web analytics

Tết Nguyên đán là nền móng văn hóa của dân tộc Việt Nam 13/01/2021

(KDTT) – Nhân dịp Nhà xuất bản Thế giới và Mai Hà Books giới thiệu cuốn sách mới “Tết Việt Nam xưa” – tuyển dịch những góc nhìn, những bài nghiên cứu sâu sắc về Tết cổ truyền Việt Nam, Kinh doanh và Phát triển có dịp trò chuyện với PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Việt Nam học, về văn hóa Việt Nam và Tết Việt.

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng

Tết truyền thống Việt Nam chính là hồn cốt của dân tộc

Là người nghiên cứu rất nhiều về Tết Nguyên đán hay Tết Cả của Việt Nam, ông có thể chia sẻ những điều đặc biệt nổi bật của Tết cổ truyền Việt Nam?

Việt Nam là cái nôi của nền văn minh lúa nước. Trong một chuỗi hoạt động, chúng ta có dịp dừng lại, tổng kết việc thu hoạch như thế nào và tổ chức những buổi lễ Tết ăn mừng thành quả.

Một năm chúng ta có những lễ hội, những cái Tết nhỏ, nhưng Tết Nguyên đán là Tết Cả, là ngày chúng ta thực hiện chuỗi nghi thức tưởng nhớ tổ tiên, ông bà và đúc kết, chiêm ngưỡng thành quả trong một năm lao động.

Chúng ta nghiên cứu Tết rải rác từng chút nhưng tôi muốn xâu chuỗi lại, rằng ăn Tết chỉ 3 ngày nhưng kỳ thực đã chuẩn bị cả năm, từng chút, từng chút một. Tết truyền thống Việt Nam cũng chính là cái hồn cốt của dân tộc.

Cuốn sách “Tết Việt Nam xưa” (NXB Thế giới, Mai Hà Books) theo ông có điều gì đặc biệt?

Cuốn sách “Tết Việt Nam xưa” tập hợp những bài viết của những nhà Đông phương học, theo đoàn quân viễn chinh Pháp hướng vào miền Viễn Đông châu Á.

Có những đoàn Kito giáo, có những nhà nghiên cứu đi theo và họ thấy một đất nước miền Viễn Đông rất xa lạ, khi đó họ gọi xứ An Nam còn gọi là Indochine, khi họ chưa xác định được vị trí và tên gọi chính xác.

Khi đến với đất nước chúng ta, họ mang tâm lý của nhà thám hiểm, đi tìm cái gì lạ để cung cấp nguồn tư liệu cho phương Tây, và Tết là một trong số những thứ họ thấy độc – lạ.

Trong sách có bài viết của những nhà Đông phương học quen thuộc với chúng ta, họ nhận xét rất chi tiết cách ăn Tết với tác phong, cử chỉ, nghi thức, tùy theo góc nhìn cá nhân.

Lại có những nhà Việt Nam học bậc thầy như Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Vĩnh… có những nhận xét, những góc nhìn quen thuộc về Tết của dân tộc mình.

Cá nhân tôi nghĩ những học giả Đông phương và những nhà Việt Nam học có trao đổi với nhau. Tôi nghĩ cuốn sách rất đáng đọc để thấy rằng phương Tây họ đã ngưỡng mộ về Tết truyền thống của ta ra sao, họ đã ngắm nhìn những điều đặc sắc của chúng ta như thế nào.

Phần lớn cuốn sách được dịch từ tiếng Pháp. Tôi thấy, người dịch khá thấu đáo về Việt Nam học, có sự tìm hiểu kỹ và so sánh về ngôn ngữ nên sách dễ đọc, dễ hiểu, dễ cảm.

Cụ thể hơn, những người nước ngoài họ nhìn nhận ra sao về Tết Việt Nam xưa, thưa ông?

Nhìn chung, họ ngạc nhiên, vì phương Tây không có. Ngay cả những nước phương Đông có sự kiện tương tự nhưng Tết cổ truyền Việt Nam có những điểm khác biệt. Và điều đó khiến chúng ta không bị đồng hóa hay tha hóa.

Nhìn vào Tết chúng ta thấy, thực ra có gì đó cấu tạo từ bên trong những con người Việt Nam, mặc dù có ảnh hưởng bao quát của nền tảng văn hóa chung của nhân loại nhưng văn hóa Việt Nam vẫn có chất, có hồn, có những điểm đặc sắc.

