web analytics

‘Chợ không người bán’, mô hình chợ nhân văn, an toàn tại Hà Nội 25/08/2021

(KDTT) – “Chợ không người bán” là mô hình bán hàng của một nhóm thiện nguyện vừa đi vào hoạt động trên địa bàn TP. Hà Nội, nhằm hạn chế tiếp xúc, tránh lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng.

Mô hình bán hàng được triển khai từ ý tưởng bán hàng tự động trả tiền tại Nhật Bản. Để có hàng cung cấp, nhóm thiện nguyện đã phải nỗ lực hết sức để thu gom, vận chuyển, đóng gói, cũng như quản lý chuỗi cửa hàng

Tất cả các mặt hàng bày bán đều đồng giá 10.000 đồng, một mức giá hợp lý đối với thu nhập khó khăn của đa số người dân trong thời điểm giãn cách

Khách hàng đến gian hàng, tự chọn, mua theo thứ tự, đảm bảo mỗi lượt mua chỉ 1 người

 

Chuỗi gian hàng rau, củ, quả không người bán đã được triển khai tại nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm hỗ trợ người dân mua hàng thuận tiện trong những ngày giãn cách xã hội. Ở mỗi gian hàng đều bày bán khá phong phú những loại rau, củ, được đóng gói sẵn, đồng giá 10.000 đồng/ gói/ loại.

Bên cạnh các gian hàng, có sẵn thùng đựng tiền, người mua tự giác trả tiền theo số lượng rau, củ họ mua tại các gian hàng. Điều đặc biệt hơn cả, ở mỗi gian hàng đều có một bảng chữ màu đỏ có dòng chữ rất nhân văn: “Nếu bạn khó, cứ lấy trước, hết dịch ta trả sau”. Lời nói trên biển hiệu như một lời động viên, chia sẻ, như niềm tin chắc chắn, Việt Nam sẽ chiến thắng dịch bệnh. Người dân sẽ được trở về cuộc sống sinh hoạt bình thường trong trạng thái bình thường mới.

“Lời mời” dành cho “người khó” giống như một lời động viên, chia sẻ, lời chúc cho người người được khỏe mạnh. Là một cách “cho đi” đầy nhân văn mà người nhận thấy được trân trọng, được quan tâm.

Khách hàng tự chọn, tự thanh toán tiền theo số hàng mình mua, bằng cách bỏ tiền vào thùng đựng tiền bên cạnh mỗi gian hàng

 

Ghi nhận thực tế chung tại các gian hàng triển khai theo mô hình “chợ không người bán” đều nhận thấy, các gian hàng được đặt tại các địa điểm thông thoáng, cách xa chợ và nơi tập trung đông người, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch của thành phố Hà Nội.

Được biết, mô hình độc đáo này của một nhóm thiện nguyện, do anh Nguyễn Hoàng Kiệt đại diện đứng ra triển khai. Đây là mô hình bán hàng được lấy ý tưởng từ Nhật Bản. Mô hình này thực sự hiệu quả, nhân văn, bảo đảm đúng tinh thần của Chỉ thị 16 trong phòng chống dịch Covid-19 vào thời điểm giãn cách. Nhóm dự định triển khai 10 gian hàng, tại các điểm đông dân cư nhưng lại xa chợ. Các gian hàng mở cửa phục vụ từ 7h sáng tới 21h tối hàng ngày.

Người công nhân môi trường này chỉ mua một sản phẩm duy nhất và anh đã trả 10.000 đồng vào thùng tiền với sự tự giác của một người lao động nghèo đầy tự trọng

Một “lời mời” mua hàng rất nhân văn, dành tặng cho tất cả những người khó khăn. Đó là sự “cho đi” rất đáng quý, người tặng thấy vui, người nhận ấm lòng vì được quan tâm, chia sẻ, trân trọng …

 

Để có đủ hàng hóa phục vụ, nhóm phải hoạt động hết công suất từ việc thu gom nông sản, đến phân loại, đóng gói và chuyển đến các điểm bán. Các mặt hàng được bán đồng giá 10.000 đồng là mức giá hỗ trợ, hầu hết người lao động có thể mua được. Bên cạnh đó, nhóm cũng sẵn sàng hỗ trợ cho những người khó khăn, không có thu nhập với phương thức “mua trước, hết dịch đi làm trả sau”.

Từ thành công của cửa hàng đầu tiên trên phố Đại Linh (Trung Văn, Nam Từ Liêm), mô hình đã mở rộng triển khai tại các địa chỉ mới như 276 Thượng Đình (Thanh Xuân, Hà Nội), 24 Trần Quốc Vượng (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội), 80 Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì), 21 Khâm Thiên (Thổ Quan, Đống Đa) và 14 Đốc Ngữ (Ba Đình)…

H_NGUYỄN

Bạn đang đọc bài ‘Chợ không người bán’, mô hình chợ nhân văn, an toàn tại Hà Nội tại chuyên mục Góc nhìn
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo SK&MT