Thúc đẩy phát triển trái phiếu xanh, cổ phiếu xanhTrái phiếu xanh – Nguồn lực cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trái phiếu xanh là một loại trái phiếu được phát hành để huy động vốn từ các nhà đầu tư để tài trợ cho các dự án xanh hoặc các hoạt động có tính bền vững về môi trường. Điều này được thực hiện nhằm hỗ trợ xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp sạch, giảm thiểu khí thải, tăng cường năng lượng tái tạo và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Trái phiếu xanh có các đặc điểm khác biệt so với các loại trái phiếu thông thường, bao gồm các tiêu chuẩn xanh nhằm đảm bảo rằng các dự án được tài trợ bởi trái phiếu xanh phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên bền vững. Việc phát hành trái phiếu xanh được coi là một cách thức tài trợ mới và tiềm năng để hỗ trợ cho các dự án xanh, giúp tăng cường năng lực tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của toàn cầu.

Khung pháp lý cho trái phiếu xanh ESG

Theo Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA), trái phiếu xanh là bất kỳ loại công cụ trái phiếu nào mà số tiền thu được hoặc số tiền tương đương sẽ được sử dụng để tài trợ hoặc tái tài trợ, một phần hoặc toàn bộ, các dự án xanh đủ điều kiện mới và/hoặc hiện có.

Theo Khoản 1, Điều 150 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, “Trái phiếu xanh là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật về trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường”.

Có thể thấy, trái phiếu xanh được định nghĩa trong pháp luật Việt Nam có nhiều điểm tương đồng so với các khái niệm trong những văn bản khác của quốc tế. Điều này cho thấy, việc xây dựng khung pháp lý về trái phiếu xanh tại Việt Nam luôn được cập nhật hoàn thiện để phù hợp với tinh thần quốc tế.

Ngày càng nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam quan tâm đến trái phiếu ESG – trái phiếu huy động vốn cho những dự án hướng đến các tiêu chuẩn cao về: môi trường, xã hội và quản trị. Tại Việt Nam đã phát hành gần 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh từ năm 2019 đến năm 2023. Có thể nói, trái phiếu xanh là cách tiếp cận mới để tài trợ cho các dự án xanh, nhưng cũng cần giám sát nghiêm ngặt để đảm bảo độ tin cậy. Vì vậy, Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện khung pháp lý cho trái phiếu xanh.

AIA Việt Nam là một trong số các nhà đầu tư tham gia vào đợt phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh của Ngân hàng BIDV hồi tháng 10 vừa qua. Doanh nghiệp này nhận định, với xu hướng quan tâm đến ESG tại Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để họ đầu tư vào trái phiếu xanh.

“Chúng tôi đã chuyển rất nhiều khoản đầu tư của mình vào ESG và chuyển sang tăng trưởng bền vững ở tất cả các quốc gia mà chúng tôi hoạt động. Cụ thể, chúng tôi đã đầu tư 4,3 tỷ USD vào trái phiếu ESG và đặc biệt là 2,6 tỷ USD vào trái phiếu xanh”, ông Wayne Besant, Tổng Giám đốc AIA Việt Nam, cho biết.

Tuy nhiên nhiều tổ chức nhận định, mức độ sẵn sàng cho thực hành ESG của ngành tài chính ở Việt Nam vẫn chưa cao. Khảo sát do PwC thực hiện cho thấy, chỉ có 27% đơn vị đặt ESG vào chiến lược kinh doanh và đến 47% vẫn chỉ thực hành ESG ở mức độ “tuân thủ và quản lý rủi ro”. Để thúc đẩy việc thực hành ESG trong các tổ chức tài chính, cần giải pháp cho thị trường trái phiếu xanh phát triển và mở rộng cơ hội đầu tư vào các dự án ESG.

“Lượng trái phiếu xanh phát hành còn hạn chế, vì thị trường vẫn đang trong giai đoạn mới và chưa có nhiều nhà đầu tư quan tâm. Để thúc đẩy điều này, tôi nghĩ yếu tố minh bạch là rất cần thiết. Nhà đầu tư nên được biết họ đang đầu tư vào dự án ra sao, các chế độ báo cáo, kiểm tra và giám sát đối với dự án”, ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia tài chính cao cấp, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhận định.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các bộ, ngành có liên quan đang dự thảo quy định liên quan đến phân loại dự án xanh, tiêu chí để xác định dự án xanh, làm cơ sở cho các chủ thể doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tín dụng để phân loại, đánh giá tài trợ cho các dự án xanh”, ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc BIDV, cho hay.

Số tiền thu được từ phát hành trái phiếu sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Thành công từ đợt phát hành trái phiếu xanh được xếp hạng bởi Moody’s – tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế, cũng giúp BIDV được tạp chí Global Banking & Finance Review ghi nhận là ngân hàng triển khai giao dịch phát hành trái phiếu ESG tốt nhất Việt Nam 2023.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trái phiếu xanh là một loại trái phiếu được phát hành để huy động vốn từ các nhà đầu tư để tài trợ cho các dự án xanh hoặc các hoạt động có tính bền vững về môi trường. Điều này được thực hiện nhằm hỗ trợ xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp sạch, giảm thiểu khí thải, tăng cường năng lượng tái tạo và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

HƯƠNG LAN

https://kinhdoanhvaphattrien.vn/khung-phap-ly-cho-trai-phieu-xanh-esg-33265.html