web analytics

Chuyển đổi kinh tế số – những bài học quốc tế 07/05/2019

(KDTT) – Việt Nam đang có những nỗ lực mạnh mẽ để chuyển đổi nền kinh tế sang một giai đoạn mới: nền kinh tế số. Trước đó, các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản… đã có những kinh nghiệm quý báu cho chúng ta.

Một là, các sáng kiến đang ngày càng dựa vào công nghệ số và có thể mang lại nhiều lợi ích về kinh tế – xã hội nếu được triển khai một cách hợp lí. Rõ ràng

là tiềm năng đóng góp của các công nghệ số cho nền kinh tế là rất lớn, đặc biệt đối với Việt Nam với số lượng người dùng internet và sử dụng điện thoại thông minh đông đảo và đam mê công nghệ. Ở khía cạnh này tăng cường nhận thức của người dân và doanh nghiệp về kinh tế số, các lợi ích và thách thức đi kèm, với các nội dung cụ thể theo từng ngành, lĩnh vực cũng rất cần được quan tâm, đặc biệt thông qua các cơ quan, xí nghiệp và trường học.

Hai là, Chính phủ cần tạo không gian thử nghiệm đi đôi với hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển nền kinh tế số. Các ứng dụng công nghệ số sẽ là đòn bẩy thúc đẩy đổi mởi sáng tạo của các cá nhân và doanh nghiệp, do vậy khuyến khích doanh nghiệp tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ số phải được đặt ra như một ưu tiên cao. Theo đó, kinh nghiệm của các nước cho thấy nhất thiết phải có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phía Chính phủ với tư duy quản lí thông thoáng nhằm “cởi trói” cho các doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Bối cảnh hiện nay cho thấy nếu chính sách quản lý không cởi mở, thiếu linh hoạt, thông thoáng thì sẽ làm cho cả doanh nghiệp trong nước và nền kinh tế của quốc gia bị yếu thế trong cuộc cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài và các nền kinh tế trên thế giới. Đặc biệt là Việt Nam hiện đang thiếu một kế hoạch quốc gia về chuyển đổi số nhằm tạo sự thuận lợi cho sự phát triển của nền kinh tế số, hình thành đồng bộ hạ tầng số quốc gia. Hành động trước hết là cần xây dựng và công bố quy hoạch ngành về ứng dụng công nghệ thông tin để làm cơ sở ban hành các chuẩn trao đổi thông tin giữa các cơ quan, đơn vị, qua đó tạo sự liên kết, đồng bộ trong quá trình đầu tư và phát triển hạ tầng dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin.

Ba là, cả chính phủ và khu vực tư nhân đều cần phải nỗ lực đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số cũng như các giải pháp công nghệ số hiện đại để triển khai các ứng dụng số kết nối thông minh, đẩy nhanh các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, hiệu quả hóa chính phủ điện tử… Về nâng cấp hạ tầng số, Chính phủ và các doanh nghiệp cần khẩn trương chuẩn bị các phương án triển khai dịch vụ 5G để có thể theo kịp xu hướng thế giới khi nửa đầu năm 2019 sẽ có điện thoại thông minh tích hợp 5G với tốc độ cao hấp nhiều lần mạng 4G hiện nay. Công nghệ 5G sẽ tạo cơ sở hạ tầng tốt cho việc kết nối theo xu hướng Internet kết nối vạn vật, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Bốn là, bên cạnh chú trọng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số, nguồn nhân lực công nghệ thông tin cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Chương trình đào tạo nhân lực CNTT cần hướng đến đẩy nhanh xã hội hóa giáo dục công nghệ thông tin, đặc biệt là cập nhật giáo trình đào tạo CNTT gắn với các xu thế công nghệ mới như Internet kết nối vạn vật (Internet of Things – IoT), AI, công nghệ robot, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tiếp cận lĩnh vực này càng sớm càng

tốt, đẩy mạnh liên kết đào tạo và thực hành giữa các trường và khu vực doanh nghiệp trong ứng dụng CNTT.

Nguồn: Viện Quản lý Kinh tế Trung ương