Những năm gần đây, nhất là khi bước sang thế kỷ XXI, trước sự tăng trưởng nóng của kinh tế thế giới bộc lộ mặt trái tác động tiêu cực tới môi trường và cạn kiệt tài nguyên, dẫn tới biến đổi khí hậu và nhiều hậu quả đe dọa cuộc sống con người. Nhân loại hoặc là chủ động, hoặc là buộc phải nhìn nhận lại cách thức và cả mục đích của sự phát triển. Từ đó, một loạt quan điểm, chính sách, mô hình được đưa ra để điều chỉnh, trong đó đáng chú ý là các khái niệm như tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.

Chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn - Vòng quay vĩnh cửu

Tuy nhiên, trước khi đi vào những nội dung cụ thể, chúng ta hãy tiếp cận với các khái niệm trên.

Chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững

Chuyển đổi xanh: Có thể hiểu, nội hàm của chuyển đổi xanh là việc chuyển đổi sang kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. Vậy tăng trưởng xanh kinh tế xanh là gì?

Khái niệm kinh tế xanh ra đời nhằm để đối lập với “kinh tế nâu”. Kinh tế nâu được hiểu là quan điểm phát triển kinh tế trước rồi xử lý môi trường sau. Nói nôm na là tăng trưởng bằng mọi giá, đánh đổi môi trường lấy kinh tế, dẫn đến hậu quả là suy thoái môi trường, suy giảm tài nguyên. Vấn nạn rác thải và hiệu ứng nhà kính dẫn đến biến đổi khí hậu… đang ngày càng tác động tiêu cực đến đời sống con người là những minh chứng rõ nhất. Không những tác động tức thời đến cuộc sống hiện tại, kinh tế nâu còn để lại những hậu quả lâu dài cả về kinh tế, môi trường, xã hội mà nhiều thế hệ sau phải khắc phục, mà nhiều khi không thể khắc phục được. Hơn nữa, chi phí khắc phục trong nhiều trường hợp còn lớn hơn hiệu quả kinh tế mà nó mang lại. Vì vậy, khái niệm “kinh tế xanh” ra đời nhằm khắc phục những mặt trái của kinh tế nâu, trong đó “xanh” mang hàm ý là tốt cho môi trường và con người.

Kinh tế tuần hoàn hướng tới việc kết nối điểm cuối của đường thẳng trong mô hình kinh tế tuyến tính trở lại với điểm đầu, tạo thành một vòng tuần hoàn của vật chất.

Hiện nay, định nghĩa của Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) được coi là chính xác và đầy đủ nhất về kinh tế xanh. Đó là: “Nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Đó là nền kinh tế ít phát thải carbon, sử dụng hiệu quả tài nguyên và đảm bảo công bằng xã hội”. Như vậy, định nghĩa này không chỉ đặt mục tiêu phát triển kinh tế mà còn quan tâm nhiều tới hạnh phúc của con người, công bằng xã hội và các vấn đề môi trường, sinh thái.

Khái niệm tăng trưởng xanh ra đời sau khái niệm kinh tế xanh nhưng hiện nay lại trở nên phổ biến hơn. Theo Ngân hàng thế giới, “tăng trưởng xanh là hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, sạch trong việc giảm thiểu ô nhiễm và các tác động môi trường, linh hoạt trong khả năng thích ứng với các hiểm họa thiên nhiên, quản lý môi trường và vốn tự nhiên trong phòng chống thiên tai”.

Chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn - Vòng quay vĩnh cửu

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam (2021) cũng xác định mục tiêu tổng quát là Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu”.

Như vậy có thể hiểu, chuyển đổi xanh là chuyển từ nền kinh tế nâu sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh. Trong đó tăng trưởng xanh ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, còn kinh tế xanh lại chú ý đến phát triển bền vững với cả ba trụ cột cốt lõi là kinh tế, môi trường và xã hội, nên mang tính toàn diện hơn.

“Chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh. Việt Nam tập trung và mong muốn đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực này”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề “Huy động các nguồn lực cho chuyển đổi xanh” ngày 2/12/2023

Kinh tế tuần hoàn: Khái niệm kinh tế tuần hoàn ra đời nhằm đối lập với “kinh tế tuyến tính”. Kinh tế tuyến tính là cách thức phát triển kinh tế theo mô hình đường thẳng, tức là theo mạch từ khai thác tài nguyên đưa vào sản xuất đến tiêu dùng và sau cùng là thải loại. Đặc điểm thấy rõ của mô hình kinh tế tuyến tính là từ vật liệu đến sản phẩm chỉ có một vòng đời sau đó là thải loại. Điều đó vừa gây lãng phí tài nguyên, vừa gia tăng ô nhiễm môi trường và đồng nghĩa với việc tăng chi phí xử lý rác thải, xử lý ô nhiễm và tác hại tiêu cực đến đời sống con người.

Trái ngược với kinh tế tuyến tính, kinh tế tuần hoàn tạo ra chu trình khép kín, tức là kết thúc vòng đời của sản phẩm sau quá trình sử dụng thì nó lại quay lại chu trình mới để bắt đầu một vòng đời mới. Nói như các chuyên gia, kinh tế tuần hoàn hướng tới việc kết nối điểm cuối của đường thẳng trong mô hình kinh tế tuyến tính trở lại với điểm đầu, tạo thành một vòng tuần hoàn của vật chất. Nói nôm na, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế mà chất thải của công đoạn hay chu trình trước được sử dụng trở thành nguyên liệu đầu vào của công đoạn hay chu trình sau. Do đó, nó là mô hình kinh tế ít rác thải hoặc không rác thải nên bảo vệ được môi trường và tiết kiệm tối đa tài nguyên.

Chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn - Vòng quay vĩnh cửu

Theo tính toán của các chuyên gia, kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích 4,5 nghìn tỷ USD ở quy mô toàn cầu từ năm 2015 đến năm 2030. Riêng tại Châu Âu, kinh tế tuần hoàn có thể đem lại 600 tỷ EUR lợi ích ròng mỗi năm, tạo ra 580.000 việc làm mới và đồng thời giúp giảm một lượng lớn phát thải khí nhà kính.

Phát triển bền vững: Điều 3 Luật bảo vệ môi trường năm 2014 của Việt Nam đã định nghĩa: “Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường”. Định nghĩa này cũng thống nhất về nội dung với định nghĩa của Ủy ban Môi trường thế giới (WCED).

Như vậy có thể thấy, phát triển bền vững là mục đích, mục tiêu hướng tới, có tính chất bao trùm và là kim chỉ nam cho cả phát triển kinh tế và xã hội. Trong đó, tăng trưởng xanh kinh tế tuần hoànlà cách thức, phương pháp, mô hình, là cơ sở, nền móng của kinh tế xanh; còn kinh tế xanh chính là nền tảng để hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Đó là xu hướng, cũng là con đường tất yếu, thậm chí là bắt buộc, để loài người duy trì sự tồn tại và phát triển, không những cho hiện tại mà cho cả tương lai và mãi mãi về sau. Tuy nhiên, tùy vào đặc điểm, tình hình cũng như sự ưu tiên mà từng khu vực, quốc gia chú trọng đến từng khía cạnh, lĩnh vực với mức độ khác nhau trong từng giai đoạn khác nhau.

Chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước

Trước thách thức của tăng trưởng kinh tế tác động tiêu cực đến môi trường, nắm bắt xu thế của thời đại, Đảng ta đã chủ trương tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, đặc biệt là bảo vệ môi trường.

Trong Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã nêu quan điểm: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và nghĩa vụ của mọi công dân”. Đại hội Đảng lần thứ VII (năm 1991) đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 1991-2000 với chủ trương “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường”.

“Chuyển đổi xanh mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp cả thời cơ và thách thức đan xen. Nó mang lại tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp gắn với lợi ích bền vững cho cộng đồng về văn hoá, xã hội và môi trường. Sân chơi rộng lớn này mang đến cho các doanh nghiệp cơ hội dẫn đầu xu thế như phát triển năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, lưu trữ năng lượng và các ngành nghề mới đi kèm theo”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2023

Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ngày 3/6/2013 “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” đã đề ra những giải pháp chủ yếu, trong đó có giải pháp: Đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, tăng cường và đa dạng hoá nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, với nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Mặc dù chưa trực tiếp đề cập đến nội dung các khái niệm, nhưng có thể coi đây là những tiền đề, đặt nền móng cả về lý luận và thực tiễn cho tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững sau này.

Đến Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, lần đầu tiên, Đảng ta chính thức đặt ra nhiệm vụ về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; đề ra các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo, trong đó khẳng định: “Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn”.

