Mạch nguồn đó đã thôi thúc doanh nhân Phạm Hồng Điệp sáng tác bài thơ “Phục Lễ một miền quê”, và nhạc sĩ Ngọc Tuyết phổ nhạc. Trong mạch cảm xúc đó, Phạm Hồng Điệp đã dốc lòng tâm sự về hoàn cảnh ra đời của bài thơ:

“Quê hương, hai chữ thiêng liêng trong cuộc đời mỗi con người, sinh ra và lớn lên, ra đi và trở về… Với Phục Lễ quê tôi bên cạnh dòng sông Bạch Đằng với cánh rừng nước mặn bạt ngàn xanh thắm, tiếng lội bì bõm của bước chân đánh dậm, bắt cá dưới tán rừng, từng đàn cò trắng chiều chiều bay về xao động những hàng cây. Phục Lễ quê tôi, bên đê là vùng lúa chiêm trũng quanh năm ngập nước với sự lao động chăm chỉ của bà con nông dân. Quê nghèo, nên những người đi trước và thế hệ của chúng tôi chỉ biết chăm chỉ học hành để phấn đấu có trí thức để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Phục Lễ với bao dấu tích lịch sử hàng ngàn năm đánh giặc giữ nước từ thời Ngô Vương Quyền, đến thời Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn… rồi Bạch Đằng Giang đã viết lên câu chuyện hào hùng của con người nơi đây. Phục Lễ có văn hoá truyền thống với điệu hát Đúm, với các cô gái khăn đen mỏ quạ áo nâu, váy sa tanh mát rượi, đôi mắt đen láy hút hồn các chàng trai. Ánh mắt tình tứ mà kiên trung vững vàng trước bao phong ba bão táp làm lên những điều kỳ tích của phụ nữ ba đảm đang xây dựng lên Phục Lễ anh hùng.

Tôi tự hào vì được sinh ra ở miền quê đó, nơi con người rất thật thà thẳng thắn, hào sảng đúng nghĩa của người Hải Phòng và có tiếng nói phát âm chuẩn nhất Việt Nam. Theo năm tháng phát triển, cho dù sau này Thuỷ Nguyên sẽ trở thành thành phố bên bờ Bạch Đằng Giang, cái tên Phục Lễ có thể thay đổi nhưng từ ngàn đời nay, Phục Lễ vẫn là tổng phục là nơi tập trung văn hoá của miền cửa biển. Chính vì điều này khi tôi viết lời cho những bài hát về miền quê đó, tôi đã gửi gắm ký ức không thể nào quên, về miền quê hội tụ hồn của biển sóng Bạch ngàn năm….”

Theo KDPT