Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm dự kiến trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Theo Bộ Công Thương, các ngành công nghiệp trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy nền công nghiệp quốc gia nói riêng và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung theo định hướng của Đảng và Nhà nước là các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn theo chủ trương, định hướng của Đảng về công nghiệp hóa đất nước.
Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu: Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần có lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên nguồn lực, có các cơ chế, chính sách đột phá, phù hợp để phát triển các cực tăng trưởng, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù.
Bộ Công Thương đang đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm. (Ảnh minh họa) |
Chưa có hành lang pháp lý
Theo Bộ Công Thương, hạn chế thứ nhất là, chưa có hành lang pháp lý xác định rõ trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm trong quá trình công nghiệp hóa. Hệ thống pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định cụ thể hóa về việc xác định các ngành công nghiệp trọng điểm, then chốt cũng như chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển các ngành này.
Thứ hai, pháp luật hiện hành về nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành công nghiệp trọng điểm còn rời rạc, hiệu lực pháp lý thấp hoặc chưa được xây dựng. Các giải pháp hỗ trợ về thị trường chưa được quan tâm đúng mức trong quá trình xây dựng chính sách công nghiệp; cơ chế, chính sách cho ứng dụng, chuyển giao, cải tiến, đổi mới quy trình công nghệ sản xuất trong các ngành công nghiệp.
Thứ ba, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về cơ chế thúc đẩy, phối hợp chính sách một cách có lộ trình theo hướng phát triển bền vững trong sản xuất công nghiệp – đặc biệt là các ngành công nghiệp trọng điểm phù hợp với xu hướng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, sản xuất xanh, bền vững.
Do chưa có hệ thống pháp lý cho các chính sách phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách và bảo đảm các nguồn lực cho thực hiện các chủ trương về phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp trọng điểm nói riêng còn rất hạn chế…
Hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trọng điểm
Vì vậy, việc ban hành Luật Công nghiệp trọng điểm trong tình hình, bối cảnh hiện nay là vô cùng cấp bách nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị và mới đây nhất là Nghị quyết 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trọng điểm phù hợp với bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hướng đến xây dựng nền công nghiệp độc lập, tự chủ, tự cường, góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Kiến tạo được một số đột phá về chính sách, pháp luật để xử lý các điểm nghẽn cơ bản trong phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm theo hướng từ theo chiều rộng sang theo chiều sâu, từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao đồng thời tạo đột phá về quá trình hiện đại hóa trong công nghiệp.
Đẩy mạnh phân công, phân cấp thông qua tạo cơ sở pháp lý khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của các Bộ, ngành địa phương trong khai thác và phát huy tốt nhất mọi tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng và địa phương.
Nhiều ưu đãi vượt trội
Tại Dự thảo Luật, Bộ Công Thương đề xuất nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư đặc biệt, “vượt trội” cho các dự án công nghiệp trọng điểm. Cụ thể, đề cập về nội dung ưu đãi đặc biệt cho các dự án công nghiệp trọng điểm, Điều 18 Dự thảo Luật quy định các ưu đãi cao hơn so với mức ưu đãi đầu tư dành cho các ngành, nghề, đặc biệt ưu đãi đầu tư về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn, giảm thuế, ưu đãi tiền thuê đất, thuê mặt nước; được gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.
Đối với nội dung hỗ trợ đầu tư, dự kiến sẽ dùng ngân sách nhà nước trực tiếp hỗ trợ kinh phí đầu tư cho doanh nghiệp; hoặc trợ cấp chi phí đầu vào cho doanh nghiệp trong thời hạn nhất định…
Để phát triển thị trường cho công nghiệp trọng điểm trong nước, Điều 30 Dự thảo Luật quy định, khi tiến hành mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên, các cơ quan, đơn vị quy định phải sử dụng sản phẩm công nghiệp trong nước đã sản xuất được.
Với hoạt động lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, xây lắp trong các dự án đầu tư, Dự thảo Luật quy định phải sử dụng sản phẩm công nghiệp trong nước đã sản xuất được.
Chỉ tổ chức đấu thầu quốc tế trong trường hợp các sản phẩm cung cấp cho gói thầu công nghiệp trong nước không sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng không đáp ứng yêu cầu về chất lượng, số lượng, giá cả hoặc theo yêu cầu của nhà tài trợ đối với những gói thầu thuộc các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ…
Góp ý nội dung Dự thảo Luật, nhiều bộ ngành đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ, đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lặp với các quy định hiện hành.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, Luật Đầu tư năm 2020 đã có những quy định ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt nhằm khuyến khích phát triển một số dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội. Để tăng cường thu hút dự án đầu tư lớn, đổi mới sáng tạo, có tác động lan tỏa, khuyến khích hoạt động R&D, chuyển giao công nghệ, Bộ KH&ĐT đã tham mưu, tổng hợp ý kiến trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế. Vì thế, Bộ KH&ĐT đề nghị cơ quan xây dựng Luật cần rà soát kỹ các quy định để tránh mâu thuẫn với Luật Đầu tư.
Bộ KH&ĐT cũng đề nghị Bộ Công Thương bỏ các quy định tại Điều 30 Dự thảo Luật, bởi các nội dung này đã được đề cập tại Luật Đấu thầu 2023 để bảo đảm tính thống nhất giữa các luật.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), nhiều nội dung tại Dự thảo Luật còn chung chung, chưa thực sự phù hợp với tên, phạm vi điều chỉnh của Luật CNTĐ. Với quy định tại Điều 40 Dự thảo Luật về Trung tâm Đổi mới sáng tạo công nghiệp, Bộ KH&CN đề nghị cần cân nhắc, rà soát để bảo đảm không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành (Bộ KH&CN, Bộ KH&ĐT) và phù hợp với Nghị quyết của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy.
Về việc lựa chọn các ngành CNTĐ, Bộ Tài chính cho rằng, cần làm rõ cơ sở pháp lý, sự cần thiết có quy định với các nội dung liên quan đến lĩnh vực công nghệ cao để tránh chồng chéo giữa Dự thảo luật này và Luật Công nghệ cao. Một số nội dung ưu đãi về tài chính, tín dụng, đất đai, ngân sách tại Dự thảo Luật, Bộ Tài chính cho rằng cần bỏ, để tránh chồng chéo, trùng lặp với các quy định hiện hành.
Đề xuất 3 chính sách
Bộ Công Thương đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm với 3 chính sách sau:
Chính sách 1: Xây dựng, ban hành và triển khai Chương trình quốc gia về phát triển công nghiệp. Mục tiêu của chính sách nhằm khắc phục sự thiếu tính chiến lược, kế hoạch trong định hướng phát triển công nghiệp trong thời gian qua; làm căn cứ bảo đảm tính khả thi trong việc bố trí các nguồn lực phát triển công nghiệp tập trung vào các ngành trọng điểm, then chốt, có ý nghĩa quan trọng, đòn bẩy; bổ sung cơ chế kiểm tra, giám sát thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp trọng điểm.
Chính sách 2: Nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp trọng điểm với mục tiêu nâng cao hiệu quả đầu tư trong các ngành công nghiệp trọng điểm; thúc đẩy phát triển công nghiệp theo mô hình cụm liên kết ngành. Bảo đảm thống nhất với quy hoạch phát triển tổng thể quốc gia, của vùng và của tỉnh theo ngành, nghề, cụm ngành.
Chính sách 3: Phát triển bền vững trong công nghiệp. Mục tiêu của chính sách nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất công nghiệp theo hướng phát triển bền vững kinh tế tuần hoàn; giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải, sản xuất xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu… dần hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn của các nước có nền công nghiệp tiên tiến, phát triển trên thế giới./.