Đến Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Nghị quyết Đại hội cũng quán triệt tầm nhìn và định hướng phát triển giai đoạn 2021-2030: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Trên cơ sở những Nghị quyết của Đảng, Nhà nước đã cụ thể hóa, ban hành các chính sách, pháp luật để thực hiện chuyển đổi xanh, áp dụng kinh tế tuần hoàn để hướng tới phát triển bền vững; như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai… Các nội dung liên quan đến kinh tế tuần hoàncũng đã được cụ thể hóa trong Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam 2011-2020; Chiến lược Bảo vệ môi trường đến 2020, tầm nhìn 2030; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn năm 2050…

Đặc biệt, lần đầu tiên khái niệm kinh tế tuần hoàn được “luật hóa” trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 với nội dung: “Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”. Đến năm 2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, đánh dấu lộ trình mới trong việc xanh hóa các ngành kinh tế để phát triển bền vững. Trong đó nêu rõ quan điểm “Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 – 2030, hệ thống quy hoạch quốc gia, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực”.

Chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn - Vòng quay vĩnh cửu

Mới đây nhất, ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 687/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Trong đó khẳng định quan điểm “Chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG); góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chủ động thích ứng, chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Kinh tế tuần hoàn và vòng quay vĩnh cửu

Như vậy có thể thấy, quan điểm của Đảng cũng như các chính sách, chiến lược của Nhà nước đã bắt kịp xu thế thời đại hướng tới phát triển bền vững. Tuy nhiên, với đặc điểm cụ thể của Việt Nam, trong chuyển đổi xanh chúng ta tập trung vào kinh tế tuần hoàn để thúc đẩy tăng trưởng xanh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Nhìn ở một góc độ khác, kinh tế tuần hoàn tương hỗ với tăng trưởng xanh, để cùng hướng tới xây dựng kinh tế xanh và xa hơn là phát triển bền vững

“Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh “xanh” là chiến lược và lợi thế cạnh tranh; từ sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường, ủng hộ các hoạt động trách nhiệm xã hội, đến đầu tư nghiêm túc vào những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu chất thải và khí thải…”.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023

Vì vậy, kinh tế tuần hoàn là tất yếu phải thực hiện để xây dựng kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững. Bởi vì, không chỉ dừng lại ở những lợi ích trông thấy mà kinh tế tuần hoàn mang lại, một ý nghĩa không kém phần quan trọng là với cách giải thích như trên, kinh tế tuần hoàn còn phá vỡ định kiến từ trước đến nay cho rằng tăng trưởng kinh tế luôn song hành cùng với mặt trái của nó là tác động tiêu cực tới môi trường, thậm chí là hủy hoại môi trường. Với chu trình khép kín, tái sử dụng tài nguyên và hạn chế rác thải, kinh tế tuần hoàn vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, hiệu quả, vừa bảo vệ được tài nguyên, môi trường. Bởi như trên đã nói, với kinh tế tuần hoàn “không rác thải”, tài nguyên được sử dụng một cách tối đa, vừa tiết kiệm tài nguyên, vừa tạo ra hiệu quả kinh tế cao và nhất là bảo vệ môi trường một cách hữu hiệu. Chính vì thế, có thể coi đây là hạt nhân của kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Nói cách khác, chuyển đổi xanh mà trong đó có thể coi mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những cách thức quan trọng nhất, là giải pháp vừa mang tính tất yếu, vừa là bắt buộc để kịp thời thích ứng trước những thách thức về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên…, để hướng tới phát triển bền vững.

Thời cổ đại, loài người mơ ước chế tạo ra một động cơ vĩnh cửu chỉ khởi động một lần mà có thể vận hành, chuyển động mãi mãi. Nhưng ước mơ đó không thể thực hiện được vì nó bị hạn chế bởi định luật bảo toàn năng lượng. Tuy nhiên, bằng mô hình kinh tế tuần hoàn, khai thác tối đa năng lượng tái tạo, tài nguyên cũng được tái sử dụng một cách tối đa bằng những chu trình khép kín, tạo ra “vòng quay vĩnh cửu”, có thể nói, loài người đã biến được ước mơ động cơ vĩnh cửu thành hiện thực ở một phương diện khác, với quy mô lớn hơn, toàn diện hơn và ý nghĩa cũng lớn hơn nhiều, bởi nó duy trì được sự phát triển bền vững./.