Thu hút đầu tư là mục tiêu và nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của mỗi quốc gia, mỗi tỉnh thành phố trong cả nước. Tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh đó, với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc thực hiện trình tự triển khai dự án đầu tư theo Luật Đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc đã tự tin ứng dụng chuyển đổi số trong hỗ trợ thông tin, chấp thuận chủ trương đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đến khi hoàn thành đầu tư đưa dự án vào vận hành một cách hiệu quả nhất.

“Bức tranh” thu hút đầu tư vượt kỳ vọng…

Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xây dựng hạ tầng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số; giao chỉ tiêu nhiệm vụ chuyển đổi số cho thủ trưởng các cơ quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số để đánh giá người đứng đầu.

Bức tranh thu hút đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc vượt kỳ vọng năm 2023
Vĩnh Phúc tập trung thu hút nhà đầu tư FDI chiến lược quan trọng. (Ảnh: Khánh Linh)

Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh Vĩnh Phúc thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về quy hoạch phát triển tỉnh, thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế… Với vai trò quan trọng góp phần ổn định và phát triển nền kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc đã tham mưu UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành các đề án như: Đề án về hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp FDI từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; Đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030… trong đó các ứng dụng số trên nền tảng Internet đang thực sự giúp sức vào những kết quả đạt được.

Thống kê đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 1.292 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 460 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 7,9 tỷ USD và 832 dự án DDI với tổng vốn đầu tư trên 140 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2023, Vĩnh Phúc đã thu hút được 604,2 triệu USD vốn đầu tư FDI tăng 30,6% so với cùng kỳ và đạt 151% kế hoạch. Điều này thể hiện Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến an toàn, tin cậy đối với các nhà đầu tư.

Kết thúc năm 2023, mặc dù bị ảnh hưởng bởi hậu dịch bệnh COVID-19 và tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn là “điểm sáng” thu hút đầu tư đạt kết quả cao. Để hiểu rõ hơn về những kết quả tích cực trong thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước năm 2023, Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển đã có dịp trao đổi phỏng vấn với ông Phạm Quang Thắng – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc.

Bức tranh thu hút đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc vượt kỳ vọng năm 2023
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực thủ tục hành chính số.

Nguồn lực thu hút đầu tư

PV: Thưa ông, chuyển đổi số là mục tiêu lớn của quốc gia do Thủ tướng phê duyệt, thời gian qua Vĩnh Phúc đã có những thành công trong ứng dụng chuyển đổi số đặc biệt là trong thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, vậy chỉ đạo xuyên suốt của Vĩnh Phúc để có được kết quả thành công đó thưa ông?

Ông Phạm Quang Thắng: Ứng dụng chuyển đổi số vào thực hiện các nhiệm vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc đã tham mưu UBND tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng Sổ tay đầu tư với mục tiêu hỗ trợ nhà đầu tư thuận lợi trong việc thực hiện trình tự triển khai dự án đầu tư theo Luật Đầu tư trên địa bàn tỉnh. Hiện nay có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào tỉnh, trong đó Hàn Quốc có số lượng nhà đầu tư lớn nhất, sau đó là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Italia, Samoa, Seychelles, Hà Lan, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Indonesia và Pháp. Dự kiến trong năm 2023, toàn tỉnh thu hút được 43 dự án mới, thu hút đầu tư năm 2023 đạt kết quả khả quan hơn so với năm 2022 và vượt kế hoạch năm đề ra.

Vĩnh Phúc có điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng tương đối phát triển đặc biệt về giao thông vận tải, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng cấp điện, thoát nước và hạ tầng đô thị, mạng lưới viễn thông đồng bộ. Hiện tại, tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những trung tâm công nghiệp của miền Bắc Việt Nam với các sản phẩm chủ lực là ô tô, xe máy và thiết bị điện tử với các nhà máy lớn như Honda, Toyota, các nhà máy nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp lớn như Samsung, LG, Dell…

Bức tranh thu hút đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc vượt kỳ vọng năm 2023
Ông Phạm Quang Thắng – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc

Thông qua các ứng dụng số, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc đã giao các phòng chuyên môn, tham mưu, tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc và Việt Nam, có thể kể đến một số trường hợp hỗ trợ trực tiếp như: Toyota, Honda, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, CNC Tech, Damo Vina, Geotech Vina, YPE, Tập đoàn Young Poong Hàn Quốc, Khu công nghiệp Nam Bình Xuyên, Khu Công nghiệp Sông Lô…

Trong chỉ đạo, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có những chỉ đạo xuyên suốt, hiệu quả trong thu hút đầu tư, điển hình như “Chương trình hành động số 03/CTr-UBND ngày 12/01/2023 để triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội”; Chương trình số 01-CTr/TU ngày 19/11/2020 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về “Cải thiện môi trường đầu tư, khai thông nguồn lực, tháo gỡ nút thắt phát triển kinh tế” đã chỉ ra tại Kết luận số 894-TB/TU ngày 11/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 141/KH-UBND ngày 28/4/2023 thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030; Thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 01/9/2016 của BTVTU về khuyến khích đầu tư các dự án dịch vụ chất lượng cao tại các vùng khó chuyển đổi cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2021.

PV: Trong quá trình thực hiện, Vĩnh Phúc đã có những thuận lợi và gặp phải khó khăn gì khi ứng dụng chuyển đổi số thu hút dầu tư, hỗ trợ doanh nghiêp?

Ông Phạm Quang Thắng: Về thuận lợi, Vĩnh Phúc có điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng tương đối phát triển đặc biệt về giao thông vận tải, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng cấp điện, thoát nước và hạ tầng đô thị, mạng lưới viễn thông đồng bộ. Hiện tại, tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những trung tâm công nghiệp của miền Bắc Việt Nam với các sản phẩm chủ lực là ô tô, xe máy và thiết bị điện tử với các nhà máy lớn như Honda, Toyota, các nhà máy nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp lớn như Samsung, LG, Dell… về nguồn lực con người và hạ tầng kỹ thuật, Sở đã được trang bị các máy móc hiện đại, cán bộ thực hiện được tập huấn, nâng cao nghiệp vụ sử dụng ứng dụng số hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn cho các vị trí, việc làm trong các cơ quan doanh nghiệp và đường dây nóng hỗ trợ doanh nghiệp ngay khi có phát sinh hỗ trợ.

Về khó khăn, trong thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, vướng mắc về hình thức giải phóng mặt bằng và giao đất đối với các dự án tại các khu, cụm công nghiệp chưa thành lập hoặc chưa có chủ đầu tư hạ tầng nhằm tránh quy hoạch “treo” và tận dụng cơ hội, nguồn vốn đầu tư cho các địa phương. Luật Đất đai hiện nay chỉ cho phép các nhà đầu tư thứ cấp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được thuê lại đất của các chủ đầu tư hạ tầng mà không cho phép thuê đất trực tiếp với Nhà nước.

Bức tranh thu hút đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc vượt kỳ vọng năm 2023
Với 43 dự án FDI mới trong năm 2023 cùng số vốn đăng ký lên tới 600 triệu USD đây là cơ hội lớn cho Vĩnh Phúc tăng trưởng kinh tế trong năm 2024.

Về xác định tính chất, loại dự án: Vướng mắc về cơ chế thu hồi, giao đất đối với các dự án có tính chất hỗn hợp, đa mục tiêu, nhiều mục đích (trong đó có mục tiêu dự án vừa thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế, vì lợi ích quốc gia, công cộng vừa thuộc trường hợp nhà đầu tư thỏa thuận nhận chuyển nhượng, góp vốn để thực hiện dự án). Đồng thời các thủ tục hành chính còn tương đối phức tạp, dẫn tới còn một số vướng mắc trong giải quyết thủ tục theo hình thức online; việc hướng dẫn các đơn vị doanh nghiệp thực hiện kê khai, nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc… tuy nhiên việc hỗ trợ “tận gốc” được Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo tới từng cán bộ, nhân viên trong thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp khi có nhu cầu.

PV: Thời gian tới chiến lược của Vĩnh Phúc trong ứng dụng chuyển đổi số vào nền hành chính công phục vụ thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp có gì đặc biệt để thu hút “đại bàng” về đầu tư thưa ông?

Ông Phạm Quang Thắng: Chiến lược cụ thể của Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các đề án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư như:

Đề án hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp FDI, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu (Đề án số 776/ĐA-UBND ngày 09/02/2022 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc); Đề án cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 1774/QĐ-UBND ngày 30/9/2022); Đề án Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025 (Quyết định số 2204/QĐ-UBND ngày 21/11/2022); Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (Quyết định 822/QĐ-UBND ngày 17/4/2023); Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án cấp nước sạch, các dự án cấp điện theo quy hoạch để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước và điện của nhà đầu tư. Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc… trong các Đề án đều nêu bật tầm quan trọng của hoạt động chuyển đổi số, giảm thiểu các thủ tục hành chính, tăng cường hỗ trợ từ xa, giúp doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình tìm hiểu môi trường đầu tư, đăng ký mô hình đầu tư, đăng ký các thủ tục đầu tư thuận lợi nhất.

Vĩnh Phúc xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi đầu tư thỏa đáng để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư; nâng cao năng lực hấp thụ, dần tiến tới tự chủ công nghệ; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm.

Cùng với đó, Vĩnh Phúc xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi đầu tư thỏa đáng để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư; nâng cao năng lực hấp thụ, dần tiến tới tự chủ công nghệ; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm.

Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư; hình thành liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, từ đó tạo ra môi trường đầu tư mạnh về vị trí địa lý, về nguồn nhân lực, đặc biệt hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính và đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết các khó khăn vướng mắc trong suốt quá trình doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Vĩnh Phúc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!