web analytics

Chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển bền vững 18/09/2020

(KDTT) – Sáng (17/9), Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp đồng Năng lượng Thế giới, được tổ chức tại Hà Nội, với mục đích thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ với mục tiêu tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng.

Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam năm 2020 tổ chức sáng ngày 17/9 tại Hà Nội.

Tham dự diễn đàn có ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Tạ Việt Dũng – Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ KH&CN); các doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực công nghệ và năng lượng, cùng khoảng 300 đại biểu là chuyên gia, nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp năng lượng.

Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, “Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020” được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu làm chủ, ứng dụng và phát triển công nghệ với mục tiêu tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, đồng thời trao đổi về thách thức và giải pháp công nghệ trong phát triển ngành năng lượng.

Khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, ngành năng lượng Việt Nam thời gian qua đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực, bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu đáng ghi nhận: Cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện, chỉ số tiếp cận điện năng đứng thứ 27/190 quốc gia/vùng lãnh thổ; công nghiệp khai thác dầu khí và lọc hoá dầu phát triển mạnh sản lượng khai thác than thương phẩm tăng; thuỷ điện phát triển nhanh, gần đây điện gió và điện mặt trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao; Huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, ngành năng lượng trở thành ngành đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước.

Ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ KH&CN phát biểu khai mạc diễn đàn.

Tại diễn đàn, có năm tham luận được đưa ra nhằm diễn giải hiện trạng của ngành năng lượng Việt Nam, cũng như kiến nghị những phương án, hướng phát triển mới cho ngành năng lượng. Trong đó, tham luận “Một số chính sách phát triển hạ tầng bền vững và nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ về năng lượng” của ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương và tham luận “Chuyển dịch cơ cấu năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, gắn với phát triển năng lượng bền vững” của ông Đinh Thế Phúc – Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đưa ra được tầm quan trọng của việc thay đổi chính sách, cơ cấu, công nghệ của ngành năng lượng, từ sản xuất, tiêu thụ các nguồn nhiên liệu hóa thạch truyền thống như: than, dầu, khí tự nhiên sang các nguồn năng lượng tái tạo, bền vững như gió, mặt trời, sinh khối,…

Ông Nguyễn Khoa Đức Anh – Phó Giám đốc Khối Khách hàng DN kiêm GĐ Trung tâm Phát triển giải pháp tài chính khách hàng, Ngân Hàng VietinBank với tham luận “Ưu tiên tín dụng năng lượng công nghệ cao” đã đưa ra những khó khăn, thách thức đối với ngân hàng như: Khó xem xét tài trợ vốn cho các doanh nghiệp mới, chưa đủ điều kiện cấp tín dụng; Khó xây dựng bộ tiêu chí thẩm định về kỹ thuật và tài chính của dự án năng lượng công nghệ cao; Chưa có nhiều cán bộ/chuyên gia thẩm định chuyên môn sâu; Quản lý giám sát dự án và dòng tiền cần sự phối hợp với cơ quan liên quan.

Tham dự trao đổi, thảo luận tại diễn đàn, ông Sven Enerdal – Giám đốc Dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng, Chương trình Hỗ trợ năng lượng Bộ Công Thương/GIZ cho biết: “Các đối tác phát triển, bao gồm GIZ, sẵn sàng đóng góp vào quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam”. Đồng thời, ông nhấn mạnh việc chuyển đổi năng lượng bền vững ở Việt Nam đang đi đúng hướng, giải quyết các vấn đề chủ chốt như: Gia tăng mối quan tâm về các vấn đề môi trường và an ninh năng lượng; Giảm giá năng lượng tái tạo; Tăng cường đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.

Ông Sven Enerdal – Giám đốc Dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng, Chương trình Hỗ trợ năng lượng Bộ Công Thương/GIZ cho biết “các đối tác phát triển, bao gồm GIZ, sẵn sàng đóng góp vào quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam”.

Cũng trong diễn đàn, các đại biểu đưa ra một số nguyên nhân chủ quan và khách quan khiến ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế như: nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi; cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ; trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao, việc nội địa hoá và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hoá cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế,…

Diễn đàn được tổ chức thường niên kể từ năm 2017, là cơ hội để các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực năng lượng trao đổi, chia sẻ, kết nối nhằm phát triển bền vững, góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam.

MINH HẠ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT