web analytics

Chiến lược để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn 31/08/2019

(KDTT) – Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, lĩnh vực du lịch – ngành “công nghiệp không khói” đang được Chính phủ và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, mang về một nguồn thu không nhỏ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ngành du lịch Việt Nam còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác.

Nhờ chiến lược quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng đông. Ảnh internet.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bảy tháng đầu năm 2018, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt hơn 9000 nghìn lượt người, tăng 25,4% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, lượng khách đến từ châu Á đạt gần 7000 nghìn lượt người, chiếm 77% tổng số khách du lịch tới nước ta, tăng 30,4% so cùng kỳ năm trước; khách đến từ châu Âu ước tính đạt hơn 1.230 nghìn lượt người, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng lưu ý, về doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt khoảng 306,7 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so cùng kỳ năm trước và chiếm 12,3% tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng; doanh thu du lịch lữ hành đạt 23,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,7% và chiếm 0,9% tổng mức…

Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch, đã nêu rõ quan điểm: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, nhưng không nhất thiết địa phương nào cũng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao; xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc; tăng cường liên kết trong nước và quốc tế, chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch…

Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Thu hút được 17 – 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.

Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Theo nhận định của các chuyên gia, để đạt những mục tiêu đề ra, ngành du lịch phải có những giải pháp kịp thời, như phát triển thị trường xúc tiến quảng bá thương hiệu, gắn liền với đầu tư và chính sách; tích cực triển khai thực hiện hợp tác quốc tế về du lịch, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách liên quan lĩnh vực này.

Cụ thể hơn, cần nhanh chóng đầu tư hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, đi đôi với đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, bởi yếu tố con người đối với ngành dịch vụ luôn được đánh giá cao. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định tại Diễn đàn “Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam năm 2019” tổ chức tại TP Hồ Chí Minh rằng, với 100 triệu người Việt Nam trong nước và ở nước ngoài, nguồn nhân lực của chúng ta hoàn toàn không thiếu cả lượng lẫn chất. Điều cốt yếu, chúng ta phải phát huy được tốt nhất những tiềm năng và kỹ năng tiềm ẩn trong mỗi người Việt Nam. Chúng ta cần có một môi trường chính sách tốt, mỗi doanh nghiệp cần một cơ chế quản trị, chế độ đãi ngộ tương xứng với thành quả, năng lực đóng góp, đồng thời thu hút những lao động có kỹ năng từ các lĩnh vực khác tham gia vào ngành du lịch.

Ngoài ra, các trường đại học, cơ sở đào tạo cần cập nhật giáo trình, phương pháp đào tạo liên quan những ngành nghề thuộc lĩnh vực này, đáp ứng tốt các chuẩn mực mang tầm quốc tế, cũng như xu hướng phát triển công nghệ trong lĩnh vực du lịch.

Theo KDPT