Theo đánh giá của Tiến sĩ, những bài viết, chia sẻ của các nhà nghiên cứu Việt Nam học và những học giả Pháp nổi tiếng có giá trị gì với cuộc sống đương đại?

Nếu coi cuộc sống của chúng ta là một trò chơi thì Tết là một trò chơi lớn mà người lớn, trẻ em cùng tham gia vào những ngày lễ mừng kết thúc mùa thu hoạch. Tuy nhiên, mỗi người có một cách nhìn khác nhau về cách ăn Tết của người Việt Nam…

Quyển sách tập hợp những nghi thức, phong tục, trò chơi ngày Tết Việt Nam xưa rất đa dạng, với nhiều góc nhìn khác nhau. Qua những góc nhìn, quan điểm riêng đó đã bộc lộ hết về Tết Việt Nam xưa mà phần lớn là vẻ đẹp của một dân tộc. Vẻ đẹp đó đã được duy trì mãi, dù có biến đổi nhưng không thể xóa bỏ giống như ADN của con người.

Khi tập hợp được những góc nhìn của người Việt – người Pháp, chúng ta có được sự đa dạng, ngoài việc cung cấp thông tin thú vị về Tết cho độc giả đại chúng, cuốn sách có giá trị là công cụ nghiên cứu Việt Nam học đặc biệt là ngày Tết Việt Nam.

Mỗi ấn phẩm tô thêm màu sắc vào bức tranh Tết

Đọc lại những bài viết trong cuốn sách, ông nhận định Tết xưa và nay có những khác biệt nào lớn?

Khác nhiều chứ, làm sao có thể không khác được! Chúng ta trải qua thời kỳ bị đô hộ cả trăm năm. Đáng mừng là dù có thay đổi nhưng cái gốc vẫn còn, có những biến dạng tùy theo vùng miền nhưng cốt lõi ý nghĩa tốt đẹp của Tết Việt vẫn còn đó.

Ông nhận định như thế nào về vai trò của Tết cổ truyền trong nhịp sống đương đại?

Chúng ta thỉnh thoảng xuất hiện tư tưởng bỏ Tết ta, ăn Tết Tây, từ lâu đã có và gần đây xuất hiện trở lại. Họ cho rằng chúng ta mất thời gian cho Tết. Không, chúng ta phải mất thời gian để gìn giữ một lễ nghi bởi lễ nghi đó làm giàu cho tâm hồn dân tộc, làm giàu tinh thần yêu nước.

Thay vào đó, hãy bỏ bớt thời gian nhậu nhẹt, ăn uống, chơi bời đi để giữ gìn lễ nghi đó trong gia đình, dân tộc. Dù cuộc sống chúng ta thay đổi thế nào, giàu có ra sao thì Tết cổ truyền vẫn làm chúng ta cảm thấy rạo rực tình yêu đồng bào, dân tộc, gia đình…

Đã thành thông lệ, dịp cuối năm các nhà xuất bản thường phát hành những cuốn sách về Tết, Tết xưa. Ông thấy dòng sách này có ý nghĩa như thế nào đối với độc giả Việt Nam hiện nay, nhất là ở thời kỳ 4.0?

­Mỗi năm nhiều nhà văn, nhà báo, học giả Việt Nam học tập trung nói về ngày Tết với bút pháp khác nhau. Mỗi người mô tả Tết với những dáng vẻ riêng, tô thêm màu sắc vào bức tranh Tết. Theo đó, độc giả vẫn rất thích thú, vẫn có cảm xúc riêng, rất thú vị.

Tết xưa nhưng qua lời của mỗi nhà văn, góc nhìn khác nhau, thành thử không bị lỗi thời. Tết dân tộc, lễ nghi, tập quán của dân tộc thì không bao giờ lỗi thời, càng đi sâu tìm hiểu càng thấy chan chứa tình yêu đồng bào, dân tộc. Các nhà văn nhà báo năm nào cũng viết về Tết, tôi cứ đọc và thấy cảm xúc lắm, thú vị lắm.

Theo ông, sách về Tết có ý nghĩa như thế nào với dòng chảy văn học Việt Nam hiện nay?

Văn học Tết len lỏi trong dòng chảy văn học Việt Nam, như xương sống không thể tách rời. Tết truyền thống là nền móng văn hóa, là hồn cốt dân tộc. Tết níu kéo, kết nối chúng ta gần nhau.

Xin cảm ơn PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ!

BÍCH NGA (Thực hiện)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT