Người dân có thể phản ánh các vấn đề về an toàn thông tin trên các trang phản ánh thông tin của cơ quan chức năng. Ảnh: MINH HOÀNG

Các vụ lừa đảo qua mạng đều được thực hiện bởi một nhóm từ hai người trở lên, chúng luôn có những kịch bản để phối hợp ăn ý với nhau đến mức nạn nhân khi đã rơi vào bẫy vẫn không biết mình bị lừa. Các hình thức lừa đảo qua mạng gia tăng không ngừng, từ việc đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu tư,… và đều hướng tới mục tiêu cuối cùng là tài chính của các nạn nhân.

Ðiểm chung của hầu hết các vụ việc lừa đảo bằng công nghệ cao là các đối tượng thu thập được thông tin cá nhân của nạn nhân như tên tuổi, ngày sinh, số căn cước, thông tin tài khoản ngân hàng… Các thông tin này do nạn nhân sơ ý để lộ hoặc các đối tượng tự thu thập được.

Các đối tượng lừa đảo sau khi lấy được thông tin cá nhân, chúng sẵn sàng mạo danh một số cơ quan, tổ chức để gọi điện liên hệ với chủ của số điện thoại đó với yêu cầu chuyển tiền. Với tâm lý lo lắng cộng với thông tin cá nhân được kẻ xấu trình bày chính xác thì một số người nhẹ dạ, cả tin sẵn sàng chuyển tiền cho chúng.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính riêng trong năm 2022, có ba nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng ở Việt Nam.

Vừa qua, tại một số trường học, bệnh viện trên địa bàn ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra tình trạng đối tượng lừa đảo giả danh yêu cầu phụ huynh hay người nhà bệnh nhân chuyển tiền. Thậm chí các đối tượng này còn liều lĩnh thông báo với phụ huynh rằng con của họ đang nằm trong nhà xác khiến gia đình cực kỳ bàng hoàng. Thông tin từ bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), chỉ trong vài ngày, đơn vị này đã phát hiện gần 15 trường hợp các bậc phụ huynh bị kẻ xấu lừa đảo là có con đang cấp cứu ở đây. Điều đáng quan tâm là bọn chúng biết rất rõ tên, tuổi, trường lớp và thông tin cá nhân của nạn nhân.

Một thủ đoạn nữa là các đối tượng lừa đảo tạo ra các đường link có chứa mã độc và gửi đi. Khi người nhận được đường link đó, chỉ cần ấn truy cập thì sẽ bị các đối tượng đọc được mã OTP trong giao dịch qua tài khoản ngân hàng và qua đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Các đối tượng còn làm giả trang web của cơ quan, tổ chức, làm giả các sàn giao dịch điện tử cũng với mục đích chiếm đoạt tài sản.

Theo ông Ngô Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty An ninh mạng thông minh, các đối tượng lừa đảo có thể mạo danh tin nhắn, gọi là tin nhắn brand name, tức là tin nhắn định danh của một tổ chức, doanh nghiệp.

Bằng một số biện pháp kỹ thuật, các kẻ tấn công đã có thể tạo ra tin nhắn giả mạo trên một khu vực nhất định. Nếu người dùng không kiểm tra đầy đủ thông tin, đường dẫn địa chỉ của các trang web giả mạo đó thì chúng ta hoàn toàn có thể vô tình nhập thông tin cá nhân và mã OTP. Như vậy, chúng ta sẽ bị mất tài khoản và tạo ra một giao dịch giả mạo rồi chuyển tiền cho kẻ xấu. Ðã có nhiều người bị sập bẫy của bọn chúng.

Để có những biện pháp phòng chống những chiêu trò lừa đảo này, người bị hại cần liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất. Nếu phát hiện hành vi lừa đảo giao dịch bằng internet banking, người bị hại thông báo ngay qua đường dây nóng hoặc tổng đài hỗ trợ khách hàng của ngân hàng đang sử dụng dịch vụ để được hỗ trợ kịp thời. Cùng với đó, thường xuyên thay đổi mật khẩu hoặc tăng tính năng bảo mật quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội; không chia sẻ số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội.

VIỆT ANH

Theo KDPT