thêm dấu gán nghĩa xấu cho từ là suy luận nguy hiểm. PGS. TS Phạm Văn Tình cho rằng cách bà Hương lấy “lý do từ này thêm dấu, mũ vào thành chữ mang nghĩa xấu là kiểu suy luận nguy hiểm. Không nên suy luận như vậy vì các trang quảng cáo bưởi, trứng lộn cùng nhiều trường hợp khác” cũng sẽ “dính chưởng”. Nhưng một chiều ý kiến khác lại cảm thấy công văn của Cục đưa ra là rất thỏa đáng, bởi lẽ từ ngữ Việt Nam phong phú, dùng từ “lon” như vậy là vô nghĩa, vô ý thứ. Đến ngay cả các nhà tri thức còn có ý kiến riêng, người thì đồng thuận, người lại thấy vô lý.

Chỉ vì một từ “lon” mà mọi người bàn tán, tranh luận rồi suy diễn. Đúng là từ “lon” không hề xấu, nó có nghĩa, nhưng ý nghĩa của “lon” sẽ đúng và đủ khi đứng bên cạnh các từ như lon bia, lon nước,… chứ không phải đứng đằng trước tên của một đất nước. Slogan “Mở lon Việt Nam”, quả thực ai đọc và nhìn hình ảnh đều biết là mở nắp lon coca nhưng đặt như vậy là nhạy cảm. Bởi lẽ, từ ngữ Việt Nam vốn rất phong phú, một từ nằm ở văn cảnh khác nhau sẽ có ý nghĩa khác nhau. Thêm nữa, ý nghĩa của từ ngữ lại bị biến thể phụ thuộc vào suy nghĩ của mỗi người. Mọi người cần hiểu rằng, Việt Nam không chỉ là tên gọi của đất nước. Việt Nam là hiện diện của sự đấu tranh, sự hy sinh xương máu và nước mắt của biết bao nhiêu thế hệ đi trước. Nó thiêng liêng, cao cả, vậy nên khi dùng từ “Việt Nam”, người dùng phải hiểu được sự quan trọng, trang trọng mà dùng từ ngữ ghép thêm cho đúng để tránh gây ra nhiều luồng tranh cãi.

Sự việc lần này cũng không quá đỗi nghiêm trọng nhưng đây là một bài học không chỉ cho những hãng quảng cáo mà còn là bà học cho mỗi người về cách dùng từ ngữ Việt Nam sao cho đúng chuẩn. Tránh những trường hợp dùng từ mà khiến người đọc tưởng tượng, suy diễn theo hướng tiêu cực, lệch lạc về chữ nghĩa.

Hà My
Theo KDPT