Là đô thị trung tâm của tỉnh Vĩnh Phúc, trong những năm qua, nhất là giai đoạn 2016-2020, thành phố Vĩnh Yên đã có những bước phát triển khá toàn diện về nhiều mặt. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.

Trong đó, kinh tế duy trì mức tăng trưởng trên 17% mỗi năm. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan đô thị được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm đầu tư với nhiều dự án lớn, trọng điểm như: Công viên quảng trường Hồ Chí Minh, Nhà hát tỉnh, Văn miếu Vĩnh Phúc, các dự án giao thông, dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị… căn bản thay đổi diện mạo đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại hơn.

Với mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Yên hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I, cơ bản trở thành đô thị xanh và từng bước xây dựng thành phố thông minh, tuy nhiên để làm được điều đó còn rất nhiều tồn tại mà thành phố cần khắc phục.

Tòa soạn Kinh doanh & Phát triển với vai trò chức năng nghiên cứu, phản biện, nhận định các hoạt động phát triển kinh tế, phát triển đô thị theo hướng hiện đại, đảm bảo các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành đã căn cứ thực tiễn, đi sâu khảo sát, tìm hiểu quy trình pháp lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, cải tạo chỉnh trang đường Nguyễn Công Trứ, Lê Duẩn, Phan Bội Châu, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên. Dự án do Ban Quản lý dự án và đầu tư xây dựng thành phố Vĩnh Yên làm chủ đầu tư, đơn vị trúng thầu là liên danh Công ty Phú Anh – Bắc Ái; giá trị trúng thầu 54.783.501.000, hình thức hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, thời gian thực hiện hợp đồng là 580 ngày.

Qua quá trình nhiều ngày thực địa tại dự án, trực tiếp là tuyến đường Nguyễn Công Trứ phóng viên đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý của người dân thành phố về việc dự án đang gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, mất an toàn lao động, thiếu kiểm tra, giám sát…

Cụ thể, tại các địa điểm dự án triển khai lát vỉa hè mới, lượng đất đá, gạch thải chất đống chưa được chuyển đi lấn chiếm hành lang giao thông, lòng đường và không có rào chắn, không có cảnh báo, gây mất an toàn giao thông, có nơi có rào chắn cũng như không; nhiều hố ga khi lát gạch mới xong không có nắp đậy, không có hàng rào bảo vệ, không có cảnh báo, nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao, đặc biệt khi trời tối.

Nhiều vị trí đơn vị thi công làm dở dang, bỏ lại nhiều tháng không tiếp tục thi công mà không có lý do, không có biển bảng, rào chắn, cảnh báo theo quy định của Luật Xây dựng.

Đối chiếu với quy định của Luật Xây dựng về Quy chuẩn tổ chức mặt bằng công trình xây dựng chúng ta có thể thấy được quy định rất rõ: Công trường xây dựng, mọi vị trí làm việc đều phải giữ gọn gàng, ngăn nắp. Các thiết bị, dụng cụ luôn phải đặt đúng nơi quy định, các chất thải, vật liệu thừa phải được thu dọn thường xuyên; Xung quanh khu vực công trường phải được rào ngăn và bố trí trạm gác không cho người không có nhiệm vụ ra vào công trường; Mặt bằng công trường và các khu vực thi công phải có hệ thống thoát nước đảm bảo mặt bằng thi công khô ráo, sạch sẽ. Giếng, hầm, hố trên mặt bằng và những lỗ trống trên các sàn tầng công trình phải được đậy kín đảm bảo an toàn cho người đi lại hoặc rào ngăn chắc chắn xung quanh với chiều cao tối thiểu 1m;

Như vậy, căn cứ vào Quy chuẩn tổ chức mặt bằng thi công công trình xây dựng của Luật Xây dựng thì việc đơn vị thi công tại dự án đầu tư xây dựng công trình, cải tạo chỉnh trang đường Nguyễn Công Trứ, Lê Duẩn, Phan Bội Châu, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên là chưa phù hợp, còn nhiều thiếu sót, gây bức xúc trong nhân dân, cử tri phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên.

Ông N.Q.V, một hộ dân tại đường Nguyễn Công Trứ bức xúc, nhiều tháng nay tuyến đường này lát vỉa hè nhưng đến đoạn đường nhà ông thì mọi thứ dừng lại, vỉa hè cũ bị bóc nham nhở, hố ga không có lắp đạy, mỗi khi mưa xuống là nhếch nhác, bẩn thỉu. Vẫn biết là dự án có nhiều đoạn kéo dài phải làm từ từ tuy nhiên, việc không có cảnh báo nguy hiểm, nếu trẻ con nô đùa không để ý thì nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao. Nên rất mong các cơ quan chức năng kiểm tra giám sát, các đơn vị thi công chấp hành nghiêm quy định lập rào chắn, lắp cảnh báo nguy hiểm khi thi công.

Dưới đây là những hình ảnh tại dự án đầu tư xây dựng công trình, cải tạo chỉnh trang đường Nguyễn Công Trứ, Lê Duẩn, Phan Bội Châu, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên:

Tuyến đường Nguyễn Công Trứ, Liên Bảo, Tp Vĩnh Yên đang rất bừa bộn vì vật liệu xây dựng để ngổn ngang, chưa đảm bảo theo yêu cầu của Luật Xây dựng 2014.

Hố ga sâu hàng mét lộ thiên trước của nhà dân không có rào chắn, bảo vệ thi công, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Người dân nhiều lần đề nghị đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành các địa điểm “nguy hiểm” như thế này để tránh trẻ nhỏ bị ngã nguy hiểm nhưng chưa được hoàn thành.

Vật liệu xây dựng ngổn ngang, lấn chiếm lòng đường, gây mất an toàn giao thông, biện pháp bảo vệ công trình đang thi công sơ sài, có cũng như không.

Trước cổng trường mầm non vẫn ngổn ngang vật liệu xây dựng, đá tảng vỡ nát không được thu dọn theo quy định, vị trí thi công dở dang không có rào chắn, biển cảnh báo.

Những thiếu sót, hạn chế trong quá trình thi công rất cần chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra giám sát, nhắc nhở đơn vị thi công đảm bảo các yêu cầu về an toàn, cảnh báo, về vệ sinh môi trường thi công, tránh làm ảnh hưởng nhiều tháng đến đời sống dân sinh, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của địa phương.

LUẬT XÂY DỰNG NĂM 2014 QUY ĐỊNH:

Điều 109. Yêu cầu đối với công trường xây dựng

1. Chủ đầu tư có trách nhiệm lắp đặt biển báo công trình tại công trường xây dựng, trừ trường hợp nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng. Nội dung biển báo gồm:

a) Tên, quy mô công trình;

b) Ngày khởi công, ngày hoàn thành;

c) Tên, địa chỉ, số điện thoại của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tổ chức thiết kế xây dựng và tổ chức hoặc cá nhân giám sát thi công xây dựng;

d) Bản vẽ phối cảnh công trình.

2. Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm quản lý toàn bộ công trường xây dựng theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp chủ đầu tư tổ chức quản lý. Nội dung quản lý công trường xây dựng bao gồm:

a) Xung quanh khu vực công trường xây dựng phải có rào ngăn, trạm gác, biển báo dễ nhìn, dễ thấy để bảo đảm ngăn cách giữa phạm vi công trường với bên ngoài;

b) Việc bố trí công trường trong phạm vi thi công của công trình phải phù hợp với bản vẽ thiết kế tổng mặt bằng thi công được duyệt và điều kiện cụ thể của địa điểm xây dựng;

c) Vật tư, vật liệu, thiết bị chờ lắp đặt phải được sắp xếp gọn gàng theo thiết kế tổng mặt bằng thi công;

d) Trong phạm vi công trường xây dựng phải có các biển báo chỉ dẫn về sơ đồ tổng mặt bằng công trình, an toàn, phòng, chống cháy, nổ và các biển báo cần thiết khác.

3. Nhà thầu thi công xây dựng phải có các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và phương tiện ra vào công trường, tập kết và xử lý chất thải xây dựng phù hợp, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh khu vực công trường xây dựng

Điều 111. Yêu cầu đối với thi công xây dựng công trình

1. Tuân thủ thiết kế xây dựng được duyệt, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng; bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn trong sử dụng, mỹ quan, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ và điều kiện an toàn khác theo quy định của pháp luật.

2. Bảo đảm an toàn cho công trình xây dựng, người, thiết bị thi công, công trình ngầm và các công trình liền kề; có biện pháp cần thiết hạn chế thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra sự cố gây mất an toàn trong quá trình thi công xây dựng.

3. Thực hiện các biện pháp kỹ thuật an toàn riêng đối với những hạng mục công trình, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, phòng, chống cháy, nổ.

4. Sử dụng vật tư, vật liệu đúng chủng loại quy cách, số lượng theo yêu cầu của thiết kế xây dựng, bảo đảm tiết kiệm trong quá trình thi công xây dựng.

5. Thực hiện kiểm tra, giám sát và nghiệm thu công việc xây dựng, giai đoạn chuyển bước thi công quan trọng khi cần thiết, nghiệm thu hạng mục công trình, công trình xây dựng hoàn thành để đưa vào khai thác, sử dụng.

6. Nhà thầu thi công xây dựng công trình phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với loại, cấp công trình và công việc xây dựng.

NHÓM PV

Theo KDPT